Việt Nam được lợi từ phán quyết mới về Monsanto thế nào?

Thứ sáu, 21/04/2017, 19:18
Những người bị ảnh hưởng từ hóa chất của Tập đoàn Monsanto có thể dựa vào luận điểm được Tòa quốc tế công bố để có hướng đi trong các vụ kiện. 

Phiên tòa mang tính chất tham vấn

Mới đây, bà Francoise Tulkens - chủ tọa Tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye (Hà Lan) đã công bố kiến nghị tham vấn dày 60 trang kết luận Tập đoàn Monsanto đã vi phạm nhân quyền.

Đáng chú ý, các thẩm phán xác nhận Monsanto đã hủy diệt môi trường và gây thiệt hại cho người dân Việt Nam.

Tòa xác nhận Monsanto đã cung cấp phương tiện cho quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam và Tập đoàn công nghệ sinh học khổng lồ này cũng nhận thức rằng sản phẩm của họ sẽ được sử dụng tại đây cũng như các tác hại của chúng lên sức khỏe và môi trường.

Những người bị ảnh hưởng từ các hóa chất độc hại của Tập đoàn Monsanto có thể dựa vào luận điểm được Tòa quốc tế công bố để có hướng đi trong các vụ kiện.

Tòa cho rằng các hành động của Monsanto có thể đã cấu thành tội hủy diệt sinh thái khi đã gây ra tổn hại lớn và lâu dài đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái, làm ảnh hưởng cuộc sống và sức khỏe của con người.

Trao đổi thêm với PV về vấn đề này, TS Ngô Hữu Phước – Phó Trưởng khoa Luật Quốc tế, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, ĐH Luật TP.HCM khẳng định, cần phải hiểu rõ các khái niệm về Tòa án quốc tế để hiểu đúng những kết luận được đưa ra về Monsanto.

Theo TS Phước, Tòa án quốc tế là một thiết chế tài phán được các quốc gia thành lập nên hoặc hoạt động thường trực.

Chẳng hạn như: Tòa án Công lý quốc tế của Liên Hợp Quốc (tiếng Anh: International Court of Justice – ICJ, có chức năng giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia), Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu (Court of Justice of the European Union, thực hiện thẩm quyền tư pháp đới với các vấn đề liên quan đến pháp luật của Liên Minh châu Âu).

Hay như Tòa án quốc tế về luật Biển, được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982-UNCLOS (International Tribunal for the Law of the Sea- ITILOS), có chức năng giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích hay áp dụng UNCLOS hoặc các Tòa án hình sự quốc tế như Tòa án Tội ác chiến tranh Tokyo năm 1946, Nürnberg năm do Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc lập ra để xét xử các tội phạm phát xít đầu sõ gây ra đại chiến thế giới lần thứ hai.

Cùng với đó là Tòa án Hình sự quốc tế (International Criminal Court – ICC) được thành lập theo quy chế Rome năm 1998 để điều tra, truy tố và xét xử các tội phạm hình sự quốc tế hoặc các Tòa án hình sự quốc tế như Tòa án tội phạm quốc tế về Nam Tư cũ năm 1993, Tòa án Hình sự về Rwanda ( International Criminal Tribunal for Rwanda-ICTR) năm 1994…

Tòa án quốc tế được lập ra để thực hiện 2 chức năng. Một là, giải quyết các tranh chấp quốc tế. Hai là, xét xử tội phạm quốc tế và tội phạm hình sự quốc tế được quy định trong các điều ước quốc tế như: tội diệt chủng, tội phân biệt chủng tộc, tội chống lại loài người, tội ác xâm lược...và trong Luật hình sự quốc gia như: Tội khủng bố, Tội buôn bán người, Tội phạm ma túy...

Đối với phiên tòa vừa được tổ chức tại thành phố La Haye (Hà Lan), TS Ngô Hữu Phước khẳng định, đây chỉ là một “phiên tòa công lý” mang tính giả định do các chuyên gia am hiểu về luật pháp quốc tế tổ chức nhằm để bình luận, đánh giá về pháp luật và thực trạng áp dụng pháp luật trên thực tế. Trên cơ sở đó, các luật gia, chuyên gia tham dự phiên tòa đưa ra “phán quyết” có tính chất khuyến cáo, khuyến nghị.

“Có một điểm rất quan trọng là phiên tòa đã nêu kiến nghị, cần phải đưa ra một khái niệm về tội ác hủy diệt môi trường để các quốc gia thành viên của các tổ chức về quyền con người phải tôn trọng và bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành.

Tuy nhiên, tôi xin khẳng định lại, đây chỉ là “bản án về pháp luật” của một phiên tòa giả định chứ không phải là phiên tòa với hai bên đối đầu nhau. Tòa chỉ bàn luận và đưa ra kiến nghị mang tính chất tham vấn để đánh động dư luận cũng như thúc đẩy các quốc gia, các thiết chế quốc tế tuân thủ và thực thi pháp luật tốt hơn”, TS Phước nhấn mạnh.

Điểm lợi của Việt Nam

Với những kết luận vừa được Tòa án quốc tế về Monsanto công bố, TS Ngô Hữu Phước khẳng định, trong chừng mực nhất định cũng tác động, ảnh hưởng đến Việt Nam.

“Các nạn nhân từng bị ảnh hưởng bởi những hóa chất độc hóa học do Tập đoàn Monsanto sản xuất và cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam có thể sử dụng các kết luận, luận điểm pháp lý đã được phiên tòa này công bố để lập luận cũng như có các hướng đi trong những vụ kiện nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình”, TS Phước nói.

Ngoài ra theo vị chuyên gia, những kết luận trên cũng có thể được Tòa án quốc tế về Monsanto và các tổ chức liên quan gửi tới Tòa án hình sự quốc tế, kiến nghị đến Ủy ban nhân quyền của Liên hợp Quốc nhằm đảm bảo về mặt pháp luật quốc tế để con người được sống trong một môi trường trong lành.

Đối với các vụ việc Formosa gây ô nhiễm môi trường tại Việt Nam hay Trung Quốc tiến hành cải tạo trái phép các đảo nhân tạo trên vùng biển Đông, TS Ngô Hữu Phước hy vọng, trong tương lai sẽ có các phiên tòa giả định tương tự để các chuyên gia luật học cùng bàn luận và chỉ ra những điểm vi phạm cụ thể, phá họa môi trường ở khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Tuy nhiên cũng giống như Tập đoàn Monsanto, các kết luận của các phiên tòa này nếu có trong tương lai cũng chỉ mang tính chất tham vấn, khuyến nghị.

Việt Nam hoan nghênh phán quyết của Tòa án quốc tế với Monsanto

Chiều 20/4, tại cuộc họp thường kỳ của Bộ Ngoại giao, khi được đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tòa án quốc tế vừa kết tội Tập đoàn hóa chất Monsanto hủy diệt môi trường Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, Việt Nam hoan nghênh phán quyết trên.

“Đây là một thực tế khách quan về hậu quả chiến tranh nặng nề tại Việt Nam, nhất là do tác động lâu dài và nghiêm trọng của chất độc da cam/dioxin đã được sử dụng. Đề nghị Monsanto tôn trọng kiến nghị tham vấn của tòa án và sớm có những hành động thiết thực góp phần giải quyết hậu quả do chất độc da cam/dioxin để lại”.

Bà Lê Thị Thu Hằng cũng đánh giá cao nỗ lực của Quốc hội, chính phủ và nhân dân Mỹ đã có những bước đi tích cực, hỗ trợ giải quyết hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, trong đó có ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn