Trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của mình, ông Trump đã từng coi việc đưa quân đội Mỹ vào Syria là vô nghĩa và kêu gọi nước Mỹ “núp mình” sau những bức tường biên giới.
Vậy mà, chỉ 3 tháng sau khi nhậm chức, chính quyền của ông đã phát động tấn công tên lửa vào căn cứ không quân của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nói bóng gió về hành động quân sự chống lại Triều Tiên và thả “Bom mẹ” xuống Afghanistan.
Tất cả những động thái này đều kèm theo tweet của chính Tổng thống, tuyên bố rằng Mỹ sẽ theo đuổi các giải pháp riêng nếu các nước khác không đề nghị trợ giúp.
Những dòng tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump thu hút nhiều sự chú ý của giới truyền thông hơn là những cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao nước này. (Nguồn: Twitter) |
Mối quan ngại rằng ngoại giao Mỹ đang nhường chỗ cho bom và Twitter không phải là vô lý khi chính quyền Trump cắt giảm mạnh mẽ ngân sách của Bộ Ngoại giao cũng như tài trợ của Mỹ cho Liên hợp quốc (LHQ). Bên cạnh đó, nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy ngoại giao Mỹ chưa có người đảm nhiệm.
Tuy nhiên, những hành động quân sự không đi cùng với những động thái ngoại giao của Mỹ sẽ khó có thể mang đến nhiều thay đổi cho những điểm nóng hiện nay trên thế giới.
Vũ lực không là tất cả
Đơn cử, một trong những vấn đề nhức nhối của phía Mỹ, chiến tranh ở Syria, sẽ không thể được giải quyết chỉ bằng những quả tên lửa Tomahawk. Các cuộc đàm phán hòa bình do LHQ chủ trì đã không thành công, một phần lớn đến từ việc các bên tỏ ra dè dặt trước quan điểm không rõ ràng từ phía Mỹ.
Tên lửa Tomahawk của Mỹ phóng về phía Syria. |
Một điểm nóng khác đòi hỏi những biện pháp ngoại giao là Triều Tiên, nơi vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đang được phát triển. Tổng thống Trump đã cố gắng gây áp lực cho Trung Quốc phải tìm ra giải pháp kiềm chế đồng minh của mình, trước khi Washington sử dụng các biện pháp cứng rắn hơn.
Tuy nhiên, việc chính quyền của ông Trump có những đối sách cụ thể đối với vấn đề Bình Nhưỡng hay không vẫn là một dấu hỏi.
Ngoài Triều Tiên, Yemen cũng đang dần trở thành vấn đề khiến Washington đau đầu. LHQ đã cảnh báo rằng cuộc xung đột đang diễn ra tại Yemen đang “đẩy mạnh quá trình sụp đổ thể chế, kinh tế và xã hội” của nước này. Cuộc chiến này đã kéo dài nhiều năm và không có đột phá nào về mặt quân sự.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhiều lần cố gắng dàn xếp thỏa thuận ngừng bắn nhưng không đạt được thành công. Mỹ sau đó đã buộc phải ngả dần về phe của cựu Tổng thống Yemen Mansour Hadi. Tuy nhiên, Tổng thống Trump dường như còn muốn đưa những viện trợ quân sự của Mỹ với lực lượng của ông Hadi này tiến xa hơn nữa, thay vì đóng vai trò trung gian hòa giải.
Chính Mỹ, dù vô tình hay cố ý, đang khiến cho xung đột ở Yemen trầm trọng hơn.
Quang cảnh tại thủ đô Sanaa của Yemen sau một đợt không kích. (Nguồn: CNN) |
Ngoại giao - chìa khóa giải quyết xung đột
Việc Mỹ “nhiệt tình” tham gia vào những vấn đề toàn cầu là điều đáng được hoan nghênh. Nhưng nếu chính quyền Trump tiếp tục nhìn mọi việc qua lăng kính quân sự, những “nỗ lực nhiệt tình” này sẽ chỉ càng làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Lấy ví dụ, trong trường hợp Yemen, thay vì đẩy mạnh cuộc chiến, chính quyền Trump nên theo đuổi các kế hoạch ngoại giao và các nỗ lực viện trợ nhân đạo. Về phía nước sở tại, để giải quyết xung đột, các phe nổi dậy và chính phủ cần phải liên hệ ngay với Đặc phái viên LHQ tại Yemen nhằm hợp tác, sắp xếp lộ trình cho các cuộc đàm phán.
Ngoài ra, Hội đồng Bảo an LHQ cũng nên hỗ trợ giải pháp chính trị cho vấn đề bằng cách thông qua một nghị quyết dài hạn, đòi hỏi cả hai bên đồng ý ngừng bắn ngay lập tức, nhận viện trợ nhân đạo và trở lại bàn đàm phán.
Vũ lực đôi khi là cần thiết, nhưng ngoại giao mới là giải pháp lâu dài cho một thế giới hòa bình.
Theo Thế giới và Việt Nam