Kênh CNN (Mỹ) cho biết dự kiến đó là căng thẳng leo thang giữa Saudi Arabia và Iran, đe dọa kích hoạt mặt trận mới trong khu vực với việc Riyadh phô trương lực lượng bắt đầu từ nỗ lực củng cố quyền lực trong nội bộ.
Vụ từ chức là tiếng súng khai cuộc
Ông Saad Hariri. Ảnh: Reuters |
Vào tối 3/11, Thủ tướng Lebanon Saad Hariri đặt chân đến Riyadh, đây là chuyến thăm thứ hai của ông này đến Saudi Arabia trong một tuần. Được biết ông Hariri mang hai quốc tịch Lebanon và Saudi Arabia.
Thủ tướng Hariri đã có cuộc gặp với các quan chức cấp cao Saudi Arabia và bàn về quan ngại liên quan tới lực lượng Hezbollah. Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), trong chính phủ Lebanon hiện nay có nhiều thành viên của lực lượng Hezbollah. Do vậy, chuyến thăm Saudi Arabia này của ông Hariri phần nào đã gây dị nghị.
Tuy nhiên, cao trào diễn ra vào chuyến thăm Saudi Arabia lần thứ hai trong tuần khi Thủ tướng Lebanon Hariri đột ngột tuyên bố từ chức ngày 4/11 kèm theo nhiều chỉ trích hướng tới Iran và lực lượng Hezbollah. Ông Hariri đưa ý kiến cá nhân rằng “Iran can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia Arập”.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tận dụng tuyên bố từ chức của Thủ tướng Lebanon Hariri để chỉ trích Iran: “Những lời nói của ông ấy là tiếng chuông cảnh tỉnh để cộng đồng quốc tế hành động chống lại sự khiêu khích của Iran”.
Iran ngay lập tức bác bỏ các buộc của ông Hariri đồng thời cho rằng chính Mỹ và Saudi Arabia đã dàn dựng hành động từ chức của ông Hariri.
Việc ông Hariri từ chức đã đe dọa tới sự tồn vong của chính phủ Lebanon thống nhất mà CNN đánh giá là một thành quả từ thỏa thuận hạt nhân với Iran trong thời kỳ Tổng thống Mỹ thứ 44 Barack Obama. Chính phủ Lebanon là liên minh gồm Thủ tướng Hariri theo phía Saudi Arabia và Tổng thống Michel Aoun ủng hộ Hezbollah.
Giám đốc Viện Cận Đông và Quân sự Vùng Vịnh có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Riad Kahwaji nhận định việc ông Hariri từ chức cho thấy bước đi chung của Mỹ và Iran cải thiện quan hệ quan hệ và giảm căng thẳng đã kết thúc đồng thời căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia quay trở lại, liên quan đến Lebanon.
Saudi Arabia chặn tên lửa đạn đạo
Một buổi lễ của lực lượng Không quân Saudi Arabia. Ảnh: Reuters |
Chỉ vài giờ sau vụ việc trên, Bộ Quốc phòng Saudi Arabia tuyên bố đánh chặn thành công một tên lửa đạn đạo của phiến quân Houthi tại Yemen nhắm đến sân bay Quốc tế King Khalid ở Riyadh.
Houthi cho biết đó là một tên lửa tầm xa do Yemen sản xuất có tên Burqan 2H.
Liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu buộc tội có một quốc gia đã hỗ trợ phiến quân Houthi nhưng không chỉ rõ là nước nào. Đồng thời lực lượng này đánh giá việc phóng tên lửa đạn đạo vào Riyadh “đe dọa an ninh khu vực và quốc tế”.
Các nhà phân tích nhận xét đây là dấu hiệu cho thấy “leo thang chính” trong cuộc chiến tại Yemen.
Cuộc chiến trong lòng Saudi Arabia
Thái tử Mohammed bin Salman. Ảnh: AFP |
Hơn 17 hoàng tử và các quan chức Saudi Arabia đã bị bắt với cáo buộc tham nhũng. Những cái tên trong danh sách gồm tỉ phú Alwaleed bin Talal, hoàng tử Turki Bin Nasser, “ông trùm” truyền thông Saudi Arabia Waleed Al-Ibrahim…
Nhà phân tích quân sự Riad Kahwaji đánh giá: “Một số nhân vật giàu có nhất trong thế giới Arập bị bắt giữ vào hôm nay. Đây là điều không tưởng. Lần đầu tiên chúng ta được chứng kiến và nó sẽ gây ra làn sóng xáo động khắp khu vực”.
Cơ quan tiến hành động thái gây sốc trên là Ủy ban chống tham nhũng mới thành lập do Thái tử Mohammed bin Salman đứng đầu. Tờ Guardian (Anh) cho rằng Thái tử Mohammed bin Salman - người được phong phong tước vào ngày 21/6 vừa qua- đang thể hiện ý chí sẵn sàng đối đầu với các nhân vật quyền lực nhất tại Saudi Arabia để tiến hành cải cách. Thái tử Mohammed bin Salman đã khẳng định quyết tâm loại trừ tham nhũng làm tiền đề cho nền kinh tế cởi mở hơn.
Theo Báo Tin Tức