Trung Quốc tự trấn an khi tàu sân bay Mỹ áp sát

Thứ tư, 12/04/2017, 11:07
Trung Quốc đánh giá thấp nhóm tàu sân bay vừa được Mỹ điều động áp sát bán đảo Triều Tiên trong tình hình nóng.

Tàu sân bay Mỹ không đáng sợ?

Đài Bắc Kinh của Trung Quốc vừa có bài phân tích về việc Mỹ điều một cụm tàu sân bay hướng tới vùng biển gần bán đảo Triều Tiên, qua đó đánh giá thấp lực lượng này.

Theo đài Trung Quốc, Mỹ huy động khẩn cấp tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson cùng các tàu hộ tống thuộc Hạm đội 3 là nhằm gây sức ép với Triều Tiên và rất có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Cụm tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70) và các tàu khu trục USS Wayne E. Meyer (DDG 108) aUSS Lake Champlain (CG 57) được trang bị tên lửa hành trình

Đài này dẫn ý kiến các chuyên gia quân sự cho rằng tàu sân bay tấn công và tàu sân bay chiến đấu là hai khái niệm khác nhau. Tàu sân bay chiến đấu nghiêng về việc giành quyền kiểm soát biển, còn tàu sân bay tấn công nghiêng về tác chiến tấn công đối đất. Thông thường, số lượng tàu chiến hộ tống tàu sân bay tấn công ít hơn nhiều so với tàu sân bay chiến đấu.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết trong lực lượng hải quân Mỹ, vị thế của Hạm đội 3 vốn chỉ ở mức vừa phải, bởi khu vực Đông Thái Bình Dương mà hạm đội này phụ trách tương đối ổn định. Tuy nhiên, kể từ nửa cuối năm 2015 đến nay, Hạm đội 7 đã nâng cao vai trò của Hạm đội 3, khiến hạm đội này tham gia nhiều hơn vào các hoạt động ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

Một chuyên gia có tên là Thạch Hồng được dẫn lời nói: “Trên thực tế, đây là sự điều chỉnh của quân đội Mỹ dựa trên chiến lược quân sự “Nhất thể hóa toàn cầu” mới, nhằm mục đích tối ưu hóa nguồn lực, thay đổi sự cân bằng binh lực giữa trong nước và tiền duyên, làm dịu mâu thuẫn giữa việc thiếu hụt quân số với chiến tuyến quá dài, nguồn lực lao dốc trong khi phải chuẩn bị cho chiến tranh”.

Tàu sân bay USS Carl Vinson tại Busan hôm 15/3 để tham gia tập trận chung với Hàn Quốc

Đây là lý do khiến tàu sân bay USS Carl Vinson bắt đầu bận rộn. Kể từ tháng 1/2017 khi rời khỏi căn cứ, tàu USS Carl Vinson vừa đi vừa tập luyện. Ngày 18/2, tàu sân bay này tiến hành “tuần tra” ở Biển Đông. Ngày 20/3, tàu tham gia tập trận chung “giải pháp then chốt” giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Chuyên gia Thạch Hồng cho rằng, Mỹ điều động khẩn cấp tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson tiến vào vùng biển gần bán đảo Triều Tiên là muốn gây sức ép quân sự buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình thử vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, theo những gì đã diễn ra trước đây, việc tăng cường răn đe bằng sức mạnh quân sự của Mỹ không những không thể hạ nhiệt tình hình bán đảo Triều Tiên, mà ngược lại còn khiến Triều Tiên ngày càng cứng rắn hơn.

Phân tích từ phía Trung Quốc cho thấy nước này dù cố gắng đánh giá thấp cụm tàu sân bay của Mỹ nhưng vẫn tỏ ra hết sức lo lắng. Biểu hiện rõ ràng là việc đưa ra kèm lời cảnh báo về sự “cứng rắn” của Triều Tiên.

