Mỹ tái mặt vì Triều Tiên 'đào mỏ vàng' Syria

Thứ sáu, 21/04/2017, 19:11
Giới phân tích Mỹ cho rằng Triều Tiên bán vũ khí, thậm chí hỗ trợ Syria về quân sự và học tập kinh nghiệm từ chính cuộc chiến này.

Cùng chống Mỹ

Cách đây không lâu, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã lên án việc Mỹ sử dụng tên lửa tấn công một căn cứ quân sự của Syria.

Trong bức điện gửi Tổng thống Syria Bashar al-Assad chào mừng dịp kỷ niệm 71 năm ngày Syria giành độc lập, ông Kim đã lên án “hành động xâm lược liều lĩnh” của Mỹ đối với Syria, đồng thời bày tỏ “sự ủng hộ mạnh mẽ và tình đoàn kết" đối với chính phủ và nhân dân Syria.

Đây là lần đầu tiên ông Kim đích thân lên án Mỹ về hành động này.

Triều Tiên và Syria đã tái khẳng định nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương trong những bức điện chào mừng mà hai bên trao đổi nhân những dịp lễ lớn.

Nhiều nhà quan sát được dẫn lời cho rằng vụ tấn công bằng tên lửa gần đây của Mỹ là lời cảnh báo dành cho cả Triều Tiên và Syria.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên tiếp một đoàn đại biểu Syria tại Bình Nhưỡng hồi tháng 7/2013

Mối quan hệ thân thiết giữa Triều Tiên và Syria đang khiến Washington đau đầu. Mặc dù vụ tấn công hôm 7/4 đã gửi một thông điệp cứng rắn đến Bình Nhưỡng song có lẽ người Mỹ chưa thể lường hết mọi tác động, kể cả việc “vô tình” làm lợi cho Triều Tiên.

Báo chí Mỹ cho biết, kể từ những năm 1960, Triều Tiên đã bán vũ khí và các trang thiết bị quân sự cho Syria, đồng thời thực hiện các loại hình hỗ trợ quân sự khác như huấn luyện và trợ giúp kỹ thuật.

Điều quan trọng hơn là Bình Nhưỡng đã giúp Syria phát triển vũ khí hóa học và chương trình tên lửa đạn đạo. Hiện giờ, Triều Tiên vẫn phủ nhận việc nước này hỗ trợ Syria.

Tuy nhiên, có những bằng chứng cho thấy bằng cách này hay cách khác, các vũ khí khí tài của Triều Tiên đã được sử dụng trong cuộc nội chiến ở Syria, đồng thời mang lại nguồn ngoại tệ cho Bình Nhưỡng.

Chiến hạm USS Porter của Mỹ phóng tên lửa Tomahawk vào Syria hôm 7/4

Nhà phân tích người Mỹ Bruce Bechtol cho rằng “Syria chính là mỏ vàng của Triều Tiên".

Theo giáo sư Bruce Bechtol, Bình Nhưỡng được cho là đã hỗ trợ quân đội và cả đội ngũ cố vấn cho Syria, và những người này đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ cuộc nội chiến đó. Những bài học đó cũng sẽ có thể được mang ra áp dụng nếu xảy ra cuộc chiến tương tự trên bán đảo Triều Tiên trong tương lai.

Theo báo chí Mỹ, Triều Tiên và Syria có nhiều điểm tương đồng, nổi bật là cùng có quan hệ mật thiết với Liên Xô trước đây, cùng đang đối mặt với những lệnh trừng phạt của Mỹ.

Và chính việc có chung quan điểm chống chủ nghĩa đế quốc đã gắn kết hai nước với nhau. Những mối quan hệ đó đã được phát triển qua nhiều thập kỷ.

Các nhà lãnh đạo hiện thời, Tổng thống Syria Bashar al-Assad và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đang duy trì mối quan hệ song phương bền chặt được hai người cha quá cố là Hafez al-Assad và Kim Jong-il gây dựng.

Những thương vụ vũ khí bí mật

Theo Giáo sư Bechol, "người Syria thường xuyên viếng thăm Triều Tiên để thực hiện các thương vụ vũ khí nhưng hiếm khi công khai".

Trong khi đó, Bình Nhưỡng lại cần có những cách thức sáng tạo để chuyển hàng hóa cho khách mua mà không cần qua đường biển.

Năm 2012, một báo cáo của Liên hợp quốc cho biết Triều Tiên đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an khi vẫn thực hiện giao dịch các loại vật liệu như các bộ phận cấu thành của pháo cho Syria, nhưng sử dụng "kỹ thuật tinh vi" để tránh bị phát hiện, trong đó có việc chuyển hàng qua Trung Quốc và Malaysia.

Một số loại vũ khí của Triều Tiên trong lễ duyệt binh hôm 15/4

Việc bắt giữ các tàu chở hàng là "manh mối" rõ ràng nhất để chứng minh Triều Tiên bán vũ khí cho Syria.

Năm 2013, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hiện một tàu chở hàng mang quốc kỳ Libya đang trong hành trình đến Syria. Con tàu này chở vũ khí, đạn dược, khí gas và mặt nạ phòng độc được sản xuất ở Triều Tiên. Theo phỏng đoán, số hàng hóa này sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó sẽ được bàn giao cho Syria.

Tháng 5/2012, giới chức Hàn Quốc cũng đã bắt giữ một con tàu mang quốc kỳ Trung Quốc chở các bộ phận của tên lửa đang trong hành trình tới Syria.

Không chỉ vận chuyển bằng đường biển, tháng 9/2012, Iraq cũng đã từ chối cho phép một máy bay Triều Tiên quá cảnh qua không phận nước này để tới Syria do nghi ngờ chiếc máy bay này chở vũ khí cho Damascus.

Các vụ thử tên lửa của Triều Tiên bị Mỹ nghi là nhằm quảng cáo vũ khí

Ngoài ra, Triều Tiên cũng bị cáo buộc sử dụng các công ty “bình phong” trong các thương vụ nêu trên. Trong tháng 2 vừa qua, một báo cáo của Liên hợp quốc cho biết các nhân viên tình báo Triều Tiên đã bán các linh kiện phát thanh cho rất nhiều loại khách hàng thông qua một công ty của Malaysia có tên là Glocom.

Triều Tiên cũng giúp Syria xây một nhà máy hạt nhân nhưng cuối cùng đã bị quân đội Israel phá hủy trong cuộc không kích năm 2007.

Giới phân tích Mỹ thậm chí còn cho rằng, các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên trong một vài trường hợp là cách thức quảng cáo bán hàng nhằm vào các nước như Iran, Syria và Pakistan.

Trong bối cảnh Trung Quốc có dấu hiệu tham gia vào các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên, nguồn thu nhập từ các thương vụ vũ khí càng trở nên quan trọng đối với Triều Tiên. Syria chính vì thế được người Mỹ coi là một “mỏ vàng” của Triều Tiên.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn