"Chất men kém lắm"
Liên quan đến câu chuyện UBND tỉnh Vĩnh Phúc "vung tay" chi tới 65 tỷ đồng để mua quà tặng đại biểu, quan khách và người dân trong tỉnh nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, chia sẻ với PV, ông Nguyễn Ngọc T - người dân xã Tề Lỗ (huyện Yên Lạc) cho biết:
"Mỗi hộ dân trong xã tôi được tặng một bộ ấm chén, gia đình tôi cũng được trưởng thôn trao cho một bộ. Được biết, đây là gốm Bát Tràng.
Là người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh chúng tôi ghi nhận ý tưởng tốt của lãnh đạo, nhưng tiền ngân sách của tỉnh vốn là tiền thuế của dân, thì có khác nào tiền của dân tặng cho dân sử dụng.
Những ngày qua dư luận xôn xao cũng khiến chúng tôi băn khoăn về việc mức giá của bộ ấm chén trên là bao nhiêu. Thực tế ban đầu khi được tặng chúng tôi không nghĩ gì cả, chỉ nghĩ tỉnh tặng thì thấy phấn khởi, nhưng sau này cũng có nhiều lời bàn tán về giá bộ ấm chén.
Tuy nhiên, chung quy chúng tôi chỉ mong các lãnh đạo nói rõ, mua có đúng giá trị không, cụ thể mức giá thế nào".
Bộ ấm chén làm quà tặng nhân dịp tái lập tỉnh Vĩnh Phúc. |
Đồng tình quan điểm, ông Nguyễn Văn T - người dân xã Thị trấn Thanh Lãng (huyện Bình Xuyên) lại cho hay: "Trước đây tôi từng làm công tác quản lý tại địa phương, nên cũng hay tiến hành mua các sản phẩm để làm kỷ niệm cho cán bộ.
Nói thật nếu là địa phương tôi đi mua thì tôi không mua loại này, bởi đây chỉ là dạng phổ thông bình thường, men trắng đơn giản. Thậm chí, những người dân bình thường thì còn dùng. Vì nghĩ đây là quà kỷ niệm của tỉnh thì dùng, còn gia đình giàu có không ai dùng.
Như gia đình tôi nếu mà bảo mua bộ ấm chén như vậy về dùng, tôi cũng không đồng tình. Vì nếu để mà nói mua bên ngoài bộ ấm chén tỉnh tặng cũng không đến 150.000đ/bộ, mức giá đó cũng hơi cao, vì chất men kém lắm, vài hôm là bị vàng".
Theo ông T, điểm quan trọng tiền ngân sách cũng là tiền của dân, ngay như Trung ương cũng đã nhắc đến Vĩnh Phúc khi bỏ 65 tỷ để mua ấm chén tặng dân, nhiều địa phương khác cũng bị nhắc.
Khi nghe các thông liên quan đến chuyện này, vì từng làm vị trí lãnh đạo, ông T nói: "Tôi thấy khó chịu, trước đây tôi cũng cho mua quà tặng ở địa phương, tôi nghiêm cấm việc bớt xén, đúng giá, cấm qua cò mồi...
Phải xác định, khi đã tặng quà kỷ niệm thì đẹp hẳn không thì thôi, nó cần có một giá trị nào đó. Tôi có lạ gì mấy câu chuyện mua đồ kỷ niệm này đâu, còn hàng trăm thứ, mỗi bên trích một tý, bộ phận cơ quan này cơ quan kia mỗi bên một ít, đến dân còn bao nhiêu.
Về nguyên tắc bao giờ trước khi mua cũng có một đơn vị thẩm định giá, thực ra nhà nước vào kiểm tra vài ngày là xong, chỉ là có làm thật hay không. Nói chung làm cái gì cũng ở cái tâm dù cơ quan nào cũng phải có tâm, có tầm".
Dân để bộ ấm chén vào tủ kính
Về việc này, ông Nguyễn Thành C - người dân xã Tân Phong (huyện Bình Xuyên) thì lại cho rằng, người dân rất phấn khởi, rất thích món quà trên. Tiền ngân sách của tỉnh cũng là tiền thuế của dân, quan trọng là khi mua cho dân, giá trị bộ ấm chén được định giá thế nào, dùng tiền của dân có hiệu quả hay không.
"Loại của sứ Hải Dương hơi đắt, của Bát Tràng đồ xịn cũng đắt, của Trung Quốc rẻ hơn hào nhoáng, dễ vỡ hơn. Với một bộ Bát Tràng hoa lá cành in rất đẹp, gia đình tôi mua dùng cũng chỉ độ 400-500.000đ/bộ. Bộ trắng tinh dùng để in sẽ rẻ, nhưng thực tế một người bán, trăm người mua, giá cả biến đổi lắm.
Về hình thức bộ ấm chén của tỉnh tặng, may có chữ dòng chữ "20 năm thành lập tỉnh. Kính tặng" nên người dân quý trọng, cả bộ ấm chén đắt nhất có lẽ ở dòng chữ, bởi người dân địa phương nào cũng có lòng tự hào về nơi sinh sống của mình.
Tôi thấy người dân trong xã tôi đều để trong tủ làm kỷ niệm, không dùng. Họ đều bảo trân trọng đồ lưu niệm của tỉnh, huyện, được tặng cái phích, bộ ấm chén họ nâng niu lắm.
Qua đây để thấy, dân vô cùng trân trọng các hành động của lãnh đạo, thế nên, tiêu một đồng tiền thuế của dân cũng cần phải cân nhắc, đừng lãng phí", ông C cho hay.
Nhận định thêm, ông Nguyễn Văn L - người dân xã Đồng Cương (huyện Yên Lạc) cho hay: "Các hộ dân đều vui vẻ đón nhận, tặng quà thì dân cảm ơn. Đây cũng là lần đầu tiên dân được tặng quà. Vậy mà đang vui trả lại thì hóa buồn.
Tôi chỉ băn khoăn, tiền của dân dùng có đúng hay không, mua có đúng giá trị thật, chứ ngân sách của tỉnh cũng là tiền của dân. Dân không thể biết giá bao nhiêu tiền, nhưng đã là lãnh đạo thì phải sáng suốt, làm sai thì chịu trách nhiệm".
Theo Đất Việt