Ảnh minh họa |
Với đặc thù nằm lọt thỏm trong khu dân cư, một số sân bay của Việt Nam luôn phải đối mặt với những nguy cơ uy hiếp an toàn bay rất cao như cần cẩu, chó, đèn laser…
Đầu tháng 4/2017, 2 máy bay của Vietnam Airlines số hiệu VN112 và VN1910 đang tiếp cận hạ cánh đầu Nam (35R) để đáp xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng thì kiểm soát viên không lưu phát hiện sát sân bay có công trình xây dựng sử dụng cần cẩu, giàn phun bê tông mà chiều cao có thể vi phạm tĩnh không. Vì vậy, máy bay phải đổi chiều hạ cánh ở đầu đường băng 17L để “né” cần cẩu.
Sau đó, qua xác minh, công trình xây dựng này sử dụng cần cẩu, giàn phun bê tông có chiều cao khoảng 22-25m, tại vị trí đặt cần cẩu có cốt nền khoảng 10m. Khoảng cách từ vị trí cần cẩu và giàn phun bê tông đến dải bay khoảng 1.410m, chiều cao của giàn phun vẫn nằm dưới bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không theo tiêu chuẩn hàng không dân dụng.
Do đó, chủ đầu tư không bị xử phạt vi phạm hành chính. Một cơ trưởng của Vietnam Airlines cho biết tại sân bay Đà Nẵng, máy bay VN112 và VN1910 hạ cánh đầu 17L, phải “chui” qua khe núi vào hạ cánh, là tình huống khá nguy hiểm.
Máy bay phải bay vòng để tránh chướng ngại vật không phải hy hữu đối với các sân bay. Riêng quý I/2017, tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện 10 vụ chó xâm nhập khu bay gây uy hiếp an toàn hoạt động bay. Trong đó, có lần máy bay phải chờ đuổi chó mới được cất/hạ cánh.
Hoặc một chuyến bay khác của Jetstar Pacific số hiệu BL781 đi Hà Nội cũng phải bay lại vì phát hiện chó ở đầu đường băng. Còn ở sân bay Điện Biên chiều 27/2, một chuyến bay của hãng hàng không VASCO chuẩn bị hạ cánh đúng lúc có chó chạy vào đường băng. Máy bay phải bay vòng khoảng 15 phút chờ lực lượng chức năng đuổi chó xong mới được đáp xuống.
Theo phản ánh của phi công, máy bay khi hạ thấp độ cao khoảng 300m để vào khu vực phễu bay tiếp cận đường băng còn bị uy hiếp an toàn vì hiện tượng thả diều, thả chim, chiếu đèn laser, đèn công suất lớn vào buồng lái.
Thời gian qua, cơ chế phối hợp giữa đơn vị tại cảng hàng không sân bay với các cơ quan địa phương đã được thiết lập nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả. Cụ thể, chuyến bay VJT813 của hãng hàng không Vistajet từ Phnom Penh về sân bay Nội Bài (Hà Nội) bị chiếu đèn laser vào buồng lái khi máy bay cách đầu đường băng khoảng 9,7 km.
Vị trí chiếu laser cách sân bay khoảng 4,8 km. Trực ban Cảng vụ Hàng không (CVHK) miền Bắc đã gọi đến đường dây nóng của bộ phận trực ban Công an Hà Nội và Vĩnh Phúc nhưng không có người nhận cuộc gọi.
CVHK miền Nam cho biết với các trường hợp chiếu đèn laser vào buồng lái, cơ quan này thường khoanh vùng nghi vấn, liên lạc ngay với công an, chính quyền địa phương đề nghị kiểm tra, rà soát nhưng không phát hiện được đối tượng vi phạm. Cảng vụ thường nhận được trả lời “chắc bên khu vực quận, phường khác”.
Hoặc trường hợp dân nuôi chó, nuôi chim nhiều khi xâm nhập khu bay, chính quyền địa phương còn thiếu chủ động phòng ngừa, chỉ khi xảy ra tình trạng cả đàn bồ câu gần 30 con xâm nhập làm cản trở máy bay mới tổ chức tuần tra.
Để bảo đảm an toàn bay, CVHK miền Nam đặc biệt lưu ý đến giải pháp tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn hàng không và duy trì hệ thống thông tin, liên lạc 24/24 giờ giữa ngành hàng không và các đơn vị liên quan.
Theo NLĐ