Tập trung truy bắt Trịnh Xuân Thanh: Việc cần làm ngay

Thứ hai, 24/04/2017, 12:09
Việc tập trung truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước là chỉ đạo hợp lòng dân, thể hiện quyết tâm cao trong vấn đề phòng chống tham nhũng.

Quyết tâm cao của Chính phủ

Mới đây tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tại buổi họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận nỗ lực của các cơ quan tố tụng trong giải quyết các vụ án nghiêm trọng thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi đồng thời yêu cầu lực lượng điều tra tập trung truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước để xử lý theo quy định của pháp luật.

“Tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra, xử lý vụ án”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Trao đổi thêm với Đất Việt về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) khẳng định chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hết sức đúng đắn và cần thiết vào lúc này.

“Việc này thứ nhất là hợp lòng dân. Hai là chỉ đạo kiên quyết, thể hiện trách nhiệm cao của Tổng Bí thư, vai trò của Đảng và Chính phủ trong việc phòng chống tham nhũng”, ông Phương nhấn mạnh.

Đối tượng Trịnh Xuân Thanh

Theo ông Phương, ngay từ khi Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã tiến hành truy nã và tổ chức truy tìm. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả cụ thể. Do đó việc tập trung thêm lực lượng để truy bắt, dẫn độ ông Thanh về xử lý theo quy định của pháp luật là việc nên làm.

“Khi ông Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài, người dân đã nghi ngờ việc này có sự tiếp tay của ai đó. Nhân dân cũng hoài nghi về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc quản lý Trịnh Xuân Thanh để ông này trốn khỏi đất nước. Do vậy việc truy bắt, truy tìm càng phải được đẩy mạnh hơn nữa”, ông Phương chia sẻ.

ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cũng khẳng định cá nhân hoàn toàn ủng hộ chỉ đạo của Tổng Bí thư trong vụ án Trịnh Xuân Thanh.

Ông Sơn nhấn mạnh, khi Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, chúng ta đã có lệnh truy nã quốc tế. Vì vậy hoạt động truy bắt theo lệnh truy nã là chức năng và nhiệm vụ của cơ quan Công an.

“Việc truy bắt Trịnh Xuân Thanh sẽ giải quyết 2 vấn đề. Đầu tiên, bắt được Trịnh Xuân Thanh để thực hiện hoạt động điều tra và xét xử xử lý theo quy định của pháp luật đối với ông Thanh về những hành vi đã gây ra.

Thứ hai, để mọi người biết được rằng dù có trốn ra nước ngoài cũng không thể lọt lưới pháp luật được”, ông Sơn nhấn mạnh.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Tiếp tục phân tích, ĐBQH Đà Nẵng khẳng định, Việt Nam hiện đã là thành viên của Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol).

Hoạt động phối hợp truy bắt sẽ được thực hiện theo các trình tự thủ tục pháp lý đã được ký kết giữa Interpol và các quốc gia thành viên.

“Tôi không nắm được quy định và hoạt động của tổ chức Interpol nên không có cơ sở bình luận. Tuy nhiên tôi tin tưởng rằng với việc là thành viên của Interpol và ông Trịnh Xuân Thanh là tội phạm đã bị truy nã thì là chuyện các cơ quan phối hợp, truy bắt sẽ được thực hiện”, ông Sơn nói.

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam cần phải đẩy mạnh hơn nữa trong việc hợp tác quốc tế để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư.

“Chúng ta cần phải kêu gọi sự hợp tác hơn nữa từ các quốc gia để truy bắt Trịnh Xuân Thanh. Nếu các nước không hợp tác thì không thể truy bắt được. Thực tế hiện nay có 1 số nước chúng ta có ký hiệp ước về vấn đề truy bắt dẫn độ tội phạm nhưng cũng có những quốc gia chưa có thỏa thuận hợp tác.

Trường hợp ông Thanh trốn ở những nước chưa có thỏa thuận trong phòng chống tội phạm thì sẽ khó khăn để truy bắt chứ không phải dễ. Do đó chúng ta phải có hiệp thương và có biện pháp giải quyết riêng”, ông Phương khẳng định.

Vị ĐBQH Quảng Bình lưu ý, trong việc truy bắt tội phạm, nhiều khi cơ quan điều tra phải giữ bí mật nên không tiết lộ các thông tin. Vì thế người dân và dư luận cũng không thể để đòi hỏi có các thông tin đầy đủ về việc truy bắt đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

“Tôi tin lực lượng công an sẽ có các giải pháp để tiến hành truy bắt, dẫn độ ông Trịnh Xuân Thanh về nước”, ông Phương nhấn mạnh.

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Hồi chuông báo động trong luân chuyển cán bộ

Chiều 23/4, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, công bố Quyết định số 470 của Bộ Chính trị về kiểm tra công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam trong công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ.

Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, công tác luân chuyển cán bộ đã được Trung ương và các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên vẫn tồn tại các sai phạm nghiêm trọng trong việc bổ nhiệm cán bộ kể cả ở Trung ương và địa phương.

“Thực trạng dễ dãi, thiếu chặt chẽ trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ thời gian qua, qua kiểm tra cho thấy một số vụ việc sai phạm nghiêm trọng kể cả ở Trung ương, địa phương đã gióng lên hồi chuông báo động, như vụ: Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các địa phương Hải Dương, Thanh Hóa, Bình Định, Hải Phòng...”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn