Nga không sáp nhập Donbass: Mọi việc đã an bài

Thứ sáu, 21/04/2017, 10:55
Nga không nhất thiết phải sáp nhập Donetsk và Lugansk khi mà tài chính, hành chính, văn hóa của vùng này đã cơ bản được hòa nhập vào Nga. 

Theo Sputnik, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 20/4 cho biết, Moskva không có kế hoạch sáp nhập hai nhà nước cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng vào Nga.

Trả lời báo giới, ông Peskov nói: "Trong nhiều năm qua, cả Tổng thống Nga Vladimir Putin lẫn đại diện của Nga ở các cấp đều nói rằng Moskva không tìm cách sáp nhập các cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk ở khu vực Donbass (ở miền Đông Ukraine) vào Nga. Do đó những thông tin như vậy là rất 'ngây thơ'."

Hãng tin Bloomberg từng dẫn 3 nguồn tin thân cận với ban lãnh đạo Nga cho biết chiến lược thực sự của Tổng thống Nga Putin đối với Ukraine là tách rời hoàn toàn 2 khu vực biên giới được biết là Donbass thông qua việc hợp nhất với Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov và Tổng thống Putin

Trước đó, ngày 17/3, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, cũng nhấn mạnh rằng:

"Như mọi người đều biết, hiện trong dư luận xã hội đang diễn ra nhiều cuộc tranh luận khác nhau, các bạn cũng biết được tâm trạng mà các đại diện vùng Donbass đã nhiều lần công khai phát biểu về vấn đề này, tuy nhiên không có bất cứ kịch bản nào được soạn thảo".

Trên thực tế, Nga có nhất thiết phải tiến hành sáp nhập hai nhà nước cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng vào Nga không khi mà tài chính, hành chính, văn hóa của hai nhà nước này đã cơ bản được sáp nhập vào Nga? Hay nói thẳng ra, trong trường hợp này, Moscow không cần thiết phải tiến hành những thủ tục chính trị rườm rà cho rắc rối.

Tài chính, hành chính

Cụ thể, bắt đầu từ ngày 1/3, người dân ở các nước cộng hòa tự xưng tại miền Đông Ukraine đã chính thức dùng tờ tiền Nga trong lưu thông tiền hệ thay thế cho đồng Hryvnia (UAH) của Ukraine, nhằm bình ổn hệ thống tài chính-tiền tệ tại các nước cộng hòa ly khai này.

Các khoản tiền lương, lương hưu và trợ cấp xã hội sẽ được thanh toán, chi trả bằng đồng rúp. Ngân sách và cả các hồ sơ tài chính, hồ sơ thuế trong khu vực này cũng sẽ được tính bằng rúp.

Đây được cho là các biện pháp đáp trả cứng rắn của chính quyền Donbass đối với lệnh phong tỏa giao thông mà Kiev áp dụng tại hai khu vực Donetsk và Lugansk thời gian qua.

Trước đó, hồi cuối tháng 2, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh yêu cầu giới chức nước này tạm thời công nhận các loại giấy tờ đăng ký dân sự tại khu vực miền Đông Ukraine do phe ly khai kiểm soát.

Hộ chiếu LNR

Người dân Donbass đã háo hức đi đăng ký giấy tờ sau thông báo này. Ông Aleksandr Zakharchenko, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DNR) tự xưng cho biết số lượng người dân xin cấp giấy tờ tại khu vực này đã tăng mạnh. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, chính quyền đã phải điều động thêm nhân lực để giải quyết.

Sắc lệnh của Tổng thống Nga liên quan đến giấy chứng nhận tốt nghiệp đại học, giấy khai sinh, chứng nhận kết hôn/ly dị, hồ sơ thay đổi tên, chứng tử, giấy phép điều khiển phương tiện giao thông cơ giới và biển số xe.

Mỗi ngày, Bộ Nội vụ của nước Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LNR) cung cấp gần 200 hộ chiếu cho người dân. Tháng trước,  Dịch vụ di trú của Bộ Nội vụ DNR cũng khẳng định đã cấp cho hơn 8.000 hộ chiếu cho nhân dân trong vùng.

Quyết định này sẽ cho phép người dân ở các khu vực xung đột có thể đi du lịch, làm việc và học tập tại Nga.

Lòng dân

Theo Điện Kremlin, sắc lệnh này sẽ có hiệu lực cho đến khi một sự ổn định chính trị dựa trên thỏa thuận Minsk được thiết lập tại khu vực xung đột. Phát biểu bên lề Hội nghị an ninh tại Munich, Đức, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định quyết định của Tổng thống Putin xuất phát từ mối quan tâm nhân đạo.

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh thỏa thuận Minsk có lẽ sẽ chẳng bao giờ được thực hiện khi mà Kiev đã có những động thái vô tình đẩy hai khu vực Donetsk và Lugansk ra khỏi Ukraine.

Ukraine đang tự đẩy Donbass về phía Nga

Chính những phản ứng dần dần có thêm những tác động tiêu cực của Kiev như việc sử dụng vũ khí hạng nặng tấn công vào các khu vực dân thường ở Dobass càng khiến cho những ảnh hưởng từ chính quyền Tổng thống Petro Poroshenko trở thành thù địch đối với người dân ở miền Đông.

Sự chuyển hướng trong suy nghĩ của người dân Ukraine ở miền Đông về phía Nga và Tổng thống Putin không theo kiểu ép buộc mà diễn ra tự nguyện. Có thể, ở một góc độ nào đó người Nga có can thiệp vào cuộc xung đột này, nhưng Moscow càng cố gắng giải quyết nó theo hướng có lý nhất thì Kiev lại càng yêu thích cách dùng bạo lực nhất.

Tới thời điểm này, có lẽ Tổng thống Ukraine Petro Oleksiyovych Poroshenko đã thấm nhuần khái niệm sáp nhập mềm. Nỗi đau Crimea chưa lên da non, Kiev đã phải nhận thêm hai về thương khác.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn