Khắp nơi "vỡ trận", người Việt chứng minh thói ham chơi

Thứ ba, 02/05/2017, 16:43
Hàng loạt điểm du lịch trên cả nước ở trong tình trạng "vỡ trận" trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.

Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay có số ngày nghỉ lễ dài nhất trong năm 2017 với tổng cộng 4 ngày. Bởi thế, người người, nhà nhà đi du lịch.

Lướt qua các mặt báo những ngày này, đều thấy những dòng title "vỡ trận", "cháy khách sạn", "cháy tàu", "đông nghịt"... ở hầu hết các địa điểm du lịch trên cả nước, từ Tam Đảo, đỉnh Mẫu Sơn đến biển Đồ Sơn, Sầm Sơn, Đà Lạt, Cửa Lò....

Tại bãi biển Đồ Sơn (Hải Phòng) chiều 1/5, hàng chục nghìn người đổ về khiến bãi biển trở nên đông nghẹt,, người người chen chúc nhau.

Biển Đồ Sơn vỡ trận dịp nghỉ lễ.

Theo phản ánh của báo VietNamNet, đến khoảng 17h chiều cùng ngày, lượng người đổ về bãi biển Đồ Sơn ngày càng nhiều khiến 3km đường vào bãi biển bị tắc, ôtô và xe máy phải nhích từng chút một.

Trong khu vực bãi tắm số 2, mọi người chen chúc nhau từ trên đường xuống tận bãi biển.

Tương tự, dòng người ùn ùn đổ về biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), biển Bãi Sau (TP.Vũng Tàu)... đến nỗi nhiều người chỉ có thể đứng trên bờ vui chơi, hoặc nếu có xuống biển thì thời gian ở trên bờ cũng nhiều hơn thời gian nhúng thân mình xuống nước.

Các khách sạn tại Sầm Sơn cháy phòng, đường dẫn ra biển bị ùn tắc nên nhiều du khách đã quay đầu xe bỏ về.

Tại điểm du lịch Mẫu Sơn (Lạng Sơn), lượng người đổ lên đỉnh núi quá đông trong ngày 30/4 khiến cơ sở hạ tầng bị quá tải, đường sá ách tắc. Nhiều người phải bỏ về vì không thể lên được đỉnh.

Nhiều điểm du lịch khác dày đặc người dân quanh vùng hoặc khách thập phương đến tham quan như: cáp treo Fansipan với thành phố trên mây “ảo diệu”, chùa Linh Quy Pháp Ấn xuất hiện trong MV Lạc trôi của ca sĩ Sơn Tùng, Vườn quốc gia Cúc Phương đang mùa bướm rợp trời,…

Trong khi đó, tại Hà Nội và TP.HCM, hầu khắp các công viên lớn nhỏ đều ken đặc người. Hàng nghìn người đã đổ về Thảo Cầm Viên Sài Gòn để chơi lễ trong thời tiết oi bức nên xảy ra cảnh “hành xác” phải nằm vật vờ trên bãi cỏ, chui vào bụi cây để tránh nóng.

Bên ngoài các bãi giữ xe của khu vui chơi này, xe máy nối hàng dài để chờ gửi. Ban quản lý khu vui chơi phải nới rộng bãi giữ xe nhưng vẫn không đủ nhu cầu của người dân.

Cách đây gần 1 thế kỷ, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên đã nhận định: "Nhược điểm lớn nhất của người Việt Nam là lười biếng". Thói ham chơi của người Việt cũng được nhiều học giả chỉ ra, và nó khiến tính cần cù trở thành "huyền thoại".

Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam nghỉ lễ quá nhiều và cần phải chấn chỉnh lại gấp tác phong làm việc chậm chạp, lười biếng của người Việt.

Theo đó, đất nước ta đã tụt hậu so với các nước khác, cần có thời gian lao động cật lực, có kỷ luật và chất lượng. Còn như bây giờ, người dân cứ ham nghỉ, lại được nghỉ "bắt cầu", nghỉ dài, tiêu tốn thời gian vào việc tụ tập, ăn chơi, du lịch, dẫn đến tiêu pha vô lối , để đến khi bị chặt chém thì lại la làng.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành từng than phiền với Đất Việt: "Người ta đã lợi dụng các dịp lễ, Tết để đua nhau nghỉ một cách vô tội vạ, kỷ luật lao động vô cùng lỏng lẻo. Điều này khiến doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề, mất thời cơ, phá vỡ cam kết với đối tác...

Nghỉ nhiều, ăn chơi nhiều, đặc biệt là nhậu nhiều làm mất sức khỏe người Việt. Thêm vào đó, với việc người lao động không được đào tạo đầy đủ, trình độ cơ giới và đồng lương thấp..., tất cả các yếu tố văn hóa, kinh tế, xã hội khiến năng suất lao động người Việt thấp. Ngay cả tâm lý thích làm thầy, đua nhau học làm thầy, không chịu làm thợ, không tôn trọng người làm thợ cũng khiến Việt Nam ít thợ lành nghề".

Bởi thế, ông đề nghị nên cho doanh nghiệp bố trí lại ngày nghỉ, Nhà nước chỉ ra chính sách hướng dẫn và ngay cả khi hướng dẫn thì Nhà nước cũng nên tiết kiệm ngày nghỉ, không thể vung tay quá trán, thấy nước khác nghỉ nhiều thì mình cũng nghỉ nhiều.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích