|
Trước đó, trong hai ngày 15 và 16-10-2016, Tòa án quốc tế về Monsanto đã mở phiên tòa tại La Haye. Năm thẩm phán đã lắng nghe khoảng 30 nhân chứng và các chuyên gia cung cấp chứng cứ.
Cơ sở pháp lý
Đây là tòa án công luận được các tổ chức dân sự thành lập theo pháp luật về tố tụng dân sự nhằm ba mục đích: đánh giá các cáo buộc nhằm vào Monsanto và xem xét thiệt hại theo luật quốc tế, đánh giá hoạt động hủy hoại môi trường của Monsanto, xem xét đề nghị sửa đổi Quy chế Rome về thành lập Tòa án hình sự quốc tế.
Kiến nghị tham vấn (avis consultatif) công bố ngày 18-4 vừa qua viện dẫn các cơ sở pháp luật:
Luật quốc tế về quyền con người gồm nghị quyết 25/21 ngày 15-4-2014 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ); nghị quyết 17/4 ngày 16-6-2011 của Hội đồng Nhân quyền LHQ về các nguyên tắc chủ đạo liên quan đến các doanh nghiệp và quyền con người.
Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.
Công ước về quyền trẻ em; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ.
Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Quy chế Rome về thành lập Tòa án hình sự quốc tế.
Nhiều vi phạm
Theo tài liệu của Tòa án quốc tế về Monsanto, kiến nghị tham vấn mới công bố xem xét sáu vấn đề.
* Vấn đề 1: Vi phạm quyền có môi trường sống lành mạnh. Các chứng cứ cho rằng hoạt động của Monsanto gây tác hại đến sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe của nông dân và lao động nông nghiệp, đất đai, cây trồng và sinh vật dưới nước, sức khỏe súc vật, tính đa dạng sinh học, hạt giống.
Chứng cứ cũng nêu tác hại đối với các cộng đồng và dân tộc bản địa và tình trạng thiếu thông tin. Kiến nghị tham vấn kết luận: Monsanto đã có hoạt động xâm phạm quyền có môi trường sống lành mạnh.
* Vấn đề 2: Vi phạm quyền về lương thực. Các chứng cứ trình bày cho thấy hoạt động của Monsanto đã gây tác hại đến hệ thống sản xuất, hệ sinh thái, các sinh vật ngoại lai xâm hại. Nhiều nông dân ghi nhận Monsanto đã chi phối thị trường hạt giống.
Kiến nghị tham vấn kết luận: Monsanto đã có hoạt động gây tác hại đến quyền về lương thực. Các cá nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng không sẵn sàng tích lũy đủ lương thực, tự nuôi sống hay tự chọn giống.
Mô hình nông - công nghiệp thống trị áp chế nhiều mô hình khác tôn trọng quyền về lương thực như mô hình nông nghiệp sinh thái.
* Vấn đề 3: Tác hại đối với sức khỏe con người. Các chứng cứ ghi nhận các chế phẩm của Monsanto dẫn đến các ca dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, ung thư hạch không Hodgkin, các bệnh mãn tính, các ca tử vong do môi trường ô nhiễm.
Kiến nghị tham vấn kết luận: Monsanto đã có hoạt động gây tác hại đến sức khỏe con người.
* Vấn đề 4: Vi phạm quyền tự do nghiên cứu khoa học. Các nhà nông học và sinh học phân tử ghi nhận Monsanto đã xúc tiến các hoạt động như trồng trái phép cây chuyển gen, hạn chế phân tích độc hại của chất glyphosate trong thuốc diệt cỏ Roundup, mở chiến dịch bôi bác kết quả nghiên cứu khoa học độc lập, gây sức ép với các chính phủ.
Kiến nghị tham vấn kết luận: Thái độ ứng xử của Monsanto đã ảnh hưởng tiêu cực đến tự do nghiên cứu khoa học, dẫn đến nguy cơ về môi trường và sức khỏe.
* Vấn đề 5: Đồng phạm tội ác chiến tranh. Monsanto bị cáo buộc đồng phạm tội ác chiến tranh qua hành vi cung cấp chất độc da cam. Kiến nghị tham vấn nêu giữa năm 1962-1973, hơn 70 triệu lít chất độc da cam có dioxin đã được phun trên gần 2,6 triệu hecta tại Việt Nam và gây thiệt hại nặng nề đến sức khỏe người dân Việt Nam.
Các cựu binh Mỹ, New Zealand, Úc, Hàn Quốc bị thiệt hại đã đi kiện và Monsanto đã bị quy trách nhiệm.
Tòa ghi nhận chiếu theo luật quốc tế hiện hành, tòa chưa thể kết luận vấn đề 5 nhưng tòa đánh giá Monsanto đã biết các chế phẩm được sử dụng ra sao và hậu quả đối với sức khỏe và môi trường khi rải chúng.
* Vấn đề 6: Hủy diệt môi trường. Trong các tội thuộc quyền tài phán của Tòa án hình sự quốc tế có các hành vi tước đoạt đất đai và xâm hại môi trường. Dù vậy, tòa ghi nhận giữa thực tế bảo vệ môi trường và luật quốc tế vẫn còn chênh nhau.
Tòa minh định nếu luật quốc tế công nhận tội hủy diệt môi trường, Monsanto có thể vi phạm tội này với các hành vi chủ yếu như sản xuất và cung ứng thuốc diệt cỏ có hóa chất glyphosate; sử dụng trên quy mô lớn các chế phẩm nông hóa độc hại; sản xuất, kinh doanh và phân phối trái phép các giống chuyển gen.
Hai kiến nghị
|
Theo TTO