Trung Quốc không thể xem nhẹ khi cụm tàu sân bay của Mỹ gồm cả các tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình, nhất là sau khi Mỹ đã dội 59 quả Tomahawk xuống Syria ngày 7/4.

Lời đe dọa không trọng lượng?

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Financial Times vào tuần trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ quan điểm cứng rắn đối với cả Trung Quốc và Triều Tiên.

Nhấn mạnh rằng Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đối với Triều Tiên, ông Trump cảnh báo nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Triều Tiên thì Mỹ sẽ đơn phương hành động quân sự.

Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ phóng tên lửa thời gian qua

Theo giới phân tích, lời đe dọa quân sự của ông Trump có 3 lỗ hổng nghiêm trọng.

Thứ nhất, thật sai lầm khi cho rằng áp lực bên ngoài càng gia tăng sẽ buộc Triều Tiên tự từ bỏ chương trình hạt nhân. Triều Tiên bị bao vây bởi các quốc gia giàu mạnh như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đối với các quốc gia như Triều Tiên, vũ khí hạt nhân là công cụ mạnh mẽ nhất để ngăn chặn các cuộc tấn công. Mỹ chưa từng phát động một cuộc chiến tranh chống lại một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nào.

Thứ hai, ông Trump sai lầm khi cho rằng Mỹ có thể buộc Trung Quốc hy sinh lợi ích thiết yếu của nước này trong việc bảo vệ Triều Tiên như một vùng đệm.

Những nỗ lực lâu dài của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của nền kinh tế Triều Tiên do các lệnh trừng phạt quốc tế bắt nguồn từ mối quan tâm sâu sắc của Trung Quốc rằng nếu Triều Tiên sụp đổ sẽ kéo theo việc thống nhất bán đảo Triều Tiên, khi đó Hàn Quốc sẽ nắm vai trò bảo trợ và đưa quân đội Hàn Quốc và quân đội Mỹ tiến tới phía Nam sông Áp Lục, biên giới với Trung Quốc.

Điều này đã từng xảy ra vào năm 1950, khi đó một Trung Quốc yếu kém toàn diện đã không ngần ngại phát động một cuộc chiến tranh toàn diện để đẩy lùi quân đội Hàn Quốc và Mỹ ra khỏi vùng biên giới của nước này.

Thứ ba, tấn công Triều Tiên nếu Trung Quốc chần chừ không hành động như lời ông Trump đe dọa là điều khó xảy ra. Hiện nay, Triều Tiên được cho là sở hữu khoảng hàng chục, hoặc nhiều hơn thế, các thiết bị nổ mang hạt nhân, các kho vũ khí hóa học và sinh học lớn cùng hàng trăm tên lửa đạn đạo có khả năng vươn tới Hàn Quốc, Nhật Bản, cùng với đó là hàng ngàn khẩu pháo hướng về thủ đô Seoul của Hàn Quốc.

Người dân tại Seoul, Hàn Quốc theo dõi tin tức về vụ Triều Tiên bắn tên lửa hồi tháng 2/2017

Một cuộc chiến tranh phòng ngừa do Mỹ phát động trên báo đảo Triều Tiên có thể sẽ hủy diệt tất cả các bên, bao gồm cả Mỹ với khoảng 60.000 binh lính đang được triển khai tại Đông Bắc Á.

Để có một cuộc tấn công phòng ngừa thành công nhằm chống lại vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, tình báo Mỹ cần phải dự báo chính xác số lượng và vị trí của tất cả các loại vũ khí đó với độ chính xác hoàn hảo, và không quân cũng như hải quân Mỹ cần phải thành công trong việc phá hủy kho vũ khí của Triều Tiên trong một cuộc tấn công bất ngờ.

Nếu thậm chí chỉ một thiết bị hạt nhân của Triều Tiên không bị phá hủy và được Triều Tiên đáp trả về phía Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc được đặt trong một container nhập lậu vào Mỹ và kích nổ thì hậu quả sẽ cực kỳ nguy hiểm.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn