Phản đối đến cuối cùng
Theo tờ Bưu điện Bangkok, thanh tra nhà nước Thái Lan sẽ chính thức vào cuộc điều tra và có kết quả trước ngày 24/5 - thời điểm Bangkok sẽ thanh toán một phần hợp đồng đã ký cho phía Trung Quốc nhằm phát hiện ra sai phạm của thương vụ tàu ngầm nhiều tai tiếng này.
Nguồn tin cho biết, cuộc điều tra được thực hiện theo yêu cầu của Hiệp hội Các tổ chức bảo vệ hiến pháp và đảng Pheu Thai, vốn không có thiện cảm với chính phủ quân sự của Thái Lan hiện nay.
Tổng thư ký Hiệp hội Các tổ chức bảo vệ hiến pháp, ông Srisuwan Janya cho rằng việc mua sắm của chính quyền quân sự có nhiều khuất tất và thiếu minh bạch, đe dọa lợi ích quốc gia, nên cần làm rõ nhằm tránh tổn thất cho đất nước.
Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan đã phủ nhận cáo buộc của tổ chức xã hội dân sự nói trên. Tham mưu trưởng Hải quân Thái Lan, Đô đốc Leuchai Ruddis khẳng định dứt khoát rằng, thương vụ tàu ngầm S-26T với Trung Quốc không hề vi hiến và không thể thay đổi.
Tàu ngầm S-26T. |
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại trụ sở của lực lượng hải quân ở Sattahip, Đông Nam thủ đô Bangkok, Đô đốc Leuchai Ruddis đã tuyên bố rằng, khu vực này khá bất ổn, do đó, vào bất cứ lúc nào có thể xuất hiện nhu cầu về sức mạnh quân sự. Khi đó, Thái Lan mới chuẩn bị thì sẽ không kịp.
Các đại diện giới quân sự Thái Lan, cũng chính là lực lượng chính trị đang nắm quyền điều hành đất nước cũng thuyết phục mọi người về sự cần thiết phải mua 3 tàu ngầm Trung Quốc bởi vì phe đối lập đã lên tiếng chỉ trích gay gắt dự án này.
Hai chính đảng lớn nhất trong nước cáo buộc chính phủ đã phạm sai lầm khi lựa chọn phương hướng ưu tiên này trong khi nền kinh tế Thái Lan đang bị suy thoái. Bất chấp không nhận được sự đồng tình từ phe đối lập, thương vụ này đã được ký kết hồi đầu tháng 5.
Theo đó, Thái Lan sẽ chỉ phải trả tiền 2 chiếc S-26T, trong khi đó chiếc số 3 sẽ được Trung Quốc tặng miễn phí.
Quyết định sai lầm
Không chỉ bị phản đối dù đã ký hợp đồng, theo truyền thông Nga, quyết định mua tàu ngầm S-26T của Trung Quốc là sai lầm lớn Thái Lan phạm phải. Chuyên gia quân sự Konstantin Sivkov nhận định, tàu ngầm Trung Quốc có rất nhiều điểm yếu mà Thái Lan không nên mua sắm.
Các tàu ngầm này thuộc thế hệ thứ hai nên không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu hiện đại, đặc biệt là độ ồn của chúng quá lớn nên rất dễ bị phát hiện.
Theo dữ liệu của các nguồn công khai, hiện nay ở khu vực châu Á, các nước Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Indonesia, Pakistan, Ấn Độ, Triều Tiên và Hàn Quốc, Nhật Bản đều sở hữu hạm đội tàu ngầm. Trong đó, Nhật bản và Hàn Quốc là mạnh nhất.
Tất nhiên là các tàu này có đủ khả năng đối phó các tàu ngầm của các dự án cũ khá phổ biến ở Đông Nam Á, đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trong các cuộc xung đột cục bộ trong khu vực, nhưng chúng không thể chống lại các tàu ngầm thế hệ mới của Nga, Mỹ hay Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nếu mục đích của Thái Lan là bảo vệ vùng biển của nước mình trong những cuộc xung đột vũ trang với các quốc gia láng giềng thì các tàu ngầm lớp này có thể phù hợp, nhưng nếu phải đối đầu với các tàu ngầm nguồn gốc của Nga hay Type 214 của Đức (phiên bản Hàn Quốc) hoặc tàu ngầm Soryu Nhật thì nó còn kém xa.
Trước đây, giới báo chí đã thông báo rằng, Thái Lan có kế hoạch triển khai hai tàu ngầm ở vùng Vịnh Thái Lan và một tàu ở vùng biển Andaman. Thái Lan là quốc gia đầu tiên mua tàu ngầm từ Trung Quốc, đặc biệt là với giá tương đối rẻ và có sẵn dịch vụ sau bán hàng.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Konstantin Sivkov lưu ý rằng, Trung Quốc bán phiên bản S-26T dành cho xuất khẩu của tàu ngầm Type 039, bằng cách này mở rộng và tăng cường ảnh hưởng của mình ở Thái Lan.
Sau khi trang bị tàu ngầm Trung Quốc cho lực lượng Hải quân, Thái Lan sẽ phụ thuộc vào vũ khí Trung Quốc vì cần phải cung cấp các linh kiện cần thiết, đào tạo chuyên gia, trang bị các ngư lôi…; từ đó gia tăng sự phụ thuộc của Thái Lan về chính trị đối với Bắc Kinh.
Trước đây, Thái Lan đã từng được trang bị các tàu ngầm Nhật Bản trong những năm 1937-1951. Trong những năm 1990, chính phủ Thái Lan đã không dưới một lần cố gắng khôi phục hạm đội tàu ngầm.
Vào năm 2010, Thái Lan đã chuẩn bị mua 6 tàu ngầm Đức đã qua sử dụng, nhưng, hợp đồng không được ký kết vì lý do không thực sự rõ ràng.
Theo Đất Việt