Mỹ tính đường né chiến tranh với Trung Quốc

Thứ hai, 24/04/2017, 12:32
Mỹ phải thừa nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc và điều chỉnh chính sách thiên về quân sự để tránh cuộc chiến thảm khốc với Trung Quốc.

Những sai lầm

Trang National Interest của Mỹ cho rằng để giảm bớt căng thẳng với Trung Quốc, Mỹ nên mở rộng quan hệ kinh tế thay vì gia tăng can dự quân sự.

Theo giới phân tích Mỹ, Các cố vấn châu Á của Tổng thống, chủ yếu bao gồm những người theo trường phái hiếu chiến với Trung Quốc. Đề xuất về ngân sách mới của Chính quyền Trump tìm cách tăng 54 tỷ USD cho chi tiêu phòng thủ, phần lớn trong số đó sẽ dành cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á.

Chiến lược gia trưởng của Donald Trump, Steve Bannon, đã phát biểu trong một chương trình phát thanh vào năm ngoái rằng ông tin Mỹ và Trung Quốc sẽ đi đến chiến tranh trong thập kỷ tới.

Các cố vấn châu Á của Trump, Peter Navarro và Alexander Gray, vào dịp gần đây đã ủng hộ chính sách “hòa bình thông qua sức mạnh”, kêu gọi mở rộng Hải quân Mỹ lên 350 tàu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) đang tỏ ra khá "hòa dịu" với Trung Quốc

Nhiều học giả cũng khẳng định Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần hơn đến một sự đối đầu có tính tàn phá. Điều này là vì khả năng và thái độ sẵn sàng đang tăng lên của Trung Quốc định hình lại trật tự quốc tế, đúng khi khả năng của Mỹ bảo vệ nguyên trạng đang giảm sút.

Tuy nhiên, National Interest cho rằng, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa hiện nay, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế sẽ cản trở bất kỳ xung đột nào giữa Trung Quốc và Mỹ trở nên “nóng”.

Lợi ích của cả hai nước là tránh được chiến tranh, điều sẽ dẫn đến những phí tổn thảm khốc cho cả hai bên và có thể dễ dàng trở thành một cuộc chiến tranh lớn nhất trong lịch sử thế giới.

Các nhà quyết sách hàng đầu của cả hai bên biết điều này. Chẳng hạn, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc gần đây đã phát biểu rằng “không thể có xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ bởi vì cả hai sẽ mất mát, và cả hai bên không đủ khả năng cho điều đó”.

Nhưng ngay cả khi không có xung đột gay gắt, Trung Quốc và Mỹ dường như được hướng tới một sự hòa hoãn kiểu Chiến tranh Lạnh, ở đó các nước khác buộc phải chọn về phe nào. Khi Malaysia và Philippines lần lượt đạt được các thỏa thuận với Bắc Kinh, đã có một sự lo lắng tương đối ở Washington rằng Mỹ đang “đánh mất” các đồng minh của mình ở Đông Nam Á.

Những quan ngại này đã tăng lên kể từ khi Trump từ bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), do đó “mở một cánh cửa” cho Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng của họ ở Đông Nam Á.

Cách né chiến tranh với Trung Quốc?

Để tránh tình thế hiện nay, giới phân tích Mỹ cho rằng Tổng thống Trump phải thay đổi đường hướng ngay từ bây giờ và xuất phát ngay từ quan điểm “nước Mỹ trên hết”. Điều này có nghĩa rằng chính sách ở châu Á phải cam kết bảo vệ các lợi ích quốc gia của Mỹ.

Tổng thống Trump và các cố vấn của ông phải nhận thức rõ được rằng Trung Quốc đang trở thành cường quốc có ảnh hưởng nhất ở châu Á. Đây có thể là một sự thật khó chấp nhận, nhưng không thể hình thành một chiến lược hiệu quả mà không chấp nhận thực tế cơ bản này.

Cụm tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ vẫn đang "lởn vởn" gần Trung Quốc

Khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng – bất chấp sự chậm lại gần đây – nước này sẽ tiếp tục đạt được tầm ảnh hưởng. Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đã chuyển thành việc mở rộng các khả năng về quân sự.

Hiện nay Trung Quốc có một tàu sân bay tác chiến và sẽ sớm có thêm một tàu sân bay khác. Trung Quốc đang làm nghiêng cán cân quyền lực ở Thái Bình Dương và có thể đã có khả năng chống lại quân đội Mỹ ở ngoại vi của mình.

Giới phân tích Mỹ cho rằng giống như Mỹ ở Tây bán cầu, Trung Quốc là một cường quốc nằm ở châu Á, và họ sẽ luôn có nhiều lợi ích sống còn ở đây hơn Mỹ.

Với những nhận thức trên, Mỹ nên đưa ra 2 sự điều chỉnh chủ yếu đối với chính sách đối ngoại châu Á: Chú trọng can dự kinh tế hơn can dự quân sự, và tập trung vào các liên minh cốt lõi thay vì mở rộng các quan hệ đối tác an ninh.

Làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế sẽ tăng cường khả năng của Washington triển khai sức mạnh quân sự. Các liên minh lâu năm của Washington với Tokyo và Seoul minh họa rõ nhất thực tế này.

Trong thế kỷ 20, Mỹ đã bảo vệ an ninh của Nhật Bản và Hàn Quốc. Khi Nhật Bản và Hàn Quốc phát đạt dưới chiếc ô an ninh Mỹ, họ đã làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại với Washington. Hai nước hiện nay là đối tác thương mại lớn thứ 4 và thứ 6 của Mỹ.

Binh sĩ Mỹ và Nhật Bản trong một cuộc tập trận chung

Hiện có khoảng 80.000 binh lính Mỹ đóng quân tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Do đó, quan hệ kinh tế và quân sự đã củng cố lẫn nhau, và chúng có lợi cho khả năng của Mỹ triển khai sức mạnh ở châu Á.

Trong thập kỷ qua, Mỹ đã làm sâu sắc thêm các quan hệ đối tác, cả về quân sự và kinh tế trên khắp khu vực, nhưng theo giới phân tích Mỹ, cách thứ hai mà Tổng thống Trump cần phải thay đổi chính sách đối ngoại ở châu Á để tránh chiến tranh với Trung Quốc là tập trung có chọn lọc hơn với những can dự của Mỹ.

Việc mở rộng các mối quan hệ bề ngoài dường như làm tăng mức ảnh hưởng của Mỹ, nhưng trên thực tế nó làm suy giảm sức sống của bất kỳ mối quan hệ cụ thể nào. Về cơ bản, Mỹ đã trở nên quá dàn trải, và các lãnh đạo châu Á biết rằng cam kết của Mỹ với bất kỳ mối quan hệ cụ thể nào do đó cũng bị hạn chế.

Ví dụ được nêu ra là trường hợp của Thái Lan và Philippines, những nước mới đây có sự chuyển hướng về phía Bắc Kinh và xa khỏi Washington. Sự biến đổi này đặc biệt kịch tính ở Philippines, đất nước đã biến đổi trong một thời gian ngắn từ kiên quyết chống Trung Quốc dưới thời Benigno Aquino sang lớn tiếng chống Mỹ dưới thời Rodrigo Duterte.

Giới phân tích Mỹ khuyên nước này nên tập trung vào các trọng tâm và tránh xung đột với Trung Quốc

Thay vì kéo dài một loạt các cam kết “hời hợt”, lời khuyên được đưa ra là Mỹ nên củng cố và làm sâu sắc thêm các liên minh cốt lõi. Một chiến lược như vậy phù hợp với tầm nhìn “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump: đảm bảo an ninh cho rất nhiều quốc gia là tốn kém và trong hầu hết các trường hợp là không trực tiếp mang lại lợi ích cho Mỹ.

Điều này cũng đặt Mỹ vào nhiều cuộc xung đột tiềm tàng hơn – Trung Quốc tự nhìn nhận họ là bị kiềm chế, họ gia tăng sự hiện diện quân sự của mình để phản ứng, điều này khích động lo ngại của Mỹ và cuối cùng nảy sinh khả năng xung đột.

Một lý do khác của việc can dự có tính chọn lọc hơn sẽ phục vụ các lợi ích của Mỹ là Trung Quốc gián tiếp hưởng lợi từ sự ổn định khu vực mà Mỹ đem lại. Các cam kết quân sự của Mỹ đã duy trì một trật tự khu vực mà giảm thiểu xung đột giữa các nước và thúc đẩy sự thịnh vượng về kinh tế.

Nếu Trung Quốc đóng một vai trò tích cực hơn trong việc đảm bảo an ninh khu vực, họ có thể giảm bớt gánh nặng tài chính khổng lồ mà Washington đảm nhận với tư cách là một cảnh sát khu vực.

Với bất kể liên minh cốt lõi nào, Mỹ phải cho thấy thực sự cam kết bảo vệ chúng. Điều đó có nghĩa là lựa chọn các cuộc chiến đấu một cách khôn ngoan, và biết khi nào cần từ bỏ. Đặt nước Mỹ lên trên hết đòi hỏi phải tránh được những cuộc xung đột không cần thiết làm cạn kiệt các nguồn lực quốc gia khi các lợi ích cốt lõi không gặp nguy hiểm.

Giới phân tích Mỹ cho rằng Tổng thống Trump “đủ độ kỳ lạ” và là người thích hợp cho công việc này, tức dẫn dắt nước Mỹ “né” chiến tranh với Trung Quốc.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn