Bài viết được đăng trên “Bình luận quân sự” (Nga) ngày 22/4/2017 để bạn đọc tham khảo. Cũng như mọi lần khác, chúng tôi chỉ dịch nguyên văn chứ không bình luận. Các dòng chữ in nghiêng cũng là của tác giả.
Thủy thủ đoàn tàu trinh sát Pueblo của Mỹ bị Cộng Hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên bắt sống. |
“Tình hình trên bán đảo Triều Tiên (hiện nay) có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân”, “Sự kiên nhẫn chiến lược” của Mỹ đối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (CHDCND TT) đã kết thúc, - Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã tuyên bố như vậy khi đi thăm khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên. Theo lời ông, Mỹ đang xem xét mọi biện pháp “để đảm bảo ổn định tại nước này”.
Đồng thời, M.Pence cũng khuyên Bình Nhưỡng không nên thử thách tính cương quyết của Chính quyền Trump và để chứng minh, ông đã lấy ví dụ từ đợt tấn công bằng tên lửa tại Syria và vụ ném siêu bom (của Mỹ) tại Afghanistan. Còn về phần mình, Bình Nhưỡng tuyên bố chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra vào “bất kỳ thời điểm” nào vì sự “lạm dụng” thẩm quyền của Mỹ.
Phản ứng của chính Tổng thống Mỹ trước cuộc đấu khẩu trên rất bất ngờ: “Chúng tôi đang chờ xem điều gì sẽ xảy ra. Tôi hy vọng rằng tất cả mọi chuyện sẽ (kết thúc) tốt đẹp, sẽ có một giải pháp hòa bình. Nhưng các bạn có biết không, các cuộc trao đổi với quý ngài đó (lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Chính Ân – TG) đã được tiến hành từ lâu rồi”.
Không hiểu là ý của Tổng thống Mỹ muốn đề cập cụ thể đến điều gì, nhưng quả thực thì Mỹ đã có ý định “trừng phạt” Bắc Triều Tiên ngay từ cuối những năm 1960.
Washington vào thời điểm đó (cuối những năm 1960) cho rằng Liên Xô và Trung Quốc, - những nước ký với Bắc Triều Tiên hiệp ước hữu nghị “đang bị sa lầy” trong hỗ trợ quân sự cho Bắc Việt Nam và vì thế nên không thể quyết định giành ưu tiên viện trợ quân sự quy mô lớn cho Bắc Triều Tiên (trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự).
Còn sự can thiệp của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên vào cuộc chiến tranh Đông Dương đã được Lầu Năm Góc cho là một cái cớ quá đủ để tiến hành một đòn tấn công “cảnh tỉnh” nước này.
Trong khi đó, như đã biết tham gia cùng với Mỹ trong cuộc Chiến tranh Việt Nam có Nam Triều Tiên. Các quân nhân Nam Triều Tiên đầu tiên đến Nam Việt Nam từ cuối năm 1964, còn các đơn vị lớn – vào mùa thu năm 1965.
Tất cả đã có 2 sư đoàn và 1 lữ đoàn lính Nam Triều Tiên được điều đến đây – hơn 300.000 sỹ quan và binh sỹ (có thể tác giả tính số lượt người –ND). Chính họ là lực lượng quân sự nước ngoài có quân số đông nhất tham chiến trên bán đảo Đông Dương, chỉ sau Quân đội Mỹ.
Xin nói thêm, Nam Triều Tiên chỉ rút quân ra khỏi Nam Việt Nam vào cuối năm 1973 và là nước rút quân cuối cùng trong số các đồng minh của Mỹ.
Chi phí cho sự hiện diện của lực lượng quân sự Nam Triều Tiên tại Việt Nam là gần một tỷ đôla, tổn thất quân sự là 5.099 quân nhân Nam Hàn thiệt mạng và 11.323 người bị thương.
Cộng hòa dân chủ nhân dân TT tham gia cuộc đối đầu giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) với Mỹ từ nửa sau những năm 1960. Nhưng sự tham gia của Bắc Triều Tiên trong cuộc chiến tranh này, nếu so với Nam Triều Tiên, có thể nói, chỉ mang tính chất biểu tượng.
Theo dữ liệu của Trung tâm mang tên Woodrow Wilson (Mỹ, công bố năm 2011) thì vào ngày 21/9/1966, Bộ Tổng tư lệnh Bắc Việt Nam đã thảo luận đề xuất của Bình Nhưỡng cung cấp hỗ trợ quân sự cho Hà Nội thông qua Trung Quốc.
Việt Nam đã chấp nhận đề xuất này và những phi công Bắc Triều Tiên đầu tiên được cử tới VNDCCH vào cuối năm 1966. Họ được đưa về các đơn vị Không quân Việt Nam trang bị MiG-17, MiG-21 và máy bay tiêm kích “Thẩm Dương” của Trung Quốc. Các phi công Bắc Triều Tiên còn được cử tới Việt Nam trong các năm 1969 và năm 1971.
Các số liệu của Việt Nam và Bắc Triều Tiên cho biết đã có 87 phi công Bắc Triều Tiên tham gia cuộc chiến tranh này, trong số đó có 40 phi công hy sinh và mất tích. Các phi công CHDCND TT đã bắn hạ gần 50 máy bay của Không quân Mỹ.
Cuối tháng 9/1966, khi dặn dò những phi công và chuyên gia Bắc Triều Tiên đầu tiên sang công tác tại Việt Nam, Chủ tịch Kim Nhật Thành đã kêu gọi họ hãy “bảo vệ Việt Nam quên mình như bảo vệ chính Tổ quốc và những người thân của mình”.
Ngoài các phi công, trong khoảng thời gian đó tại Việt Nam, Lào và Capuchia còn có các chuyên gia Bắc Triều Tiên chuyên hướng dẫn đào đường ngầm (địa đạo) để cài mìn hoặc chuyển quân. Đã có gần 100 chuyên gia như vậy.
Công nghệ khiêu khích của Mỹ chống CHDCNDTT lên phương án như sau: người Bắc Triều Tiên sẽ đánh chìm, hoặc ít nhất, cũng bắn vào tàu quân sự Mỹ gần bờ biển của mình
Thêm nữa, các chuyên gia Mỹ cũng tính toán vì chế độ Bắc Triều Tiên trong thời kỳ Hậu Stalin đã dám cả gan tranh cãi với cả giới lãnh đạo Xô Viết lẫn Trung Quốc về nhiều vấn đề, nên rất có khả năng Bắc Kinh hoặc Moscow sẽ quyết định thay đổi chế độ đó.
Và đó sẽ là cái cớ để ném bom Bắc Triều Tiên và/hoặc đổ bộ lính thủy đánh bộ gần Bình Nhưỡng. Sau đó, Quân đội Nam Triều Tiên sẽ tham chiến. Nhưng Tình báo Bắc Triều Tiên đã phát hiện kịp thời kịch bản này và có vẻ như, còn có ai đó nữa đã giúp Tình báo Bắc Triều Tiên.
Vào ngày 11/1/1968, khi chiếc tàu trinh sát “Pueblo” xuất phát từ căn cứ quân sự Mỹ ở Yokosuka (gần Tokyo) tiến sát tới lãnh hải CHDCND TT ở Biển Nhật Bản, Bình Nhưỡng đã không có phản ứng gì và chính sự im lặng đó của CHDCND TT đã làm cho các nhà “lên kịch bản Mỹ” lúng túng.
Mãi đến ngày 23/1, một tàu chống ngầm và một phi đội tiêm kích MiG-21 Bắc Triều Tiên mới “bao vây” “Pueblo” và ngay lập tức phát hỏa, nhưng không bắn trực diện vào tàu mà chỉ bắn quanh tàu để ép tàu này phải chạy theo hướng vào lãnh hải CHDCND TT. Để tránh đạn, “Pueblo” buộc phải xâm nhập vùng biển thuộc chủ quyền của Bắc Triều Tiên.
Khác với kịch bản dự tính của Mỹ, khi có mặt trên vùng biển CHDCNDTT, chiếc tàu này cũng không bị tấn công. Mà bị lai dắt vào cảng Vonsan gần đó của Bắc Triều Tiên. Kíp thủy thủ đầu hàng. Dù trước đó, các thủy thủ Mỹ đã tìm cách hủy các trang bị trinh sát và các trang thiết bị khác trên tàu, nhưng không kịp: phần lớn trong số đó bị Bắc Triều Tiên tịch thu và không lâu sau đó chúng được chuyển cho Liên Xô.
Đến cuối tháng 1 năm đó, tại Bàn Môn Điếm (khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên), hai phái đoàn Mỹ và CHDCND TT bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán về số phận của “Pueblo” và kíp thủy thủ trên tàu.
Đoàn đại biểu Mỹ đòi Bình Nhưỡng phải xin lỗi vì đã bắt giữ “Pueblo” và phải ngay lập tức trao trả tàu cùng toàn bộ thủy thủ. Trưởng phái đoàn CHDCND TT là Tướng Park Chung Guk, sau khi cười nhạo những yêu cầu như vậy, đã đưa ra lập trường của Bắc Triều Tiên như sau:
“Gần 12h 15 phút ngày 23/1, phía Mỹ đã cho tàu “Pueblo” của Hải quân xâm nhập bất hợp pháp lãnh hải của chúng tôi để tiến hành hoạt động tình báo. Trên tàu này có nhiều loại vũ khí khác nhau và nhiều thiết bị để hoạt động gián điệp. Các tàu của chúng tôi đã đáp trả bằng hỏa lực những hành động cướp biển này và ngăn chặn được hành động khiêu khích của Mỹ”.
Bình Nhưỡng yêu cầu Mỹ phải chính thức tuyên bố xin lỗi, đồng thời cũng tuyên bố là con tàu này sẽ bị giữ lại tại CHDCNDTT.
Sở dĩ Bình Nhưỡng có lập trường cứng rắn như vậy vì, thứ nhất, đến cuối năm đó, tình hình chính trị - quân sự ở Nam Việt Nam đang phát triển theo hướng bất lợi cho Mỹ và đồng minh: ngày càng có nhiều máy bay Mỹ bị bắn hạ trên không phận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thứ hai, Liên Xô và Trung Quốc vẫn tăng cường sự hỗ trợ quân sự cho Bắc Triều Tiên. Sau khi cân nhắc mọi yếu tố, phía Mỹ đồng ý công khai xin lỗi trước Bắc Triều Tiên để đổi lấy việc trao trả các thủy thủ tù binh Mỹ.
Một văn kiện với các nội dung liên quan đã được ký kết tại Bàn Môn Điếm ngày 23/12/1968, thủy thủ đoàn được trao trả, còn chiếc tàu “Pueblo” vẫn neo tại Bình Nhưỡng từ đó đến nay như một biểu tượng chiến thắng của Bắc Triều Tiên trước Mỹ (ảnh).
Còn trong những điều kiện hiện nay, theo chuyên gia về Chương trinh tên lửa –hạt nhân của CHDCND TT Vladimir Khrustalev (Nga) thì Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân và các chương trình tăng số lượng và cải tiến chất lượng loại vũ khí này.
Họ coi vũ khí hạt nhân là đảm bảo duy nhất để không kẻ nào tìm cách “phân biệt phải trái” với họ bằng con đường vũ lực.
Còn Giám đốc Viện phát triển quốc gia hiện đại (Nga) Dmitri Solonnhikov thì cho rằng việc Chính quyền Trump đe dọa gây chiến ven bờ Bán đảo Triều Tiên trước hết là để giải quyết những nhiệm vụ trong nội bộ nước Mỹ. Cũng theo lời D. Solonnhikov thì Washington, có thể, đang tìm cách tranh thủ thời gian.
D.Trump trông chờ vào việc có thể thỏa thuận được với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên qua sự tham gia của Nga hoặc của các nước khác. Để đạt được một bước tiến nào đó về chương trình tên lửa – hạt nhân của CHDCND TT và sau đó tuyên bố đây là một chiến thắng của Mỹ.
Xin bổ sung thêm, chính điều đó đã xảy ra với chiếc tàu “Pueblo” vào năm 1968. Có vẻ như người Mỹ đã rút ra được một bài học nào đó từ vụ việc này. Rất muốn tin là dù sao thì những tư duy lành mạnh vẫn chưa rời bỏ nước Mỹ.
Theo Đất Việt