Nga dạy Mỹ cách chơi với người Kurd

Thứ sáu, 22/09/2017, 10:55
Trong chưa đầy 1 năm qua, Nga đã rót gần 4 tỷ USD đầu tư vào ngành công nghiệp dầu khí tại khu vực người Kurd ở Iraq.

Dầu mỏ mở đường

Trong khi tỏ rõ sự cứng rắn đối với liên minh giữa người Kurd ở Syria với các nhóm đối lập, Nga lại ra mặt là đối tác đáng tin cậy bậc nhất của người Kurd ở Iraq.

Theo hãng tin Reuters, Nga là cường quốc duy nhất không kêu gọi người Kurd tại Iraq hủy bỏ cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập dự kiến diễn ra vào tuần tới. Không những thế, Nga nhanh chóng trở thành “nhà tài trợ” hàng đầu cho ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt của vùng lãnh thổ mà cộng đồng này kiểm soát, với các thỏa thuận quy mô nâng tổng giá trị đầu tư của Nga trong khu vực lên gần 4 tỷ USD trong vòng chưa đầy 1 năm .

CEO của Rosneft Igor Sechin (phải) ký thỏa thuận hợp tác với Bộ trưởng Tài nguyên của chính quyền tự trị người Kurd tại Iraq Asti Hawrami tại Saint Petersburg hôm 2/6/2017

Mỹ, các nước châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều đã phản đối kế hoạch tổ chức trưng cầu ý dân đòi độc lập vào ngày 25/9 tới của người Kurd, sự kiện mà người Kurd coi là đỉnh điểm của cuộc đấu tranh kéo trài nhiều thập kỷ nhằm xây dựng một nhà nước cho riêng mình, song lại bị Baghdad xem là vi hiến.

Nhà Trắng đã ra một tuyên bố gọi cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra cuối tháng này là hành động “khiêu khích và gây bất ổn”, lưu ý rằng cuộc trưng cầu ý dân này sẽ diễn ra không chỉ ở trong khu tự trị người Kurd mà còn ở cả vùng lãnh thổ đang tranh chấp.

Trong khi đó, Moscow hoàn toàn im lặng và chỉ vài ngày trước thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu ý dân theo dự kiến, tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Rosneft đã công bố khoản đầu tư mới nhất, nhằm giúp người Kurd ở Iraq phát triển ngành công nghiệp khí đốt tự nhiên để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và sau đó là xuất khẩu.

Tổng giá trị của thỏa thuận chưa được công bố chính thức, song theo các nguồn thạo tin, con số này có thể lên tới hơn 1 tỷ USD. Đây là dự án lớn thứ 3 của Rosneft tại khu vực của người Kurd tính từ tháng 2 vừa qua, đưa Moscow từ vị thế ít ảnh hưởng trong khu vực trở thành nhà đầu tư số một.

Người phát ngôn của tập đoàn Rosneft Mikhail Leontev cho biết khoản đầu tư trị giá hơn 1 tỷ USD mà Nga dành cho các dự án cơ sở hạ tầng khai thác khí đốt của người Kurd sẽ giúp khu vực này trở thành nhà xuất khẩu khí đốt hàng đầu cho Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu trong tương lai.

Người Kurd tại Iraq tuyên bố tiến hành trưng cầu dân ý về độc lập vào ngày 25/9 tới

Ông Leontev khẳng định: “Việc (người Kurd) tổ chức trưng cầu ý dân sẽ không ảnh hưởng tới chúng tôi. Công việc của chúng tôi được tiến hành tại khu tự trị đã được luật pháp công nhận. Khu vực này do người Kurd ở Iraq quản lý, và người dân của họ sinh sống tại đây. Đó là lý do tôi nghĩ rằng dự án của chúng tôi không phải là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm”.

Reuters dẫn các nguồn thạo tin trong ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt cho biết, kể từ khi thâm nhập vào khu vực này từ tháng 12/2016, các khoản đầu tư của Rosneft cho tới nay đã lên tới xấp xỉ 4 tỷ USD, cao hơn hẳn số tiền 2 tỷ USD mà các doanh nghiệp quốc tế đặt cọc cho việc xuất khẩu dầu của người Kurd và khoản đầu tư trị giá 1,5 tỷ USD từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Hành động của Nga cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn trong các mối quan tâm của người Kurd tại Iraq, vốn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Washington từ 1991 khi Mỹ đề xuất bảo trợ cộng đồng này trước các hành động của Iraq thời Tổng thống Saddam Hussein.

Một nguồn tin cấp cao tại Erbil, thủ phủ khu tự trị người Kurd, nói: “Moscow đã nhanh chóng lấp vào chỗ trống mà Mỹ bỏ lại khi họ rút dần quân khỏi Iraq”.

Hất cẳng Mỹ?

Hiện khoảng 35 triệu người Kurd đang sinh sống tại Iraq, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng nói: “Chúng tôi mong người Kurd, cũng giống như mọi người dân trên Trái Đất này, có thể hoàn thành mong muốn và nguyện vọng của mình… Chúng tôi cho rằng những mong muốn chính đáng của người Kurd, cũng giống như những người khác, cần phải được đáp ứng trong khuôn khổ các nguyên tắc pháp lý quốc tế hiện hành”.

Không giống các cường quốc khác, Moscow đã tránh đề cập tới tính hợp pháp hay hợp lý của việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân của người Kurd. Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ giữ nguyên quan điểm với vấn đề này tương tự những gì ông Lavrov nói hồi tháng 7 vừa qua.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (trái) trong chuyến thăm tới khu tự trị người Kurd tại Iraq hồi tháng 8 vừa qua

Ông Hoshiyar Zebari, một trong những chính trị gia người Kurd nổi tiếng, từng giữ các cương vị như ngoại trưởng, phó thủ tưởng và bộ trưởng tài chính từ năm 2003 trước khi rời nhiệm sở vào năm ngoái để làm cố vấn cho chính phủ khu vực người Kurd, bình luận: “Quan điểm của Nga là hãy cứ chờ xem kết quả cuộc trưng cầu ý dân là gì… Có vẻ như họ hiểu hoàn cảnh của chúng tôi”.

Trong khi đó theo hãng tin Reuters, Moscow cho rằng người Kurd sẽ dùng kết quả cuộc trưng cầu ý dân này làm một trong những công cụ để tham gia đàm phán với Baghdad.

Một nguồn tin ngoại giao cho biết người Kurd xem là họ đã được Nga “bật đèn xanh” sau khi Ngoại trưởng Lavrov đánh tiếng với phái đoàn người Kurd trong một cuộc gặp tại St Petersburg hồi tháng 6 rằng Nga sẽ không phản đối việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân.

Nguồn tin này nói: “Trong các cuộc gặp trước, trọng tâm của ông Lavrov là sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq… Song lần này ông ấy lại nói rằng Nga hiểu nguyện vọng độc lập của người Kurd. Và dù ông ấy lưu ý rằng nguyện vọng này cần được thúc đẩy một cách thận trọng thì đó cũng là một tín hiệu rất đáng chú ý”.

Diễn ra gần như cùng lúc với các cuộc gặp trên, Rosneft đã xúc tiến thỏa thuận đầu tư thứ 2 trong tổng số 3 thỏa thuận quy mô tính tới thời điểm này với giới chức Kurd. Vài ngày sau đó, người Kurd công bố lộ trình tiến hành các cuộc trưng cầu ý dân.

Các tay súng người Kurd ở Iraq tại một chốt kiểm soát

Thực tế, trước Nga đã có nhiều đối tác nước ngoài tìm đến người Kurd vì dầu mỏ. Người Kurd từ lâu vẫn khẳng định rằng khu tự trị này có quyền ký thỏa thuận với các doanh nghiệp nước ngoài để khai thác dầu mỏ trong vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát. Trong khi đó, Chính phủ trung ương Iraq lại nói rằng mọi thỏa thuận xuất khẩu dầu mỏ từ vùng lãnh thổ người Kurd đều trái luật nếu thiếu sự đồng thuận của Baghdad.

Trong nhiều năm, các doanh nghiệp Mỹ đã rất tích cực tìm cách đàm phán các thỏa thuận với người Kurd, với hy vọng sẽ có được cái gật đầu của Baghdad. Thỏa thuận lớn nhất phải kể đến là từ Tập đoàn Exxon Mobil khi còn dưới sự điều hành của đương kim Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Tuy nhiên, sau khi ký thỏa thuận phát triển các mỏ dầu tại Kurd vào năm 2011, Exxon đã không xúc tiến mạnh mẽ hoạt động thăm dò và sau đó đã chuyển giao một số mỏ khoan cho chính quyền tự trị.

Dù vẫn duy trì mối quan hệ hữu hảo với người Kurd và xem họ là “lá chắn” hiệu quả chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), Washington lo ngại mục tiêu giành độc lập của cộng đồng này có thể sẽ khiến Iraq tan rã hoặc kích động mâu thuẫn với Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ từ lâu vẫn luôn kêu gọi người Kurd tránh các hành động đơn phương, như tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân có nguy cơ làm suy yếu Chính phủ Baghdad hoặc khiến Ankara tức giận.

Trong khi đó Nga lại đang rất tích cực tìm kiếm các đồng minh và đối tác mới ở Trung Đông sau khi tăng cường sự hiện diện trong khu vực bằng chiến dịch can thiệp quân sự ở Syria. Việc có được những đối tác tại vùng lãnh thổ người Kurd, nằm giữa Syria, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, chắc chắn sẽ là điều rất có lợi cho Moscow về mặt địa chính trị.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích