Bàn tay run rẩy gỡ cặp kính trắng, bà Nguyễn Thị Thơm (73 tuổi) nghẹn giọng khi nhắc đến chuyện đau lòng về đứa con nuôi duy nhất Nguyễn Thiên Ân.
Là giáo viên tiểu học, 38 năm trước trong lần đi dạy bà Thơm phát hiện cậu bé 6 tháng tuổi bị bỏ rơi nên xin chính quyền địa phương về nuôi. Một năm sau bà làm khai sinh cho con, chọn cái tên đầy yêu thương, trân trọng duyên số được làm mẹ.
Mẹ con bà ở nhờ trong kho của trường, nhiều năm sau mới dọn về căn nhà chừng chục m2 trong hẻm đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh.
Bà Thơm nghẹn ngào khi nhắc đến chuyện đau lòng về đứa con nuôi duy nhất. |
Bà kể, Ân ngoan hiền từ nhỏ nhưng học đến lớp 12 thì chểnh mảng, sau đó nghiện ma túy. Bà nhờ người quen đưa con lên Lâm Đồng cai, đi học nghề rồi cưới vợ nhưng cuối cùng vẫn không bỏ được "cái chết trắng".
"Thấy tôi khổ tâm, mọi người bảo bỏ nó đi nhưng sao làm vậy được. Hồi còn nhỏ, nhiều lần đi chơi về nó ôm tôi khóc, hỏi 'mẹ ơi tụi bạn trêu con là đứa không cha'. Hiểu khổ tâm của con, tôi động viên nó ở nhà chơi với mẹ, tránh bị người ngoài làm tổn thương", giọng bà cụ đứt quãng.
Do ảnh hưởng của ma túy, thuốc cai nghiện cùng với cú sốc ly hôn nên Ân đổ bệnh tâm thần. Hơn một năm trước, trong lúc hai mẹ con ngủ trên gác, bà dậy mở đèn đi vệ sinh. Ân bực tức nói "mẹ làm gì vậy, con vừa mới chợp mắt" rồi vớ ổ khóa đuổi theo đánh vào đầu bà.
Máu chảy ròng ròng, bà lão choáng váng mò xuống trệt đập cửa kêu cứu. Hàng xóm vội phá cửa đưa bà đi bệnh viện. Điều trị gần nửa tháng, ngày về biết con bị bắt, bà tìm đến Công an quận Bình Thạnh bãi nại, xin bảo lãnh con về chữa bệnh tâm thần nhưng không được chấp thuận.
Cơ quan điều tra xác định bà bị đánh nhiều cái ở đầu, trán, tay với thương tật 67%... nên truy tố Ân về tội Cố ý gây thương tích, khung hình phạt 5-10 năm tù.
Ân hồi bị bắt. |
Bà Thơm không đồng ý kết quả điều tra này. Bà bảo, hôm đó Ân chỉ đánh mình 2 cái vào đầu. Những vết thương ở tay là do bà đập cửa sắt để kêu cứu, lúc hàng xóm dùng kiềm cắt được cửa, bà chui ra nhưng gọng kính vướng vào thanh cửa rạch một đường ở trán. Ra ngoài bà bị choáng, ngã vào chậu cảnh rách đầu.
"Lúc ở bệnh viện bác sĩ nói tôi không bị ảnh hưởng gì, chỉ bị thương bên ngoài. Sức khỏe tôi cũng hồi phục rất tốt nên không thể mang thương tật 67%. Truy tố con tôi tới 10 năm tù thì tội nó lắm", bà nói.
Hồi tháng 7 năm ngoái, TAND quận Bình Thạnh đưa vụ án ra xét xử nhưng bà Thơm đề nghị hoãn để giám định tâm thần cho bị cáo. Bởi hơn một năm trước Ân từng phải đi điều trị tâm thần ngoại trú.
Tòa yêu cầu điều tra bổ sung, song VKS cho rằng việc này không cần thiết do Ân đánh mẹ sau thời điểm điều trị. Viện giữ nguyên quan điểm truy tố nhưng tòa tiếp tục trả hồ sơ.
Kết luận giám định hồi tháng 2 xác định, Ân nghiện heroin sau đó bị nhiễm HIV, mắc bệnh lao và các hội chứng ảo thanh, suy giảm miễn dịch, lo âu, trầm cảm... Trước, trong và sau ngày gây án, anh ta mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
"Nó chưa bao giờ dám lớn tiếng hay cãi lại tôi một lời. Phải chi lúc nó bình thường mà đánh tôi, tôi mặc kệ pháp luật xử lý, đằng này nó có vấn đề về thần kinh. Hôm tôi vào trại thăm, nó khóc rồi hỏi đi hỏi lại 'mẹ ơi con xin lỗi mẹ, con đánh mẹ thật hả'", bà Thơm rưng rưng.
Buồn và thương con, bà khóc nhiều nên đôi mắt ngày càng mờ. Hiện, trong thời gian chờ tòa xem xét vụ án, mỗi tháng bà vẫn thuê xe ôm đưa vào Chí Hòa thăm con. May mắn được luật sư bảo vệ miễn phí, hướng dẫn làm đơn, bà tha thiết xin cho Ân được đi chữa bệnh.
Theo VNE