Nhà xe khổ sở vì trạm thu phí bán vé cứng nhắc

Thứ hai, 24/04/2017, 15:45
Không chỉ mọc lên dày, mức thu cao, các nhà xe còn kêu trời vì cách bán vé cứng nhắc, kiểu độc quyền của nhiều trạm thu phí.

Nhiều doanh nghiệp vận tải “la làng” việc thu phí cứng nhắc tại các trạm thu phí. Trong ảnh: xe qua trạm thu phí xa lộ Hà Nội (Q.Thủ Đức, TP.HCM)

Dù mua vé tháng nhưng nếu mua chậm, doanh nghiệp sẽ không được tính đủ 30 ngày mà cứ đến cuối tháng vé hết tác dụng.

Gặp khó với vé tháng

Hàng loạt doanh nghiệp đang bức xúc trước cách bán vé tháng kiểu độc quyền của các trạm thu phí ở TP.HCM.

Trưa 22-4, chúng tôi đến trạm bán vé của trạm thu phí xa lộ Hà Nội (Thủ Đức) xin mua vé tháng.

Thay vì vé sẽ có hiệu lực đến ngày 22-5, nhân viên ở đây khẳng định vé sẽ chỉ có hiệu lực đến hết tháng, tức chỉ còn 8 ngày. Cách giải thích rất đơn giản: “Vé tháng chỉ tính từ ngày mua đến cuối tháng. Vì máy tính đã lập trình sẵn” - nhân viên ở đây nói.

Ông Lâm Đại Vinh - giám đốc Công ty TNHH vận tải Lâm Vinh - cho rằng dù các trạm thu phí luôn nói họ làm đúng quy định nhưng việc tính vé tháng như trên là quá máy móc, cứng nhắc, bởi hầu hết doanh nghiệp vận tải chưa xác định được hợp đồng là chưa dám mua vé.

“Hiện có trạm thu phí lúc trước cũng giới hạn hiệu lực vé tới cuối tháng nhưng nay đã cho phép doanh nghiệp được tính tròn tháng kể từ ngày mua. Tại sao các trạm thu phí khác, như tại TP.HCM, lại không áp dụng để doanh nghiệp bớt 
khổ?” - ông Vinh hỏi.

Dẫn chúng tôi đi quanh bãi đậu xe hơn 2ha giữa trưa nắng gắt, bà L.T.M. - chủ doanh nghiệp vận tải ĐV trên đường Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh) - cho biết đang rất “đau đầu” để làm sao có lời khi chi phí vận chuyển qua trạm thu phí rất lớn nếu phải mua vé lượt.

Chỉ tay vào dãy xe container hơn 30 chiếc, bà M. cho biết vừa có đơn hàng vận tải mới ký hợp đồng ngày 15-4.

Xe thường xuyên phải di chuyển qua trạm thu phí Phú Mỹ (Q.2), nếu buộc phải mua vé tháng, bà M. sẽ mất tới 2,4 triệu đồng/xe/tháng (loại container 30 tấn).

Nhưng điều bà băn khoăn là việc mua vào ngày 15, với cách tính của trạm thu phí hiện nay, doanh nghiệp sẽ phải trả chi phí cho 15 ngày trước đó 
dù không chạy xe...

Bên cạnh việc tính vé tháng cứng nhắc, theo ông Đỗ Xuân Phú - giám đốc Công ty vận tải Minh Liên (TP.HCM), nhiều trạm thu phí đưa ra thời gian bán vé tháng rất ngắn, chỉ vài ngày nên dẫn đến ùn tắc, xếp hàng dài chờ mua vé rất mệt mỏi. Không mua kịp, đương nhiên nhà xe sẽ phải mua vé từng lượt (đắt hơn rất nhiều).

Theo các doanh nghiệp, đơn cử trạm thu phí Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh), vé tháng xe container loại trên 20-30 tấn là 1,5 triệu đồng, vé lượt 35.000 đồng. Nếu doanh nghiệp không “nhanh tay” mua vé tháng từ ngày 1 đến ngày 5 thì sẽ phải chờ qua tháng sau mới mua được vé tháng.

“Việc cứng nhắc thời gian mua vé tháng khiến doanh nghiệp của tôi gặp khó trong việc làm ăn. Với tần suất xe qua lại nhiều, ép doanh nghiệp mua vé lượt sẽ khiến các doanh nghiệp có nhiều xe bị đội chi phí rất lớn” - bà M. nói.

Nhiều doanh nghiệp cũng than thở việc thu phí đường bộ ngoài những bất cập trên còn nhiều điểm khác rất “quan liêu”. Như doanh nghiệp có cả chục xe sẽ phải tính toán mua vé tháng cho một số xe theo từng tuyến.

Tuy nhiên, có xe bị hư hỏng bất thường, phải sửa chữa hoặc điều chỉnh tuyến, doanh nghiệp vẫn không được hỗ trợ chuyển 
đổi vé cho xe khác.

Ông Lập Hải - chủ một doanh nghiệp vận tải tại TP.HCM - kể câu chuyện thực tế: ông có 17 xe container, ông mua vé tháng cho một số xe. Sau đó, 2 trong 17 chiếc xe bị hư nên ông đề nghị trạm thu phí hỗ trợ chuyển vé sang cho xe dự phòng.

Tuy nhiên, nguyện vọng này chỉ nhận được cái lắc đầu, không giải quyết bất cứ trường hợp nào. Do đó, để kịp tiến độ, ông Hải phải bấm bụng mua thêm 2 vé tháng.

“Quy định cứng nhắc như vậy khiến doanh nghiệp luôn gặp khó trong chuyển 
đổi xe” - ông Hải nói.

Người dân chịu thiệt

Anh Nguyễn Anh Tuấn (Q.9) cho biết đầu năm 2017, do phải thường xuyên vào trung tâm thành phố khám chữa bệnh nên anh mua vé tháng cho xe 4 chỗ ở trạm thu phí xa lộ Hà Nội.

Anh mua tầm ngày 7 đầu tháng, và khá bất ngờ khi cuối tháng là hết hiệu lực thay vì phải đến ngày 7 của tháng sau. Anh Tuấn đánh giá cách tính vé tháng như vậy là bất hợp lý, khi khách hàng thắc mắc, anh cảm nhận nhân viên trạm cũng không giải 
thích được rõ ràng.

“Cách tính này thể hiện sự không công bằng trong cung cấp dịch vụ. Tôi mong cơ quan quản lý điều chỉnh để người dân qua trạm không phải chịu thiệt” - anh Tuấn nói.

Ông Nguyễn Thành (Q.Tân Bình) cũng đồng tình khi cho rằng cách tính vé tháng như ở trạm thu phí xa lộ Hà Nội gây thiệt hại cho xe cộ qua lại trạm 
này, cần thay đổi.

Cần thay đổi quy định

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Chánh - phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - cho rằng các chủ đầu tư BOT cần phải sòng phẳng với khách hàng, cả với các doanh nghiệp vận tải và người đi đường.

Ông Chánh đặt vấn đề: tại sao bên đầu tư được đưa ra mức phí, có thời gian thu hồi vốn, trong khi đó người đi đường thì không được chọn lựa về thời gian sử dụng vé?

Việc chỉ bán vé tháng có mấy ngày, hay vé chỉ có hiệu lực đến hết tháng chứ không tính đủ 30 ngày, theo ông Chánh, là không sòng phẳng, theo hướng đôi bên cùng có lợi.

“Khách hàng mua ngày thứ 10 thì chỉ thu tiền 20 ngày, còn lại để doanh nghiệp bớt chi phí với các ngày không hoạt động” - 
ông Chánh đề xuất.

Theo các chuyên gia, hiện nhiều doanh nghiệp mua vé cả tháng, song xe chỉ đi lại trên tuyến đường đó có vài lần trong tháng, tháng sau mới đi tiếp. Vì vậy nên có vé theo 6 tháng, thậm chí vài năm.

Các thông tin về tổng mức đầu tư công trình, thời gian thu phí, cách tính mức thu phí từng dự án cũng cần công khai để tránh thắc mắc trong dân.

Ông Lâm Đại Vinh cho rằng việc thay đổi để linh hoạt thời gian hiệu lực của vé rất đơn giản, nên doanh nghiệp vận tải tha thiết chờ sự đổi mới trong cách bán vé của các trạm thu phí.

Việc sửa đổi các quy định trong bán vé qua trạm thu phí sẽ giúp doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí, từ đó giảm giá cước vận tải - chi phí đầu vào của rất nhiều 
doanh nghiệp khác.

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích