- Sau hơn 1 tuần căng thẳng ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, nơi người dân rào làng, giữ cán bộ để đòi đối thoại với lãnh đạo thành phố, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã về làng gặp gỡ, đối thoại với dân. 19 cán bộ, cảnh sát cũng đã được người dân trao trả. Ông đánh giá như thế nào về việc này?
LS Lê Đức Tiết: Tôi rất hoan nghênh việc chủ tịch Hà Nội về gặp người dân để đối thoại. Việc này, dẫu chậm vẫn còn hơn không.
Với riêng ông Nguyễn Đức Chung, trước đây khi bắt đầu dẹp vỉa hè Hà Nội, ông ấy đã thẳng thắn nói rằng có thể chỉ rõ ai chống lưng, bảo kê cho việc lấn chiếm vỉa hè. Chỉ cần một câu nói đó khiến vỉa hè Hà Nội đã được dọn dẹp một cách tích cực.
Thực ra, đối thoại với dân một vài giờ sẽ không giải quyết được toàn diện vấn đề. Tuy nhiên, nó khiến người dân tin tưởng hơn.
Việc đình chỉ thực hiện dự án, thanh tra toàn diện đất đai ở đây cũng rất hoan nghênh.
Sau một tuần bị giữ tại nhà văn hóa thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội, các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động đã được thả chiều 22/4. Ảnh: Tiến Tuấn. |
TS Võ Trí Hảo: Theo tôi việc lãnh đạo thành phố về làng đối thoại với dân là hành động đúng. Nhiều người trách ông sao chậm thế. Nhưng theo tôi, việc tháo ngòi nổ từ từ là hợp lý. Ông Chung cũng cần thời gian để hiểu rõ vấn đề là gì, có giải pháp nào, có thể đưa ra lời hứa gì với dân.
Vụ việc ở Đồng Tâm vốn phức tạp, có những vấn đề sẽ vượt thẩm quyền của cá nhân Chủ tịch UBND thành phố. Khi chưa biết quyền lực của mình cho phép cam kết gì với dân, chưa có giải pháp cụ thể, thì ông Chung có về đối thoại với dân cũng không giải quyết được gì.
Tôi thông cảm với nỗi uất ức của người dân. Sau một đêm, sáng ngủ dậy họ thấy tài sản của mình mất hết, tương lai mờ mịt.
Luật sư Lê Đức Tiết |
Ông ấy đã bật tín hiệu về thiện chí đối thoại, trong thời gian đó thì tìm kiếm giải pháp qua tham vấn chuyên gia, cố vấn và các cấp liên quan. Đó là lựa chọn khôn ngoan. Thực tế, tập quán quốc tế khi đàm phán thì qua nhiều vòng cũng là lẽ thường.
- Sự việc diễn ra tại Đồng Tâm nên nhìn nhận như thế nào?
LS Lê Đức Tiết: Có thể thấy, đây là sự việc nghiêm trọng bởi rất đông người tham gia và xảy ra những hành động quyết liệt, gay gắt.
Đồng Tâm có phải là duy nhất? Thực tế, nhiều sự việc xảy ra nhiều năm, trở thành điểm nóng, như ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) cuối 2011, đầu 2012.
Trước những vụ việc thế này, tôi băn khoăn lỗi có phải hoàn toàn của người dân, hay lỗi của quan chức tham nhũng, những kẻ làm ăn bất chính? Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất có lẽ là luật pháp về đất đai còn nhiều bất cập.
Luật sư Lê Đức Tiết, nguyên là Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Pháp luật - Dân chủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông Hà Hùng Cường, nguyên Bộ trưởng Tư pháp, từng phát biểu rằng luật pháp nước ta vô cùng phức tạp. Mà luật đất đai còn phức tạp hơn nhiều. Tôi rất muốn nghiên cứu luật đất đai để tuyên truyền cho dân hiểu nhưng cũng không thể tiếp cận hết được văn bản. Các văn bản của Bộ này, ủy ban kia cứ liên tiếp đưa ra… như “mê hồn trận”.
Thứ hai là vấn đề đưa pháp luật vào cuộc sống chưa tốt. Trong việc xử lý, giải quyết khiếu kiện liên quan đến đất đai, cơ quan chức năng không điều hòa được 3 lợi ích: quốc gia, tập thể và cá nhân.
Thực tế cho thấy nhiều sự việc nóng liên quan đến đất đai xảy ra do cơ quan chức năng phủ nhận 1 trong 3 lợi ích trên.
Hiện nay, việc quản lý của luật pháp đất đai có 3 cách: quản lý bằng luật hành chính, dân sự và hình sự. Tuy nhiên, nhiều việc đáng lý chỉ dùng biện pháp hành chính thì chính quyền lại dùng luật pháp hình sự và ngược lại. Điều này gây bức xúc dư luận. Không phải riêng sự việc ở Đồng Tâm mà nhiều vụ khác đó đã chứng minh điều này.
Nếu chúng ta không giải quyết những nguyên nhân trên thì thời gian tới sẽ còn nhiều vụ Đồng Tâm xảy ra.
- Tại Đồng Tâm, người dân rào làng, giữ cán bộ, công an… biến vùng quê thành ốc đảo và một điểm nóng về an ninh trong khi chính họ nhận thức rõ mình đang làm sai. Từ Tiên Lãng đến Đồng Tâm và nhiều bài học quá khứ, ông có thể lý giải nguyên nhân những nông dân hiền lành lại hành động như thế?
- LS Lê Đức Tiết: Tôi thông cảm với nỗi uất ức của người dân. Sau một đêm, sáng ngủ dậy họ thấy tài sản của mình mất hết, tương lai mờ mịt. Với họ, trăm thứ đều nhờ vào đất đai, ruộng vườn cả.
Tôi lấy ví dụ việc cơ quan chức năng lấy 5 thước đất của dân, đền bù cho họ vài trăm nghìn mỗi m2 rồi đem bán hàng trăm triệu đồng thì dân làm sao chịu đựng được.
Tuy nhiên, tôi không tán thành việc người dân Đồng Tâm chống đối, phản ứng vô tổ chức, vô chính phủ như vậy. Chúng ta còn nhiều cách khác để khiếu nại lên các cơ quan cấp thành phố, cấp trung ương cơ mà.
Từ vụ việc Đồng Tâm có thể thấy việc thực hiện pháp lệnh, luật về giải quyết khiếu nại ở cấp cơ sở không được chấp hành. Nhiều vụ khiếu kiện của người dân thành hàng tập dày, hàng kg đơn kiện. Không có đất nước nào như Việt Nam, nơi mà đơn kiện của dân cứ chuyển vòng quanh từ cơ quan này sang cơ quan khác.
Ông Chung được chào đón ở thôn Hoành ngày 22/4. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Tại Hà Nội, có những vụ kiện tụng đất đai kéo dài vài chục năm ngay tại Liễu Giai nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Thế nên mới có câu “Hà Nội không vội được đâu”.
Ở một số nơi, không có quy hoạch nhưng thôn cứ làm, vì được xã thông qua, do có sự chống lưng của cấp lớn hơn. Có tình trạng chính quyền cấp xã, thôn phản ánh không đúng, không trung thực khiếu nại của người dân.
Nhìn như vụ việc ở Sầm Sơn, Thanh Hóa, phải đến khi Bí thư tỉnh Thanh Hóa xuống gặp dân thì mới “ngã ngửa” bởi yêu cầu của họ hợp lý và chính đáng, từ đó giải quyết cho họ.
Vì thế, lãnh đạo cấp cao cần đối thoại với dân, nghe dân nhiều hơn. Nếu chỉ tin và nghe cấp dưới báo cáo thì sự việc sẽ theo chiều hướng xấu đi.
- Sau đối thoại, thả người, bước tiếp theo sẽ là gì, theo ông?
Tiến sĩ Võ Trí Hảo. Ảnh: P.L. |
TS Võ Trí Hảo: Đến với buổi đối thoại, tôi nghĩ mối quan tâm, lo lắng lớn nhất của người dân Đồng Tâm không hẳn là chuyện đất đai. Họ biết rõ mình đã phạm tội giữ người, đã trót trèo lên lưng hổ rồi.
Người dân Đồng Tâm có nhu cầu làm sao để con em họ không bị khởi tố, hoặc nếu khởi tố thì được miễn trách nhiệm hình sự, hoặc nếu phải xử lý trách nhiệm hình sự sẽ chỉ ở mức án treo.
Chính quyền đã quan tâm đến nguyện vọng đó cho dân, khi ông Chung đại diện cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm.
Nói cách khác, một hợp đồng hành chính giữa đại diện chính quyền và dân đã được thiết lập, trong đó đại diện chính quyền không chỉ có ông Chung mà còn có đại diện các đơn vị khác như công an.
Rút bài học từ vụ Tiên Lãng, tôi nghĩ để tạo niềm tin cho dân thì kết quả đối thoại phải có giá trị pháp lý, cam kết của ông Chung phải được thực thi.
TS Võ Trí Hảo |
Rút bài học từ vụ Tiên Lãng, tôi nghĩ để tạo niềm tin cho dân thì kết quả đối thoại phải có giá trị pháp lý, những cam kết của ông Chung phải được thực thi.
Với lời hứa giải quyết tranh chấp đất đai, theo tôi, sẽ phức tạp và cần thời gian, bởi cần đào bới hồ sơ, tài liệu và cả căn cứ pháp lý từ 1980 đến nay. Người dân không và cũng không thể đòi chính quyền phải hồi đáp ngay lập tức.
- LS Lê Đức Tiết: Theo tôi, Hà Nội nên cho người dân một tháng để họ thuê luật sư, cử đại diện của họ về sự việc này. Khi đó, chính quyền sẽ có lịch trình đi làm việc cụ thể.
Vấn đề bây giờ là cần làm rõ chỉ giới đất đai quốc phòng ở xã Đồng Tâm đến đâu. Thứ nhất, cần công khai đất quốc phòng từ năm 1980 có chỉ giới hay không. Thứ hai, xác định đất đó được quy hoạch sử dụng cho mục đích quốc phòng hay không phải công trình quốc phòng.
Nếu không phải công trình quốc phòng thì nên giao lại cho dân một phần để họ canh tác.
Việc làm này không tốn nhiều thời gian, cần sự tham gia từ người đại diện của dân, luật sư của họ, chính quyền và quốc phòng. Việc xử lý đất đai được thực hiện trên nguyên tắc tiết kiệm đất cho dân.
TS Võ Trí Hảo: Tôi cũng chia sẻ quan điểm này, khi kiểm tra, phát hiện sai sót thì tuyên bố rõ với dân và xử lý ngay cán bộ sai sót. Nguyên tắc cần áp dụng là sai sót cán bộ trước, xử lý sai sót của dân sau. Có như vậy, chính quyền mới tạo được lòng tin.
Khi thanh tra, nếu cần thiết thành phố mời luật sư cùng tham gia, bởi họ quen xử lý tranh chấp đất đai trong một giai đoạn lịch sử kéo dài, hiểu biết pháp luật quá khứ tốt hơn nhiều cán bộ pháp chế, vốn là các công chức, thiếu động lực và độ quan tâm để tìm hiểu luật kỹ lưỡng như vậy.
- Bài học dành cho chính quyền địa phương trong câu chuyện thu hồi, giải quyết tranh chấp đất đai từ Đồng Tâm là gì?
- LS Lê Đức Tiết: Với Hà Nội, nơi có nhiều công trình cần giải quyết các vấn đề đất đai, trước tiên, UBND thành phố và các cấp lãnh đạo cần phối hợp với mặt trận tổ quốc để giải quyết. Cán bộ mặt trận phải hiểu luật và tin cậy, đại diện đầy đủ quyền lợi của dân,.
Thành phố cũng cần rà soát các vụ việc khiếu kiện, các vụ từ trước đến nay.
Chính quyền cũng tránh tình trạng trưng dụng đất không đúng, không giải quyết thấu đáo, thực hiện cưỡng chế, để dân thành đối tượng chống lại người thi hành công vụ, biến vụ việc dân sự trở thành vụ việc hình sự.
Đảng và Nhà nước phải luôn đề cao quan điểm: Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Chúng ta nói nhiều nhưng quan điểm này không ăn sâu vào nếp nghĩ của cán bộ. Chừng nào còn dùng biện pháp hình sự để xử lý quan hệ hành chính, thì còn khó yên dân được.
- Còn bài học nào cho người dân, để bảo vệ quyền lợi mà không tự đẩy mình vào tình thế vi phạm luật?
- LS Lê Đức Tiết: Ở nhiều nước, người dân luôn coi luật sư là kênh để hỗ trợ bảo vệ quyền lợi, không chỉ khiếu kiện. Còn ở ta, khi có khiếu kiện mới xin ý kiến luật sư. Chúng ta cần hình thành nếp nghĩ thượng tôn pháp luật, sống và hành động theo pháp luật từ việc nhỏ.
Với vụ ở Đồng Tâm, tôi nghĩ Liên đoàn luật sư Hà Nội nên cử một vài người xuống để trợ giúp người dân, để đại diện bảo vệ quyền lợi khi làm việc với chính quyền.
Luật sư Lê Đức Tiết nguyên là Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Pháp luật - Dân chủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Tiến sĩ Võ Trí Hảo là Phó trưởng khoa Luật, ĐH Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Zing