|
Xe "né" trạm thu phí đi vào quốc lộ 13 hướng về Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) |
Có con đường thuộc tốp đẹp nhất VN nhưng nhà xe vẫn kiên quyết đi đường cũ.
Cách thu phí cứng nhắc, mức phí cao, trong khi cước vận tải và đơn hàng khó khăn... đang khiến nhiều con đường được đầu tư lớn bị nhà xe tránh né, thậm chí có tuyến vắng xe. Dân nhiều nơi kêu trời vì bỗng nhiên thấy ùn ùn xe tránh trạm thu phí.
Khắp nơi né trạm
Xe tải hạng nặng, xe container ở TP.HCM đang tìm mọi cách né trạm thu phí Phú Mỹ và xa lộ Hà Nội. Nhiều xe bốc hàng xong, chờ đến khuya mới chạy vào đường trong thành phố để bớt chi phí.
Ghi nhận của chúng tôi, bắt đầu từ 0h30 đến 4h sáng, trên các tuyến đường tại TP.HCM như Cách Mạng Tháng 8, Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh... xe tải trọng lớn di chuyển ầm ầm.
Có nhiều xe chở hàng đến rồi vội quay ngược lại nơi bốc hàng để chở thêm chuyến nữa nhằm tiết kiệm phí.
Nhiều tài xế xe container chuyên vận chuyển hàng từ quận 4, quận 7 (TP.HCM) về Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) cho biết đã chuyển thời gian biểu thành ngày ngủ, khuya mới chạy xe chỉ nhằm né trạm.
Anh Nguyễn Văn Tài - tài xế xe container thuộc một công ty vận tải có trụ sở tại Q.7 - cho biết khoảng 19h - 22h là bốc xếp hàng hóa, ký nhận, xong hàng chục xe của công ty sẽ cùng “nằm đợi” đến giờ xe được chạy trong thành phố.
Mỗi đêm như vậy, chỉ tránh được phí cho 2 chuyến hàng, anh Tài cho biết đã bớt được đến 440.000 đồng.
Ông Thắng Lợi - chủ một doanh nghiệp vận tải tại huyện Bình Chánh - đánh giá thu phí đang “điểm huyệt” doanh nghiệp vận tải vì chi phí quá cao.
Chuyến hàng vận chuyển từ Bình Chánh đến Vũng Tàu khoảng 3 triệu đồng, xe phải qua 4 trạm thu phí, 2 lượt đi về, phí trên 1 triệu đồng, trong khi tiền xăng dầu chỉ có 600.000 - 700.000 đồng. Vì vậy doanh nghiệp phải tìm cách né.
Tại Đồng Nai, theo ghi nhận, tình trạng né trạm thu phí tuyến tránh Biên Hòa đặt trên quốc lộ 1 (huyện Trảng Bom) cũng diễn ra rất tấp nập.
Hằng ngày, ôtô, xe chở hàng loại nhỏ nối đuôi nhau rẽ vào các tuyến đường liên xã để né trạm. Xe né trạm thường là ôtô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 1,5 tấn chạy tuyến Bắc - Nam.
Theo người dân địa phương, họ phải “chịu vạ” khi trạm thu phí được xây tại địa bàn. Lượng xe né trạm nhiều đang gây nguy hiểm và đe dọa sinh mạng người đi đường, đặc biệt là trẻ em.
Do đó ở mỗi con đường, người dân đều dựng barie để ngăn các xe tải lớn. Tuy nhiên, số lượng xe nhỏ né trạm mỗi ngày cũng lên tới hàng ngàn lượt.
Nhiều doanh nghiệp vận tải ở miền Tây cũng đang “kêu trời” khi một đoạn quốc lộ 1 từ TP Cần Thơ về Bạc Liêu chỉ khoảng 110km lại có đến 3 trạm thu phí BOT.
Anh Trần Đức Hiền - một doanh nghiệp tại Bạc Liêu - bức xúc khi cho rằng trạm thu phí qua tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu được đặt lên chỉ để thu phí một đoạn đường tầm... 10km.
Vì trạm thu phí bủa vây, giới tài xế đang né trạm bằng cách lưu thông theo hai tuyến khác là quốc lộ Nam Sông Hậu và Quản Lộ - Phụng Hiệp dù biết rằng đi hai đường này xa hơn và đường rất xấu.
Cần rà soát, quy hoạch lại
Nhiều chuyên gia cho rằng việc né trạm thu phí có thể là việc bình thường của những người thích “miễn phí”. Tuy nhiên, với việc hàng loạt doanh nghiệp ở nhiều nơi cùng tìm cách né trạm thì cần có đánh giá, nghiên cứu.
Chiều 24-4, trao đổi với PV, TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông - cho rằng một chiếc xe đã phải cõng đủ loại thuế, phí.
Người dân đã đóng phí bảo trì đường bộ, song đi tới đâu cũng phải mua đường tới đó. Các doanh nghiệp vận tải chịu áp lực lớn khi chi phí vận tải tăng, rồi dẫn đến giá cả hàng hóa tăng.
Do đó, ông Sanh cho rằng Bộ GTVT cần kiến nghị Chính phủ sớm có quy hoạch mạng lưới trạm thu phí trên cả nước theo kịch bản phát triển bền vững.
Cần tính toán không thể để công trình giao thông nào cũng đầu tư theo hình thức BOT, về lâu dài sẽ gây tổn hại cho xã hội và tăng gánh nặng cho người dân.
BOT chỉ nên áp dụng cho tuyến đường mới Đó là kiến nghị của UBND TP Cần Thơ tại buổi giám sát của Quốc hội về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT trên địa bàn Cần Thơ vừa diễn ra. UBND TP Cần Thơ cho rằng đầu tư BOT phải áp dụng cho xây những con đường mới, nhưng hầu hết hiện nay chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu. Đặc biệt, theo UBND TP Cần Thơ, việc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng dự án BOT giao thông hiện chưa được cạnh tranh, chủ yếu là chỉ định thầu do nhu cầu cấp bách, chưa thực hiện được hình thức đấu thầu quốc tế công khai. Hình thức này khiến những yếu tố như lợi nhuận, mức phí, thời gian thu phí... chỉ thỏa thuận, chưa mang tính thị trường. Thêm vào đó, hiện nay chưa đầy đủ các văn bản pháp luật quy định việc giám sát các hoạt động thu phí, nên các cơ quan tại địa phương khó giám sát hoạt động khai thác cũng như chất lượng công trình của các dự án BOT. Có lẽ phải bán xe... Ông Triệu Văn Tài, chủ doanh nghiệp vận tải Triệu Văn Tài ở phường Hộ Phòng (thị xã Giá Rai, Bạc Liêu), cho biết ông có đội xe tải 7 chiếc và để tiết kiệm tiền đóng phí cho dự án BOT, ông chọn mua vé tháng. Tuy nhiên, ông vẫn lo lắng với mức vé tháng khi cộng phí các trạm lại cho một quãng đường khoảng 100km. Cụ thể, xe tải có tải trọng 10 tấn phải đóng 2,1 triệu đồng/tháng ở trạm Bạc Liêu và 4,2 triệu đồng/tháng ở trạm Cần Thơ. Dù vé có hiệu lực 30 ngày (tính từ ngày mua), nhưng mức giá này theo ông là “tàn nhẫn” khi cộng phí các trạm lại. “Tôi định bán xe bởi sắp tới trạm thu phí Sóc Trăng hoạt động nữa, coi như nhà xe không còn đồng lời nào”, ông Tài bức xúc. |
Theo TTO