Nga thọc sâu vào cứ địa Mỹ ở Trung Đông

Thứ sáu, 21/04/2017, 11:01
Người Nga đã khôn khéo và cao tay khi dùng con bài vũ khí và dầu mỏ để hợp tác với Saudi Arabia, đồng minh thân cận của Mỹ tại Trung Đông.

Dầu mỏ và vũ khí

Trang Ria-Novosti của Nga vừa đưa ra nhận định một trong những đồng minh chủ chốt của Mỹ tại khu vực Trung Đông là Saudi Arabia đang hướng về phía Nga.

Đánh giá được đưa ra nhân chuyến thăm 2 ngày của Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Valentina Matviyenko tới Saudi Arabia. Tại đây, bà Matviyenko đã có một loạt cuộc gặp, trong đó có cuộc gặp với Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdul-Aziz Al Saud.

Bà Matviyenko đã lên án mạnh mẽ cuộc tấn công tên lửa của Mỹ nhằm vào Syria, vốn được Saudi Arabia ủng hộ. Bà nói:

“Chúng tôi cho rằng vụ tấn công tên lửa vào Syria là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, là hành động gây hấn chống lại một đất nước có chủ quyền”.

Bà Matvienko trong cuộc gặp với Quốc vương Saudi Arabia

Trọng tâm của chuyến công du là sự hợp tác trong lĩnh vực dầu khí. Moskva và Riyadh đang tăng cường hợp tác để giảm sản lượng khai thác dầu.

Cả hai nước đều hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của mình trong khuôn khổ thỏa thuận giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn khác trên thế giới.

Bà Matviyenko tuyên bố: “Nga và Saudi Arabia là những quốc gia đảm bảo việc thực hiện thỏa thuận này. Tôi tin rằng sự hợp tác sẽ được tiếp tục lâu dài hơn nữa, bởi vì không ai muốn sự việc phát triển theo chiều hướng hỗn loạn”.

Tờ báo Nga cho rằng trên thực tế, sự hợp tác này là đôi bên cùng có lợi, nó cho phép duy trì giá dầu thế giới ở mức chấp nhận được, điều mà cả Điện Kremlin và chế độ quân chủ Saudi Arabia đều quan tâm.

Một vài năm trước, dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, đã có một lý thuyết cho rằng Washington đặc biệt yêu cầu Riyadh giảm giá dầu để phá hoại Nga dù bằng cách này hay cách khác, song chính phủ Nga và Saudi Arabia hiện tại lại đang hợp tác khá mạnh mẽ trong lĩnh vực dầu khí.

Saudi Arabia vừa là đồng minh, vừa là khách hàng mua vũ khí hàng đầu của Mỹ

Có một điều khá kỳ lạ là mặc dù Riyadh có mối quan hệ khá gần gũi với Mỹ, song quốc gia này lại không ủng hộ các lệnh trừng phạt chống Nga, vốn được nhiều quốc gia đồng minh khác của Mỹ và Liên minh châu Âu ủng hộ, chẳng hạn như Nhật Bản, Australia, New Zealand và Canada.

Ngoài lĩnh vực năng lượng, các vấn đề về hợp tác kỹ thuật quân sự cũng được nhắc tới trong cuộc gặp lần này. Nội dung chi tiết không được nhắc tới, nhưng rõ ràng vào cuối năm ngoái, Saudi Arabia đã thể hiện sự quan tâm tới hệ thống phòng không S-400 mới của Nga.

Đại sứ Nga tại Saudi Arabia Oleg Azerov đã cho báo Ria-Novosti biết về điều này. Đối tác chính cung cấp vũ khí cho Arab Saudi là Mỹ và rõ ràng, Nga hiện bắt đầu là nhà cung cấp cạnh tranh với Mỹ tại thị trường này.

Sức mạnh mềm

Còn một khía cạnh khác của chuyến thăm là việc ủng hộ Viện “Ngân hàng Hồi giáo” và sự xuất hiện các ngân hàng Saudi Arabia ở Nga.

Trong cuộc gặp với đại diện cộng đồng doanh nghiệp Saudi Arabia, bà Matviyenko thông báo rằng vào năm 2017, các dự án chung giữa Nga và Saudi Arabia phải đạt được khoảng 3 tỷ USD.

Bà Matviyenko cũng cho biết Quốc vương Saudi Arabia đang có kế hoạch đến thăm chính thức Liên bang Nga. Bà đã chuyển lời mời của Tổng thống Putin đến Quốc vương và ông đã nhận lời, đồng thời gửi lời cảm ơn.

Saudi Arabia nhiều lần công khai ý định đưa quân vào Syria

Moskva và Riyadh có sự khác biệt khá lớn về cuộc xung đột ở Syria cũng như tình hình liên quan đến Iran. Điều này đang cản trở việc thúc đẩy các hoạt động vận động ngoại giao của cả 2 nước. Tuy nhiên, hai nước vẫn tồn tại những điểm chung.

Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Ilyas Umakhanov cho biết: “Moskva và Riyadh có quan điểm tương đồng về việc giải quyết cuộc xung đột Palestine-Israel.

Đối với vấn đề Syria, hai nước chỉ tồn tại những bất đồng sâu sắc về tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhưng cả Nga và Saudi Arabia đều nhất trí rằng không thể sử dụng các biện pháp quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng này.”

Trong khi đó, mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia đang bị ảnh hưởng bởi việc các công dân Mỹ cáo buộc chính quyền Saudi Arabia ủng hộ tổ chức khủng bố al-Qaeda.

Một vụ khởi kiện tập thể thay mặt cho 800 người chết trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001 đang được toà án liên bang ở Manhattan xem xét. Tổng số tiền liên quan đến vụ kiện ước tính khoảng 6 tỷ USD.

Nga đang "cất cánh" ở Trung Đông?

Bên cạnh những yếu tố về kinh tế và chính trị, vị Chủ tịch Thượng viện Nga cũng tỏ rõ sự am hiểu và tôn trọng văn hóa của Saudi Arabia nói riêng và của người Hồi giáo nói chung. Bà Matviyenko đến thăm Riyadh với trang phục là chiếc váy dài xanh và quấn khăn trên đầu.

Giải thích với phóng viên về việc lựa chọn trang phục của mình, bà Matviyenko cho biết: “Thứ nhất, đây là văn hóa ngoại giao. Nếu bạn đi đến một quốc gia khác thì bạn cần phải tôn trọng văn hoá, truyền thống và đặc thù tôn giáo của quốc gia đó. Đây là nghi thức ngoại giao không thể thiếu”.

Bà nói thêm: “Đây còn là văn hóa nội bộ của quốc gia đó, bởi vì nếu bạn tỏ ra khinh miệt, bạn sẽ không đạt được niềm tin và sự tôn trọng trong các cuộc đàm phán”.

Những phát biểu này dường như ám chỉ cách Mỹ đối xử với không ít đồng minh trong khu vực khi áp đặt cái được người Mỹ gọi là “giá trị dân chủ”, thường xuyên can thiệp công việc nội bộ, lên án chỉ trích tình hình nội tại của các quốc gia khác trong khi chính nước Mỹ chưa thể giải quyết các vấn đề của mình…

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn