|
Các kỹ sư của Công ty phần mềm Infosys (Ấn Độ) |
Không chỉ ''đại tu'' chương trình cấp visa H-1B, Tổng thống Trump mới đây còn ký một sắc lệnh có tên “Mua hàng Mỹ, Thuê người Mỹ” vào hôm 18.4, nhằm bảo vệ và nâng cao số lượng việc làm cho người Mỹ.
Tuy nhiên, Ấn Độ cho biết hành động này từ Nhà Trắng sẽ không giải quyết được vấn đề cốt lõi của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ vẫn thiếu lao động có chuyên môn cao, và đó là lý do mà hệ thống H-1B được thiết kế để đáp ứng.
“Vấn đề cốt lõi của Mỹ không được giải quyết. Nhu cầu cần nhân viên kỹ thuật, công nghệ lành nghề tại Mỹ sẽ vẫn gia tăng vì cạnh tranh trên thị trường trong lĩnh vực này ngày càng khốc liệt”, ông R. Chandrashekhar, Chủ tịch Hiệp hội các công ty phần mềm và dịch vụ của Ấn Độ, nói với CNN.
Dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy người lao động Ấn Độ chiếm hơn 70% tổng số người xin cấp visa H-1B. Tính riêng trong năm ngoái đã có gần 127.000 công dân của quốc gia Nam Á này được cấp thị thực lao động có giá trị trong ba năm. Phần lớn trong số họ làm việc trong lĩnh vực công nghệ cho các công ty Mỹ, song cũng có một số khác làm cho các công ty gia công, cung cấp dịch vụ của Ấn Độ.
Theo CNN, Tổng thống Trump và các nhà chức trách của chương trình H-1B cho biết họ bị lợi dụng bởi các công ty Ấn Độ với số lượng đơn xin thị thực lao động tràn ngập, đưa ra mức lương cạnh tranh để đưa người lao động đến Mỹ, làm hạn chế việc làm của người dân bản xứ.
Ngược lại, phía Ấn Độ lại cho rằng ngành công nghiệp công nghệ trị giá 150 tỉ USD của họ mới thực sự là nguồn tạo ra việc làm cho người Mỹ, và nếu phía Nhà Trắng có bất cứ thay đổi cụ thể nào liên quan đến visa H-1B thì cũng cần phải xem xét đến nhu cầu thực tế của các công ty Mỹ, đặc biệt là các công ty công nghệ.
“Chính quyền Mỹ thay đổi chương trình xin thị thực lao động khiến Ấn Độ bị mất uy tín. Kết quả này một phần cũng từ những hiểu lầm dai dẳng rằng người có visa H-1B là “lao động rẻ” và lấy đi cơ hội việc làm của người Mỹ. Nhưng điều này hoàn toàn không chính xác. Chúng tôi tin rằng cần phải có một cách tiếp cận hợp lý hơn, đồng thời phía Mỹ cũng nên theo dõi tác động của họ đến các doanh nghiệp Mỹ”, ông R. Chandrashekhar nói.
Theo Thanh Niên