Kênh đào thay thế Panama của Trung Quốc thất bại

Thứ hai, 24/04/2017, 18:09
Kênh đào Nicaragua nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của Trung Quốc có nguy cơ tan tành.

Siêu dự án kênh đào Managua của Nicaragua do nhà đầu tư Trung Quốc đảm nhiệm đứng trước nguy cơ thất bại vì đắp chiếu từ năm 2014 tới nay.

Kênh đào Nicaragua, với chiều dài 278km và vốn đầu tư lên đến 50 tỉ USD, được coi là một đối trọng với kênh đào Panama, bởi âu thuyền rộng gấp 2 lần và độ sâu tới 28m, qua đó cho phép các tàu trọng tải lớn nhất thế giới đi qua.

Kênh đào chiến lược của Nicaragua do Trung Quốc đầu tư.

Tỷ phú Trung Quốc Vương Tĩnh - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Viễn thông Beijing Xinwei (Trung Quốc) đã được chính phủ Nicaragua trao giấy phép xây dựng và vận hành kênh đào tương lai trong vòng 50 năm kể từ năm 2013. Để phát triển dự án, ông Vương đã lập ra Công ty Đầu tư phát triển kênh đào Nicaragua Hong Kong (HKND), có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc).

Ngay từ thời điểm trao quyền cho chủ đầu tư HKND, dự án đã vấp phải dư luận trái chiều.

Nhiều người phản đối tính minh bạch của hợp đồng này khi cho rằng, việc trao quyền quản lý dự án cho HKND - đối tác duy nhất mà không qua đấu thầu, cho thấy nhiều điểm mập mờ. Hơn thế, việc ông Vương từ chối tiết lộ danh tính của các nhà đầu tư góp vốn đưa đến phỏng đoán rằng, ông Vương chỉ là người đi tiền trạm của Bắc Kinh và rằng Trung Quốc đang nhắm đến thứ an ninh chiến lược phản ánh cụ thể qua các mặt hàng nhập khẩu quan trọng của quốc gia này.

Việc ông Vương gặp khó khăn tài chính có thể là một phần lý giải hợp lý cho siêu dự án này lâm vào tình trạng đắp chiếu. Năm 2015, thị trường chứng khoán Trung Quốc khủng hoảng khiến giá trị tài sản của ông Vương đã bốc hơi mất 84%, từ 10,2 tỷ USD xuống chỉ còn con số 1 tỷ. Điều này trở thành một thách thức không nhỏ đối với siêu dự án kênh đào đầy tham vọng này.

Bên cạnh đó, các nhà kinh tế cũng nghi ngờ về khả năng sinh lời của dự án và nông dân lo ngại việc trưng thu đất đai và tài sản của họ ở khu vực xây dựng kênh đào. Một số chuyên gia nhận định việc 2 kênh đào Panama và Nicaragua hoạt động song song sẽ dẫn đến dư thừa năng suất và cuộc chiến cạnh tranh phí đi qua kênh đào.

Cùng với đó, các nhà môi trường lo ngại, kênh đào đi xuyên qua miền Nam Nicaragua đồng nghĩa với việc đe dọa đến hệ sinh thái mong manh, các cánh rừng nguyên sinh và cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt vời ở nơi đây, trong đó có Hồ Nicaragua, được biết đến như hồ dự trữ nước ngọt lớn nhất khu vực.

Hồ nước ngọt Nicaragua.

Việc nạo vét 3 tỉ m3 đất đá để tạo ra tuyến kênh có chiều rộng 230-520m, độ sâu hơn 30m cũng được cho là sẽ tác động mạnh đến hệ sinh thái. Ước tính, sẽ có khoảng 30 cộng đồng dân cư, với khoảng 120.000 nghìn người sẽ phải rời bỏ nhà cửa để lấy đất phục vụ cho dự án.

Do đó, nhiều cuộc biểu tình ở cấp địa phương và quốc gia đã xảy ra trong những năm gần đây.

Siêu dự án kênh đào quyết định ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Mỹ

Theo Foreignpolicy, Nicaragua từng là nơi Mỹ ấp ủ dự định xây dựng một kênh đào “made by USA”. Từ gần 400 năm trước, giới chức Mỹ và Nicaragua đã nghiên cứu khả năng xây dựng kênh đào xuyên đại dương qua Nicaragua. Cuối cùng, Mỹ quyết định xây kênh đào Panama và nơi đây vươn lên trở thành kênh đào chủ lực, hấp dẫn trong khu vực.

Sau khi Mỹ bỏ cuộc, vài năm trở lại đây, tỷ phú Trung Quốc Vương Tịnh và chính phủ Nicaragua lại hợp tác xây dựng. Họ vẽ ra viễn cảnh kênh đào này sẽ đủ sức cạnh tranh với Panama, có thể chứa tàu chở dầu cực lớn hay những loại tàu chở hàng lớn mà kênh Panama “phải lắc đầu”.

Tỷ phú Vương và Chính phủ Nicaragua hy vọng siêu dự án này biến Nicaragua trở thành trung tâm thương mại toàn cầu, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế.

Ông Vương Tĩnh tham gia lễ động thổ siêu dự án kênh đào Nicaragua.

Rõ ràng, việc một con kênh do Trung Quốc xây dựng xuyên qua Trung Mỹ với tầm cỡ như vậy ít nhất đã cho thấy ý đồ địa chính trị không thể chối cãi. Một kênh đào liên lục địa rõ là một món tài sản chiến lược.

Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Mỹ Latinh cũng ngày càng tăng lên. Bắc Kinh vừa khao khát nhiều loại tài nguyên tự nhiên tại đây, lại vừa rất có thực lực về kinh tế. Quốc gia này đang vươn lên chiếm chỗ của Mỹ trong vai trò là một đối tác thương mại chính trong khu vực. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu với các nền kinh tế lớn của Mỹ Latinh mà nổi bật hơn cả là Brazil và Chile. .

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Hiệp hội Giao thông Quốc gia- ông Bruce Carlton cho rằng,  Nicaragua nói riêng và khu vực Trung Mỹ nói chung “không cần thêm một kênh đào khác”.

Theo đó, với chi phí xây dựng lên tới 40 tỷ USD, cho dù kênh đào Nicaragua có nhận thầu hết dịch vụ vận tải hiện nay từ kênh đào Panama cũng không thể hòa vốn.

Thêm nữa, thời gian di chuyển qua kênh đào Panama nhanh hơn; triển vọng tàu quy mô lớn mà Nicaragua hướng tới khá mờ nhạt vì hiện nay ngay cả các siêu cảng của Mỹ cũng chưa thể xử lý được loại tàu này... Với ngần đó lý do, có thể thấy dự án kênh Nicaragua là vô nghĩa.

Đây cũng là lý do vì sao khi không đủ khả năng tự chi cho dự án vì suy thoái kinh tế, tỷ phú Vương Tĩnh không thể tìm được nhà đầu tư tiếp cho dự án. Kết quả, dự án trị giá hàng chục tỷ phải tạm ngừng vào tháng 11/2015.

Cũng bởi đó, ham muốn thâu tóm bất động sản nghỉ dưỡng tốt nhất tại Nicaragua của ông Vương bị phá sản mà mục đích của Bắc Kinh trong điều tra tính chiến lược lâu dài qua kênh đào này cũng nằm quá xa tầm với.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn