|
Sinh viên rất thích chơi 'Eighth Note' |
La bất chấp
"Eighth Note" là trò chơi mới được thiết kế gồm một nhân vật hình tròn như quả bom và các mô đất di chuyển, chướng ngại vật xuất hiện ngẫu nhiên trong quá trình chơi. Đặc biệt, thay vì dùng bàn phím để điều khiển, người chơi sẽ phải hét to tác động vào điện thoại cho phép nhân vật di chuyển trên mặt phẳng. Khi âm lượng to đột ngột, nhân vật sẽ nhảy lên cao, vượt qua chướng ngại vật và giành nhiều điểm.
"Đây là cách mà mình xả 'stess' mỗi khi áp lực. Càng la to, quả bom của mình sẽ càng bay cao và vượt qua được chướng ngại vật, rất thú vị, mặc dù, nhiều lần mình bị bố mẹ la vì làm ồn. Nhưng với mình, đó là cách 'điên' hợp lý", bạn Ái Nhật (sinh viên khoa du lịch, Trường ĐH Văn Lang) chia sẻ.
Tuy nhiên độ "hot" của trò chơi cũng đi kèm nhiều phiền phức. Bạn Đức Anh (cựu sinh viên Trường ĐH Mở) kể: "Có lần, vì quá phấn khích nên mình đã hét rất to làm mọi người trong phòng làm việc khó chịu. Lần ấy, mình bị phê bình và không dám chơi trò này ở nơi công cộng nữa vì khi chơi, rất khó để mình kiểm soát được âm thanh vừa phải".
Bên cạnh đó, nhiều sinh viên còn sáng tạo lối chơi mới bằng cách bật các bài nhạc "hit" có tiết tấu sôi động, dồn dập để điều khiển nhân vật trong game. Sau đó, các bạn chia sẻ trên mạng xã hội để câu “view”. Nhiều trường hợp, sinh viên ở khu nhà trọ hoặc ký túc xá nhiều lần hoảng loạn vì tiếng la thất thanh.
Thùy Trang (sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Sài Gòn) cho biết: “Hôm ấy khoảng 10 giờ tối mình nghe thấy tiếng la đồng thanh từ phòng kế bên khu trọ. Mọi người giật mình và chạy qua thì cửa khóa, tiếng la mỗi ngày một to. Lúc sau mới biết là các bạn ấy đang chơi game. Bản thân mình không chơi nên không biết nó hấp dẫn như thế nào. Mình chỉ thấy mấy cô chú đang ngủ mà bị làm ồn vậy tội lắm. Các bạn chơi nên có ý thức sẽ tốt hơn”.
Mức độ nhảy cao nhảy xa của nhân vật tùy vào mức âm thanh phát ra từ người chơi |
Hãy là người chơi tỉnh táo
"Eighth Note" là ứng dụng trò chơi mới tiềm năng trong thị trường công nghệ. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn phụ thuộc vào mục đích và ý thức của người sử dụng chúng. Theo thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An (giảng viên Khoa tâm lý, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), có nhiều nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sinh viên hành xử như vậy ở nơi công cộng nhưng chủ yếu xuất phát từ 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, do trò chơi có tính mới lạ, hấp dẫn, dễ chơi, tạo thành trào lưu lan truyền nhanh chóng đến cộng đồng mạng. Thứ hai, do cá nhân muốn thỏa mãn sự tò mò, thú vui mới ở trò chơi này, muốn giảm căng thẳng hoặc có khi là muốn gây sự chú ý từ mọi người.
Sinh viên phải ý thức được rằng mình đang chơi trò này với mục đích gì, trong hoàn cảnh và trong môi trường thế nào để có cách ứng xử phù hợp. Các bạn cũng cần tỉnh táo, quản lý, tiết chế cảm xúc của mình.
Ông An cũng chia sẻ thêm, nếu các bạn chơi trò này thái quá và cứ hét la bất chấp, thiếu ý thức thì vô hình trung tự mình làm xấu đi hình ảnh bản thân trong mắt mọi người. Bởi những biểu hiện sai lệch về đời sống tâm lý và hành vi ứng xử khiến mọi người rất khó chấp nhận. Cái giá bạn phải trả cho hành động của mình là sự phẫn nộ, thậm chí là cái xoay lưng từ mọi người.
Trò chơi "Eighth Note" có tên đầy đủ là "Don't Stop! Eighth Note" ra mắt tại Việt Nam vào đầu tháng 3.2017. Game được xây dựng trên nền tảng đồ họa 2D đơn giản với 2 gam màu đen và trắng. |
Theo Thanh Niên