Mỹ điều hòa quan hệ Thổ-Kurd, bất lợi lớn đến với Nga-Syria?

Thứ sáu, 19/05/2017, 13:48
Thổ Nhĩ Kỳ nhận được gì từ cuộc gặp của Tổng thống Erdogan với người đồng cấp Mỹ? Đây là câu hỏi mà giới phân tích đang nỗ lực giải mã.

Tổng thống Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ gặp mặt “chớp nhoáng”

Cuộc gặp gỡ của hai ông Erdogan và Trump kéo dài 20 phút là một sự kiện quan trọng trong quá trình phát triển mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ, hoặc là một cơ hội cho Mỹ củng cố thêm sức mạnh bằng cách cung cấp vũ khí cho lực lượng dân quân người Kurd?

Câu hỏi này không dễ có lời giải nếu biết rằng thời lượng của cuộc gặp chỉ vẻn vẹn 20 phút, không đủ để 2 vị nguyên thủ quốc gia Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ trao đổi những điều cần thiết với đối tác của mình.

Bình luận về cuộc gặp này, nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Ali Guller cho rằng, Tổng thống Erdogan đã không nhận được bất kỳ kết quả tích cực từ cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Donald Trump.

Theo nhà báo Guller, kể từ năm 1959 trong lịch sử mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ không có một cuộc gặp gỡ ngắn như vậy giữa hai nguyên thủ quốc gia.

Cần phải lưu ý đến thực tế rằng, cuộc nói chuyện đã kéo dài 20 phút, trong đó 10 phút là công việc của người phiên dịch phải dịch ngay cho hai ông, 5 phút được dành cho các vấn đề chung, và những chủ đề khác phải được thảo luận tại bữa ăn trưa kiêm làm việc.

Ông Guller xin lưu ý rằng, trong buổi ăn trưa phía Mỹ không quá háo hức để làm việc. Điều này thể hiện rõ ràng là việc mỗi người trong phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt trên bàn những cuốn sổ ghi chép, trong khi ngược lại, bên phái đoàn Mỹ chỉ có “những chiếc đĩa ăn”.

Ông Mehmet Ali Guller cho rằng, trước cuộc gặp với ông Erdogan, Tổng thống Donald Trump đã thông qua quyết định cung cấp vũ khí hạng nặng cho các đơn vị tự vệ người Kurd, có nghĩa là vấn đề này không thể được thảo luận tại cuộc đàm phán với phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã có cuộc gặp “chớp nhoáng” với Tổng thống Mỹ

Đáng lẽ, thay cho chuyến đi thăm Mỹ, ông Erdogan cần phải lên tiếng phản đối quyết định đó, hoặc ít nhất cũng cần thực hiện những bước đi mạnh mẽ, ví dụ như đóng cửa căn cứ Incirlik hoặc tạm ngừng các chuyến bay, ông Erdogan cũng có thể sử dụng căn cứ không quân này như "con át chủ bài" trong cuộc thương lượng, nhằm giải quyết tình hình xung quanh việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG).

Hơn nữa, trước cuộc gặp này, Erdogan đã quả quyết rằng, vấn đề này "sẽ đặt dấu chấm hết chứ không phải dấu phẩy" cho mối quan hệ giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sau cuộc gặp, chính ông Erdogan đã nhấn mạnh rằng "chúng tôi không đặt dấu chấm hết trong quan hệ song phương".

Ông Guller nhận định rằng, với tuyên bố cuối cuộc gặp này, ông Erdogan phải đặt dấu hỏi, chứ không phải dấu phẩy hoặc dấu chấm hết vào cuối mối quan hệ với Mỹ.

Có thể nhận thấy rằng, sau quyết định cung cấp vũ khí hạng nặng cho các đơn vị tự vệ người Kurd, Hoa Kỳ đã đồng ý cung cấp vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ thường sử dụng phương pháp này trong chính sách đối ngoại, nhẳm ve vuốt sự tự ái của các đồng minh.

Cuộc gặp ngắn mang ý nghĩa lớn đối với cục diện Syria

Bình luận về cuộc gặp kéo dài 20 phút trong cuộc trả lời phỏng vấn của Sputnik, nhà khoa học chính trị Serhat Gyuvench nhận xét rằng, nếu thời gian cuộc gặp là một thước đo đánh giá về sự thành công thì cuộc gặp mặt chỉ kéo dài 20 phút đã mang lại kết quả rất ít ỏi.

Theo ông, rõ ràng là chuyến đi này không có gì hơn là một chuyến thăm viếng xã giao. Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã né tránh thảo luận về một số vấn đề quan trọng, một phần là bởi thời gian không cho phép, tuy nhiên, ít nhất là cuộc gặp này thể hiện thái độ thiện chí.

Thực tế là, Hoa Kỳ sẽ cung cấp vũ khí cho các đơn vị người Kurd, lực lượng bị chính Ankara đã tuyên bố là chi nhánh của “Đảng Công nhân người Kurd” (PKK), mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là một tổ chức khủng bố, đồng thời cũng cung cấp cả cho Thổ Nhĩ Kỳ, nước đang đấu tranh chống PKK.

Điều này có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ trang bị vũ khí cho hai lực lượng đối đầu nhau trong khu vực. Đây là một vấn đề rất lớn, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ cần phải sớm thực hiện những bước đi chiến lược nhằm cải thiện quan hệ với các nước láng giềng.

Giới phân tích nhận định rằng, mặc dù cuộc gặp kéo dài 20 phút giữa ông Erdogan với tổng thống Mỹ không mang lại lợi ích gì cho Thổ Nhĩ Kỳ nhưng ít nhất nó cũng có 2 điểm nhất rất đáng chú ý.

Thứ nhất là cuộc gặp đã giúp ông Erdogan đạt được những lợi thế chính trị rất lớn

Bức ảnh chụp Erdogan đứng cùng với Trump cho thấy rằng, ít nhất là Mỹ đã buộc phải chấp nhận kết quả trưng cầu dân ý ở Thổ Nhĩ Kỳ về việc tập trung quyền lực tuyệt đối vào tay ông Erdogan - vấn đề đã từng bị cáo buộc là “phản dân chủ” kiểu phương Tây.

Để Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận sự liên kết với người Kurd nhằm dồn lực đánh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), nhằm chiếm đóng Raqaa của Syria, Mỹ đã buộc phải phớt lờ vấn đề bị châu Âu lên án kịch liệt này, đồng thời phải trao thêm cho Ankara những lợi ích mới về quân sự.

Liệu Mỹ có đủ khả năng điều hòa quan hệ Thổ - người Kurd?

Thứ hai là cuộc gặp đã vạch rõ tính chất mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd.

Qua cuộc gặp này và những diễn biến ở khu vực phía Bắc Syria đã cho thấy cái gọi là “mâu thuẫn đối kháng không thể điều hòa” giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd là điều hoàn toàn sai lầm. Mâu thuẫn đối kháng là điều mà quan hệ lợi ích sẽ không thể điều hòa được.

Nếu Thổ và người Kurd thực sự là những “đối thủ không đội trời chung” với nhau thì việc Mỹ có sử dụng cái gì thì cũng sẽ không thể làm chính quyền Ankara thay đổi lập trường về người Kurd Syria. Do đó, chúng ta không thể đánh đồng người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ (PKK) với người Kurd Syria (YPG) và người Kurd Iraq (Peshmerga).

Do đó, một số quan điểm cho rằng, Mỹ hoàn toàn có thể điều hòa được mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd, khiến hai thế lực quân sự lớn này ngừng các cuộc đấu đá (thực sự) lẫn nhau, tập trung vào mục đích chính yếu là chiếm đất của Syria càng nhiều càng tốt.

Do đó, cuộc gặp này mặc dù ngắn ngủi nhưng có ý nghĩa rất lớn. Nó cho thấy rằng Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd có thể khai thác “mâu thuẫn đối kháng” này để một bên tung thêm quân vào Syria “đối phó”, một bên cầu viện Mỹ “giữ đất” để hợp pháp hóa sự hiện diện quân sự của Mỹ, chiếm đóng trái phép nhiều vùng lãnh thổ của Syria.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn