|
Máy bay dân dụng chở khách thân hẹp C919 trong lần bay thử hồi tháng 5-2017 - Ảnh: AFP |
Tuần rồi, Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) thông báo máy bay C919 do họ sản xuất đã nhận được đơn đặt hàng chiếc thứ 730.
Con số này chắc chắn không thể làm những hãng sản xuất máy bay hàng đầu như Boeing (Mỹ) hay Airbus (châu Âu) "rung lắc", nhưng "một ngày nào đó, điều đó là có thể", hãng tin Bloomberg viết.
Một báo cáo của Boeing hồi tuần rồi dự đoán nhu cầu máy bay dân sự toàn cầu sẽ ở con số 41.030 chiếc trong vòng 20 năm tới; riêng thị trường Trung Quốc là 5.420 chiếc, chủ yếu là máy bay thân hẹp.
Theo Bloomberg, phần lớn đơn đặt hàng C919 đến từ các công ty hàng không Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên có thông tin cho rằng các công ty này phần lớn là bị ép mua hàng nội địa ủng hộ và sẵn sàng chọn máy bay khác nếu được lựa chọn.
Xét về mặt công nghệ, C919 là một chiếc máy bay lạc hậu, nhiều lần bị trì hoãn trước khi chính thức bay thử nghiệm hồi tháng 5 rồi. Nhiều khả năng nó sẽ không thể đưa vào khai thác thương mại trước năm 2020.
Nhưng tại sao C919 lại có thể thách thức Boeing và Airbus, chính xác hơn là dòng 737 Max của Boeing và A320 của Airbus?
Câu trả lời là giá rẻ. Mỗi chiếc C919 có thể rẻ hơn 10% so với hai đối thủ trong khi vẫn đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của các hãng hàng không giá rẻ đang mọc lên như nấm sau mưa.
C919 không phải là một chiếc máy bay đỉnh cao về công nghệ, nhưng ưu thế giá rẻ sẽ giúp nó bắt kịp nhu cầu đi lại bằng hàng không đang bùng nổ ở châu Á và châu Phi.
Các nhà sản xuất Trung Quốc thường lấy giá làm ưu thế khi cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại đến từ nước khác và máy bay dân dụng cũng không ngoại lệ.
Ngày càng nhiều công ty Trung Quốc ở các lĩnh vực khác nhau chú trọng tới công tác nghiên cứu và phát triển, chế tạo ra những hàng hóa chất lượng cao hơn là đi gia công cho nước ngoài như trước.
Đây chính là viễn cảnh mà chính phủ Trung Quốc muốn COMAC đi theo khi sản xuất máy bay C919. Ra mắt năm 2008, C919 là minh chứng cho nỗ lực và tham vọng thách thức các hãng sản xuất máy bay dân dụng phương Tây của Trung Quốc.
Nói như Bloomberg, nhìn rộng hơn, "Trung Quốc muốn trở thành nhà sáng tạo hàng đầu thế giới chứ không phải là quốc gia chuyên đi gia công, sản xuất điện thoại hay máy cày".
Trung Quốc đã có thể chế tạo các chiến đấu cơ nội địa, song phải mất một thời gian dài nữa Bắc Kinh mới giải quyết được bài toàn phụ thuộc vào động cơ nước ngoài. Tương tự, động cơ và hệ thống điện tử trên C919, những thành phần quan trọng nhất của máy bay, không phải là sản phẩm của các công ty Trung Quốc.
Mặc dù vậy, với ưu thế là "con cưng" của ngành chế tạo máy bay dân dụng Trung Quốc, COMAC sẽ có thời gian mày mò phát triển, thử nghiệm trước khi tung ra thế giới sản phẩm hoàn thiện nhất. Điều này khác tình cảnh của Boeing và Airbus, hai hãng này phải liên tục nhòm ngó đối thủ và liên tục nâng cấp để cạnh tranh.
Theo TTO