Mỹ thừa nhận không đủ sức đấu với Nga tại Bắc Cực

Thứ hai, 24/04/2017, 18:13
Trả lời phỏng vấn với CNN, Tướng Lori Robertson, Tư lệnh Lực lượng phía Bắc của Mỹ cho biết, nỗ lực chinh phục Bắc Cực của Mỹ đã bị Nga bỏ xa.

Bị Nga bỏ xa

Nói về tương quan lực lượng Nga - Mỹ tại Bắc Cực, Tướng Lori Robertson đưa ra thực tế đáng ngại rằng trong khi Moscow có hàng chục chiếc tàu phá băng đủ kích thước khác nhau thì Washington chỉ có một chiếc rưỡi.

Nỗ lực chinh phục Bắc Cực của Nga bỏ Mỹ lại phía sau được các nhà phân tích đánh giá như một trong những biểu hiện khát vọng táo bạo nhất của ông Putin, đang buộc người khác phải suy nghĩ.

Để thực hiện chiến lược của Nga, Nga vừa tiếp tục khánh thành một căn cứ quân sự mới và tính toán phát triển khai thác trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của Bắc Cực.

Đánh giá về căn cứ mới của Nga, Michael Kofman, một nhà phân tích quân sự về Nga từ Trung tâm Nghiên cứu Hải quân của Mỹ cho biết: Căn cứ này phần nhiều được xây dựng với mục đích phô trương vị thế của Nga.

Tàu phá băng hạt nhân 50 Years of Victory.

Trước hết, để chứng tỏ Nga là một cường quốc lớn, cũng như nhắc Nga là cường quốc Bắc Cực. Theo vị chuyên gia này, để khẳng định sự hiện diện tại Bắc Cực, Tổng thống Nga mới đây đã thăm căn cứ mới.

Trong chuyến thăm này, ông rất tự tin khẳng định chủ quyền của Nga ở khu vực. Thậm chí, ông còn ra lệnh cắm cờ Nga dưới đáy Bắc Băng Dương. Ở Bắc Cực Nga có nhiều căn cứ hơn Mỹ, số tàu phá băng lớn gấp hàng chục lần, Michael Kofman cho biết.

Ngay trước khi Tướng Lori Robertso đưa ra thực lực đáng quan ngại giữa Nga và Mỹ tại Bắc Cực, tờ Newsweek dẫn tuyên bố của chỉ huy Đội Phòng vệ Duyên hải Mỹ Paul Zukunft còn có thừa nhận thê thảm hơn. "Nga đang chinh phục khu vực đầy triển vọng này một cách thành công hơn nhiều".

Ông Zukunft cho biết thêm, thậm chí hiện nay Mỹ không chơi được với Nga một cách ngang hàng, thậm chí còn không còn dự phần được vào trò chơi ở Bắc Cực. Ông này thừa nhận rằng hàng loạt quốc gia mà hàng đầu là Nga thậm chí chẳng cần phải cạnh tranh với Mỹ vì đã vượt xa về phía trước.

Điểm hệ trọng đầu tiên là Mỹ thiếu tàu phá băng. Vào thời điểm hiện nay, để nghiên cứu và khám phá vùng Cực Bắc thì người Mỹ chỉ có 2 tàu phá băng lớn nhưng chỉ chạy bằng động cơ diezel, mà trong đó chỉ có chiếc là Polar Star là còn có khả năng hoạt động.

Trong khi đó, Nga có tới 6 tàu phá băng hạt nhân. Đó là những con tàu khổng lồ đủ sức hoạt động độc lập nhờ có trạm năng lượng hạt nhân và cho phép tổ chức điều hướng gần như ở bất cứ nơi nào và ở bất cứ thời điểm nào. Tuy nhiên, tất cả vấn đề không chỉ ở tàu phá băng.

Liên tiếp trang bị

Chưa hài lòng với hạm đội đặc biệt này, hồi cuối năm 2014, Nhà máy đóng tàu Baltich đã tiến hành lễ khởi công đóng con tàu phá băng nguyên tử thế hệ mới LK-60 thuộc Dự án 22220 có công suất lớn nhất trên thế giới. Tàu này sẽ được đưa vào trang bị cho Hải quân Nga vào năm 2017. Theo dự án này, Nga sẽ đóng thêm 2 tàu tương tự và sẽ đưa vào trang bị trong các năm 2018- 2020.

Hồi cuối tháng 6/2015, Phó tư lệnh Lực lượng phòng không Nga, cho biết Điện Kremlin sẽ triển khai máy bay chiến đấu, các hệ thống tên lửa đất đối không, radar tới Bắc Cực."Chúng tôi muốn bảo vệ lợi ích đất nước trong khu vực xung quanh biên giới và cả lợi ích ở Bắc cực", ông Makarov nói.

Việc Nga triển khai vũ khí hiện đại tới Bắc cực là một phần trong chiến lược quân sự mới mà Tổng thống Vladimir Putin ký thông qua từ tháng 12/2014. Hiện tại Nga đang xây dựng 10 trạm tìm kiếm cứu nạn, 16 hải cảng nước sâu, 13 đường băng và 10 trạm radar phòng không dọc đường bờ biển gần Bắc Cực.

Trước khi công khai về bản kế hoạch này, Nga đã từng bước triển khai vũ khí tại nhiều địa điểm trọng yếu ở Cực Bắc của Trái Đất. Hồi đầu năm 2015, Tổng thống Vladimir Putin đã phê chuẩn việc triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph tại Hạm đội phương Bắc giúp lực lượng Hải quân Nga tăng khả năng phòng không trong trường hợp có tranh chấp nguồn tài nguyên ở Bắc Cực.

Như vậy, việc hệ thống phòng không S-400 tham gia trực chiến tại Bắc Cực khiến cho lực lượng quân sự của Nga tại đây sở hữu sức mạnh có thể khiến bất cứ đối thủ nào cũng phải e ngại. Trước khi triển khai hệ thống S-400, hãng TASS dẫn lời Tổng tham mưu trưởng các Lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov cho biết, một lực lượng Không quân và phòng không lục quân hỗn hợp sẽ được thành lập và triển khai tại Bắc Cực trước khi kết thúc năm 2015.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng đã thành lập Bộ tư lệnh chiến lược Bắc Cực hỗn hợp dựa trên cơ sở của Hạm đội phương Bắc và đã đi vào hoạt động từ ngày 1/12/2014.

Bộ tư lệnh mới này mang tên Bộ Tư lệnh phương Bắc, sẽ bao gồm Hạm đội phương Bắc, 2 lữ đoàn tác chiến Bắc Cực, cùng với các đơn vị không quân và phòng không bắt đầu vận hành trong năm 2017. Ngoài ra, Nga đã quyết định thay toàn bộ tiêm kích hạm trên tàu sân bay Kuznetsov.

Không chỉ tăng cường lực lượng tiêm kích hạm, ngày 22/4/2014, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố thành lập hệ thống căn cứ thống nhất cho tàu nổi và tàu ngầm thế hệ mới ở khu vực Bắc Cực.

Tuyên bố này được ông Putin đưa ra tại phiên họp của Hội đồng an ninh về thực hiện chính sách nhà nước ở Bắc Cực vì lợi ích an ninh quốc gia. Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, sự phát triển cơ sở hạ tầng ở Bắc Cực sẽ là một trong những ưu tiên của Bộ Quốc phòng trong năm 2015.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn