|
Những “ổ chuột” ở trung tâm TP.HCM
Nhìn từ xa về trung tâm TP.HCM, nơi những tòa nhà chọc trời liên tục mọc lên, người dân TP.HCM và du khách thấy phần tráng lệ và khâm phục sự phát triển của thành phố trẻ này. Tuy nhiên, đứng từ trên những tòa nhà như Bitexco, Vietcombank Tower… nhìn xuống, không khó để phát hiện ra những khu “ổ chuột” ẩn mình dưới những tòa nhà tráng lệ này.
Khu Tôn Thất Đạm nằm lọt thỏm giữa trung tâm quận 1, một mặt nối với đường Hàm Nghi, một mặt nối với đường Huỳnh Thúc Kháng. Ở đây có những chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1975 và quanh đó là những con hẻm nhỏ. Đứng từ tòa nhà Bitexco, hay tòa nhà Saigon Centre ở đường Lê Lợi có thể thấy rõ những khu nhà lụp xụp này.
Ông Nguyễn Văn Được, 67 tuổi, một trong hàng chục hộ dân đang sống ở khu “ổ chuột” trên cho biết, ông sinh sống ở đây đã gần 30 năm. Trước đây, ông ở huyện Nhà Bè, vào quận 1 buôn bán rồi thấy bãi đất trống ở hẻm này, ông dựng nhà bằng những tấm tôn cũ, đưa vợ con về đây cùng sinh sống. Sau đó, nhiều người khác cũng kéo về đây “làm nhà” sinh sống.
“Tới nay, có 13 căn nhà, trong đó, có nhiều nhà dân ở đây từ lâu. Khi Thành phố mở đường Tôn Thất Đạm, các căn nhà này bị thu hồi bớt diện tích, nên hiện chỉ còn khoảng 5m2/căn”, ông Nguyễn Văn Được cho biết.
Trong khi đó, hẻm Mả Lạng trên đường Nguyễn Cư Trinh cũng được coi là “thủ phủ” của những căn nhà “ổ chuột”. Con hẻm này chỉ rộng khoảng 1m, người dân sinh sống đa phần sống bằng nghề xe ôm, lượm ve chai, buôn bán ở chợ…
Đã qua tuổi 60, nhưng ông Châu Minh Phụng vẫn cùng vợ và người con năm nay đã 35 tuổi nhưng chưa lập gia đình sống ở đây. Hàng ngày, ông Phụng đi bốc vác thuê ở khu chợ Bến Thành, bà thì bán nước dạo ở khu bến Bạch Đằng, anh con trai làm phụ hồ. Căn nhà của ông bà chỉ rộng khoảng 6m2, với một gác xép nhỏ dành cho cậu con trai.
Ông Phụng cho biết, trước đây, ông sinh sống ở quận 5, nhưng từ những năm 1990 đã di cư qua khu Mả Lạng sinh sống. Căn nhà rộng 6m2 này được ông mua lại, với sổ đỏ đàng hoàng.
“Nhà có 3 người, diện tích nhà nhỏ, nên không dám sắm đồ đạc gì, chỗ nấu ăn, tắm giặt, vệ sinh được thiết kế cùng một chỗ, còn 2m2 làm chỗ ngủ. Cực cho thằng con trai tôi, từng này tuổi, nhưng không thể lấy vợ vì mỗi lần đưa bạn gái về là lại bị chê rằng, mang tiếng ở quận 1 mà căn nhà không khác gì cái “ổ chuột”. Khi ai tắm hay đi vệ sinh thì mọi người ra ngoài, xong rồi lại vào như bình thường, sống mãi cũng quen”, ông Phụng cho biết.
Được mệnh danh là siêu xóm “ổ chuột” ở TP.HCM thuộc về khu Bến Vân Đồn, nằm cuối đường Hoàng Diệu (quận 4). Ở đây có khoảng 40 căn nhà “ổ chuột” đúng nghĩa, dưới là hệ thống cống rãnh ngập nước, rác thải, chuột bọ chạy cả ngày lẫn đêm, trên là người dân sinh sống.
Buổi tối, những đứa trẻ ở đây bám bờ tường nhìn qua Khu vui chơi trẻ em KizCity, nơi những đứa trẻ khác đang chơi đùa với các trò chơi đầy màu sắc và sôi động. Ngoảnh mặt lại, những đứa trẻ này lại thấy những ngôi nhà cao chọc trời ở quận 1. Nơi đó có những nhà hàng, quán bar…, với giá một bữa ăn bằng bố mẹ chúng tích cóp cả tháng.
Đối với họ, ngôi nhà căn bản là chỗ để về ngủ buổi tối, sáng dậy lại tản đi mỗi người một hướng. Họ sống chui rúc, chật chội, không quen cũng phải quen, bởi nếu không ở đây, họ không biết đi đâu, làm gì để kiếm sống
|
Thành phố muốn giải tỏa các khu “ổ chuột” từ rất lâu nhưng đến giờ chưa thực hiện. Ảnh minh họa. |
Giấc mơ không bị bỏ quên
Những ngày qua, lãnh đạo TP.HCM đã liên tục tổ chức dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè. Những con đường lớn giờ đây đã thông thoáng, vỉa hè đã trả lại cho người đi bộ, nhưng ở những con hẻm thì vẫn còn những căn nhà vài mét vuông bám trụ.
Ông Hứa Văn Toàn, ngoài 50 tuổi, làm nghề bán thịt heo ở đầu một con hẻm nhỏ ở Khu phố II, đường Nguyễn Thái Bình (quận 1) cho biết, ông sinh sống ở đây đã được 20 năm. Căn nhà của ông dài 3m, rộng 1,5m, là nơi sinh sống của hai vợ chồng cùng người con trai. Nhà chật đến nỗi, bữa ăn không thể dùng mâm, mà tùy nghi di tản, mỗi người ăn một chỗ. Con hẻm này dài 80m, với hàng chục ngôi nhà “ổ chuột” như nhà ông Toàn.
“Đã có những cuộc gặp gỡ của lãnh đạo quận, phường về việc giải tỏa những căn nhà của chúng tôi, nhưng chưa tìm được phương án xử lý hậu giải tỏa, nên chúng tôi vẫn ở đây, với những căn nhà ổ chuột xây bằng tôn, bạt này”, ông Toàn nói.
Đại diện UBND TP.HCM cho biết, Thành phố muốn giải tỏa các khu “ổ chuột” từ lâu và đã có kế hoạch cụ thể.
Chẳng hạn, với khu Mả Lạng (rộng khoảng 3ha, hiện có khoảng 550 hộ dân với hơn 2.500 nhân khẩu), từ năm 2000, Thành phố có chủ trương giải tỏa. Sau đó, Thành phố đã chấp thuận cho Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn thực hiện, nhưng dự án này kéo dài mà vẫn không triển khai được. Từ năm 2007, Thành phố tiếp tục chấp thuận cho Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư, biến khu vực này thành một khu phức hợp khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại.
Đầu năm 2017, UBND TP.HCM có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát pháp lý, phối hợp với UBND quận 1 tiến hành công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng cho Dự án. Đồng thời, chỉ đạo quận 1 chủ trì, phối hợp với Bitexco và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tổ chức điều tra, khảo sát, lập phương án tái định cư trong quý II/2017.
“Đối với những khu vực khác, UBND TP.HCM cũng đã lên kế hoạch dẹp bỏ và di dời người dân đi nơi khác sinh sống với điều kiện tốt hơn”, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết.
Theo Đầu Tư