Kết quả cuộc đua vòng 1 vào cương vị Tổng thống Pháp xướng tên 2 ứng viên có quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau về mối quan hệ với châu Âu đó là ông Emmanuel Macron, phong trào Tiến lên và bà Marine Le Pen, đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN).
Ngày 24/4, Bộ Nội vụ Pháp công bố kết quả sau khi kiểm 46 triệu phiếu trong tổng số gần 47 triệu phiếu bầu. Kết quả sơ bộ cho thấy, ông Emmanuel Macron và bà Le Pen có tỉ lệ người ủng hộ đạt lần lượt là 23,82% và 21,58%.
Hai ứng viên Tổng thống Pháp được vào vòng 2 bầu cử. |
Nếu không có gì thay đổi, ông Macron và bà Le Pen sẽ cùng nhau bước vào vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, dự kiến diễn ra vào ngày 7/5 tới.
Kết quả cuộc đua ở vòng 1 bầu cử Pháp đã thể hiện rõ ràng vấn đề gây mâu thuẫn nhất ở quốc gia này là mối quan hệ với châu Âu, khi ông Macron có xu hướng thúc đẩy sự gắn kết ở châu Âu trong khi bà Le Pen lại có quan điểm đưa nước Pháp rời khỏi "sự thống trị kiêu ngạo" của liên minh 28 nước.
Trước đó, phát biểu trước những người ủng hộ tại Paris sau khi có kết quả sơ bộ, ông Macron cảm ơn những người ủng hộ vì một chiến dịch “đã thay đổi tiến trình của đất nước”, đồng thời kêu gọi người dân Pháp hãy tin tưởng vào châu Âu thay vì sợ hãi, được cho là một lời ám chỉ tới chiến dịch chống Liên minh châu Âu (EU) của bà Le Pen.
Trong khi đó, bà Marine Le Pen cũng tuyên bố giành chiến thắng trong vòng một cuộc bầu cử Tổng thống Pháp và gọi kết quả bầu cử là "sự kiện mang tính lịch sử". Bà Le Pen cho rằng sự sống còn của nước Pháp đang bị đe dọa và đã đến lúc giải phóng người dân Pháp khỏi "những người thống trị kiêu ngạo".
Hai ứng viên dẫn đầu cuộc chạy đua chức Tổng thống Pháp đều được đánh giá nhiều tiềm năng song cũng vấp phải những lo ngại khi chưa có thực sự nhiều kinh nghiệm và được lòng đa số cử tri.
Sau những bất ngờ từ cuộc bỏ phiếu ở Mỹ và sự kiện Brexit, không ai dám chắc cú sốc lịch sử vẫn có thể xảy ra ở Pháp khi bà Marine Le Pen, 48 tuổi, vượt qua các ứng cử viên khác. Còn ứng cử viên Emmanuel Macron, 39 tuổi, vốn là cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp, chưa từng làm chính trị và tự thành lập phong trào riêng của mình kể từ năm nay, cũng có cơ hội để trở thành Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp và chấm dứt sự cầm quyền của các chính đảng truyền thống.
Kết quả vòng 1 chọn lựa ra 2 ứng viên Tổng thống Pháp đối nghịch và đầy bất ngờ đã cho thấy, nước Pháp đang đứng trước thời khắc lịch sử để cử tri lựa chọn một trong hai xu hướng phát triển cho 5 năm tới: Thân hay tách khỏi châu Âu.
Xu hướng bài liên minh châu Âu cũng ngang ngửa việc thắt chặt liên minh thể hiện rõ qua số phiếu ủng hộ bà Le Pen. |
Một quan điểm theo chủ trương ôn hòa, mở cửa và ủng hộ EU và một quan điểm là bảo thủ, theo chủ nghĩa dân túy, muốn bảo vệ các lợi ích quốc gia của Pháp thông qua việc tách khỏi EU, đóng cửa biên giới.
Cơn địa chấn chính trị thực sự mới chỉ đang bắt đầu, không chỉ đối với nước Pháp mà với cả châu Âu.
Châu Âu xao động vì bầu cử Pháp
Sau sự kiện Anh rời khỏi EU - Brexit, việc một quốc gia mà ở đó tồn tại quan điểm "ghét" châu Âu và người đứng đầu tư tưởng đó có cơ hội trở thành Tổng thống để dẫn dắt cả một đất nước chắc chắn sẽ là mối nguy khôn cùng cho EU.
Châu Âu đã thể hiện rõ ràng quan điểm với ứng viên Macron khi nhiều nhà lãnh đạo và chính trị gia chúc mừng ông sau khi biết kết quả sơ bộ.
Tư tưởng thân châu Âu khiến ông Macron được đánh giá cao trong bối cảnh EU đối mặt Brexit. |
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã gửi lời chúc mừng và chúc “may mắn” trong vòng 2 cuộc bầu cử tới.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng chúc ông Macron “những điều tốt đẹp nhất” trong 2 tuần tới, ám chỉ cuộc chạy đua vòng 2 vào điện Elysee. Nhà lãnh đạo Đức cho rằng việc ứng cử viên Macron với đường lối ủng hộ một EU mạnh và nền kinh tế thị trường là điều tốt đẹp. Còn Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nhận định ông Macron sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Pháp.
Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen chúc mừng ứng cử viên Macron và cho rằng châu Âu cần một nước Pháp cải cách và cởi mở, đồng thời bày tỏ tin tưởng ông Macron sẽ giành chiến thắng trước ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen.
Ngoại trưởng Na Uy Borge Brende đánh giá việc ông Macron giành chiến thắng trong vòng một cuộc bầu cử Tổng thống Pháp là kết quả tích cực và tuyên bố Na Uy muốn tăng cường hơn nữa sự hợp tác ở châu Âu.
Trong khi đó, từng viết ý kiến trên trang Twitter cá nhân của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại bày tỏ ủng hộ ứng viên Tổng thống Pháp theo đường lối cực hữu Marine Le Pen.
Song, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus tuyên bố trên chương trình Meet the Press của kênh NBC phủ nhận điều này. Khi được hỏi về việc ông Donald Trump muốn bà Le Pen giành chiến thắng hay không, ông Priebus cho rằng: "Ông Trump có thể có một số quan điểm về người ông ấy nghĩ sẽ giành chiến thắng. Tuy nhiên, chắc chắn ông Trump không hề có sự ưu tiên cho bất cứ ai."
Theo Đất Việt