Tình trạng phổ biến
UBND TP.HCM vừa ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn năm 2016-2020. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, TP.HCM sẽ thu hồi 100% nhà công vụ dùng không đúng mục đích, đối tượng.
Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, KTS Nguyễn Minh Cảnh - Hội KTS TP.HCM đánh giá cao động thái trên của lãnh đạo thành phố.
Ông Cảnh thừa nhận từ khi giải phóng đến nay, TP.HCM đã cấp rất nhiều nhà công vụ cho các cán bộ, lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nhà nước làm việc trên địa bàn thành phố.
Trong 4 nhiệm kỳ, TP.HCM đã cấp 4 đợt với nhiều đối tượng khác nhau. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng nhà công vụ bị sử dụng sai mục đích diễn ra phổ biến và khá nhiều.
TP.HCM cần làm nghiêm túc, tránh cả nể, nhân nhượng khi thu hồi nhà công vụ sử dụng sai mục đích. Ảnh minh họa |
“Cán bộ mới vào nhận công tác ở đây thì được cấp nhà để ở. Đến thời điểm về hưu thì mặc nhiên phải trả lại và tùy vào điều kiện TP sẽ bố trí nơi ở khác phù hợp hơn. Tuy nhiên nhiều người vẫn sử dụng nhà công vụ và không trả lại.
Thậm chí có những khu vực, người dân còn chiếm khu vực đất trống tại địa điểm được phân nhà để làm bãi trông xe, thu lợi cá nhân. Họ đặt cái lợi của bản thân lên trước chứ không vì tập thể. Tình trạng trên càng ngày càng lan ra nhiều và ai cũng tranh thủ đi xin cấp để hưởng”, ông Cảnh nhấn mạnh.
Cùng đưa ý kiến, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định cần phải làm một cách nghiêm túc, xử lý triệt để tình trạng nhà công vụ bị sử dụng sai mục đích.
TS Liêm cho rằng ngoài đối tượng cán bộ đến tuổi về hưu chưa trả lại nhà công vụ cho nhà nước thì còn một tình trạng khác đang diễn ra tại các khu đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội. Đó là người được phân công nhà công vụ không sử dụng phần diện tích được cấp để ở mà lại chuyển cho người khác thuê làm mặt bằng kinh doanh.
Thậm chí có người dùng các khu biệt thự sang trọng, đắt tiền được cấp cho các doanh nghiệp nước ngoài thuê với giá cao để thu lợi ích cho bản thân.
“Hồi năm 2006 Quốc hội cũng nóng về vấn đề nhà công vụ. Đến nay thì vấn đề này lại càng trở nên cấp thiết hơn. Tình trạng nhà bị sử dụng sai mục đích gây thất thoát tài sản cho nhà nước và tạo nên sự không công bằng trong xã hội”, TS Liêm nhấn mạnh.
Tránh nể nang, nhân nhượng
Theo TS Phạm Sỹ Liêm chủ trương của TP.HCM trong việc thu hồi các nhà công vụ sử dụng sai mục đích là rất đúng đắn. Tuy nhiên việc thực hiện không hề dễ dàng, đặc biệt việc này liên quan đến lợi ích của nhiều người, nhiều cá nhân, tập thể được sử dụng.
Vị chuyên gia dẫn chứng một trường hợp nhà công vụ bị sử dụng sai mục đích tại Hà Nội nhưng do cơ quan quản lý nhà nước nể nang, nhân nhượng nên sự việc bị kéo dài khiến cho cử tri và nhiều ĐBQH bức xúc.
“Trường hợp của một vị nguyên là lãnh đạo cấp cao tại Hà Nội là một điển hình. Sau khi về hưu, đáng lẽ ra ông này phải trả lại căn biệt thự được cấp trước đây tại khu vực trung tâm để chuyển giao cho người khác sử dụng.
Tuy nhiên vị này vẫn lần lữa và không trả. Mặc dù theo tìm hiểu của tôi, ngoài căn biệt thự được cấp khi còn đương chức, ông ấy còn sở hữu một căn nhà riêng khác. Sau này khi dư luận lên tiếng và bức xúc nhiều quá mới trả lại.
Việc chậm trễ cũng một phần do chính quyền làm chưa mạnh tay, còn nể nang, sợ va chạm. Do đó TP.HCM cũng cần phải kiên quyết, cứng rắn khi thực hiện chủ trương này”, ông Liêm kỳ vọng.
Nhìn nhận ở khía cạnh khác, TS Phạm Sỹ Liêm lưu ý, nhà công vụ đúng nghĩa thì người nào vào ở đều phải có các quyết định, có sự phê duyệt từ cấp trên. Khi hết hạn sử dụng cũng phải có cách quyết định thu hồi, giao cho người khác sử dụng.
“Việc thu hồi này cần phải dựa vào danh vụ nhà công vụ, cần làm đàng hoàng, công khai minh bạch. Với những người đã nghỉ hưu mà không chủ động được về chỗ ở thì thành phố cũng cần có những hỗ trợ để họ ổn định cuộc sống. Những người đã có nhà riêng thì cần yêu cầu trả lại theo đúng quyết định để chuyển giao cho người sau”, ông Liêm nói.
Bổ sung thêm, KTS Nguyễn Minh Cảnh cho rằng trước mắt TP.HCM cần rà soát lại hệ thống nhà công vụ ở từng ngành nghề, lĩnh vực từ công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp... để xem xét cụ thể từng trường hợp.
“Chúng ta phải làm dần dần và phân loại từng khu vực một, không thể làm nhanh chóng được. Trước đây khi chưa có chủ trương thì còn có thể có khó khăn này kia nhưng giờ khi TP đã quyết tâm thì cứ tuân thủ đúng các quy định để làm. Tôi nghĩ việc này không quá khó”, ông Cảnh nhấn mạnh.
Theo vị KTS, với những nhà công vụ sai mục đích, không đúng đối tượng bị thu hồi, lãnh đạo thành phố sẽ căn cứ vào chủ trương đã đặt ra trước đó để sử dụng cho hợp lý.
“Chúng ta có thể tiến hành bán đấu giá hoặc giao cho các cơ quan, đoàn thể khác sử dụng. Chủ trương như thế nào là tùy thuộc vào thành phố”, ông Cảnh nói thêm.
Theo Đất Việt