|
Đại biện Đại sứ quán Peru tại Việt Nam, ông Luis Tsuboyama |
Đại biện Đại sứ quán Peru tại Việt Nam, ông Luis Tsuboyama, chia sẻ với Dân trí về Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 ngay trước khi Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski tới Đà Nẵng tham dự sự kiện quan trọng này.
Ấn tượng về công tác chuẩn bị APEC tại Đà Nẵng
Xin ông chia sẻ về những thách thức của Peru khi là chủ nhà của APEC 2016?
Vâng, đăng cai APEC thực sự là một thách thức cho Peru. Chỉ riêng hội nghị thượng đỉnh đã có hơn 10.000 người đến tham dự. Hội nghị thượng đỉnh là sự kiện đỉnh cao cuối cùng, nhưng ngay từ đầu năm và trong suốt cả năm chúng tôi đã tổ chức trên 200 cuộc họp tại 8 thành phố trên khắp cả nước. Vì vậy chúng tôi phải huy động nhân lực của các bộ ngành, cơ quan khác nhau và dành nguồn kinh phí phù hợp cho việc này.
Vì thế, tôi hiểu những thách thức mà Việt Nam đối mặt. Tôi chúc các bạn sẽ tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC.
Ông có thể chia sẻ thêm về những thách thức an ninh khi Peru đăng cai APEC?
An ninh là một phần rất quan trọng trong bất kỳ một sự kiện quốc tế nào, dù là ở Peru, Việt Nam hay thế giới. Nhưng có một lợi thế là Việt Nam được cả thế giới biết tới về sự an toàn và Peru cũng vậy. Chúng tôi không nằm trong những khu vực phức tạp nhất thế giới, dù vậy chúng tôi rất chú trọng công tác an ninh để các phái đoàn hoàn toàn yên tâm khi tới Peru.
APEC cũng là cơ hội để quảng bá nền kinh tế, văn hóa, du lịch… của nền kinh tế chủ nhà. Kinh nghiệm của Peru trong lĩnh vực này ra sao?
Đúng là như vậy. Peru lần đầu tiên làm chủ nhà APEC vào năm 2008, hai năm sau khi Việt Nam lần đầu tiên giữ cương vị này. Trong suốt cả năm, các đại biểu từ nhiều quốc gia trên thế giới, chứ không riêng gì các thành viên APEC, như các nhà báo và đại diện của các tổ chức quốc tế, tới Peru. Họ đến không chỉ làm việc mà còn có thể là lần đầu tiên đặt chân Peru, trải nghiệm đất nước, nền văn hóa, ẩm thực… Vì vậy, chúng tôi đã tổ chức xen kẽ các sự kiện văn hóa để các đại biểu hiểu hơn về Peru.
Con người Việt Nam rất thân thiện. Việt Nam cũng có rất nhiều thứ để “khoe” với các đại biểu và du khách quốc tế. Tháng trước tôi đã tới Đà Nẵng 2 lần, tôi cũng đi Hội An và Huế. Thật tuyệt vời là các thành phố này rất đẹp, yên bình và có vị trí rất gần nhau. Các đại biểu và du khách có thể tham quan các thành phố này nhân dịp tham dự APEC. Ngoài ra, tôi cũng nghĩ các bạn có nền ẩm thực phong phú, được cả thế giới biết đến. Đây rõ ràng là cơ hội rất tốt để quảng bá ẩm thực.
Năm nay, khi bạn gặp những đại biểu đã từng dự APEC 2016, bạn có thể hỏi họ về sự ấn tượng đối với Peru, tôi tin một trong những điều họ sẽ nói đó là ẩm thực. Vì vậy, rõ ràng APEC là một cơ hội rất tốt để quảng bá hình ảnh đất nước theo nhiều cách khác nhau.
Peru có trợ giúp gì cho Việt Nam để tổ chức thành công APEC tại Đà Nẵng năm nay?
Tôi từng tham gia trực tiếp, tích cực vào việc trợ giúp đoàn đại biểu Việt Nam tới Peru dự APEC 2016. Tôi đã có các cuộc gặp với họ, chia sẻ các quan điểm, qua đó nhấn mạnh vào các ưu tiên của đất nước chúng tôi.
Việt Nam và Peru đã ký một thỏa thuận hợp tác về các vấn đề APEC vài năm trước. Mỗi năm nền kinh tế chủ nhà thường đề xuất chủ đề và các ưu tiên, nhưng chủ đề chính là sự hội nhập và tự do hóa của kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vì vậy nền kinh tế chủ nhà sẽ tiếp tục công việc chính này để tiến tới mục tiêu Bogor vào năm 2020. Cả Việt Nam và Peru đã và đang hợp tác về mục tiêu này. Chúng tôi luôn thảo luận một cách cởi mở với phía Việt Nam trong mọi vấn đề.
Những sáng kiến nào của chủ nhà APEC 2016 vẫn được tiếp tục thảo luận tại APEC năm nay, thưa ông?
Những chủ đề xuyên suốt được thảo luận tại các hội nghị cấp cao APEC là hội nhập kinh tế, thỏa thuận thương mại tự do của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sự tự do hóa của nền kinh tế khu vực. Đối với Peru, chúng tôi chú trọng vào các chủ đề doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển nguồn nhân lực và tăng cường an ninh. Đây là những sáng kiến của Peru và chúng tôi mừng khi thấy Việt Nam tiếp tục các chủ đề này. Chúng tôi đánh giá cao điều đó. Những sáng kiến này mang lại lợi ích cho hệ thống APEC vào năm 2020.
Ông đã tới Đà Nẵng và đánh giá như thế nào công tác chuẩn bị của Việt Nam cho tuần lễ cấp cao APEC 2017?
Không chỉ tôi mà cả đội ngũ cán bộ của Đại sứ quán đã tới Đà Nẵng để thị sát công tác chuẩn bị cho tuần lễ cấp cao. Chúng tôi đã 2 lần đi thị sát cùng với đại biểu từ Peru sang. Chúng tôi đã nhìn thấy sự đầu tư về cơ sở vật chất, và tôi rất ấn tượng với sự chuẩn bị của các bạn. Các địa điểm tổ chức tuần lễ cấp cao đều rất hoành tráng. Tôi đã trò chuyện với các đại biểu Peru và mọi người đều cho rằng chúng tôi không thể làm được như vậy. Đà Nẵng có vị trí đẹp, cảnh quan đẹp, cơ sở vật chất hiện đại, đó là những điều mà Peru đã không có. Tôi chúc mừng Việt Nam về điều đó.
|
Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski sẽ tham dự APEC 2017 tại Đà Nẵng |
Tiềm năng kinh tế của Việt Nam và khu vực
Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski đã xác nhận sẽ đến dự APEC 2017. Ông kỳ vọng như thế nào về chuyến đi này?
Tổng thống Peru dự kiến đến vào ngày 9/11 và tham dự các hoạt động vào ngày 10-11/11. Đệ nhất phu nhân Peru cũng sẽ tháp tùng chồng tới Việt Nam. Tôi tin rằng họ rất mong chờ chuyến đi này.
Đối với tôi, tôi mong rằng chuyến đi của ông sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế với Việt Nam. Đại sứ quán Peru mới được thiết lập tại Việt Nam 4 năm trước, vào năm 2013, và hai bên khi đó chưa có nhiều quan hệ hợp tác. Nhưng sự hợp tác đã phát triển rất tốt trong những năm gần đây. Đây là cơ hội để Ngài Tổng thống nhìn lại chặng đường hai nước đã đi qua trong quan hệ hợp tác song phương, quan hệ kinh tế, quan hệ nhân dân, và cũng là dịp để Ngài tận mắt chứng kiến tiềm năng của Việt Nam, của nền kinh tế các bạn, cũng như tiềm năng của khu vực Đông Nam Á.
Tại Nam Mỹ, khi nói tới châu Á phần lớn mọi người chỉ biết tới Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và không hiểu được tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á, những quốc gia như Việt Nam, các bạn có tương lai tươi sáng và tôi tin tưởng các bạn sẽ đi đúng hướng, ngày một phát triển dựa trên lợi ích của người dân.
Chúng tôi muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. Vì vậy, Tổng thống của chúng tôi sẽ chứng kiến những điều đó. Trong năm qua, một số Bộ trưởng của Peru đã đến Việt Nam dự các cuộc họp trong khuôn khổ APEC, họ đã đến thăm Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh và đều bất ngờ với nền kinh tế năng động và sự phát triển của các bạn. Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh rằng APEC là cơ hội rất tốt để quảng bá nền kinh tế, quảng bá những điều tốt đẹp về Việt Nam.
Ông nhận định như thế nào về triển vọng hợp tác kinh tế giữa Peru và Việt Nam?
Hiện thời mối quan hệ giữa hai nước chủ yếu tập trung vào kinh tế. Mới đây Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Peru về các vấn đề kinh tế và hợp tác kỹ thuật đã nhóm họp lần 1 tại thủ đô Lima để tìm hiểu các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai bên. Chúng tôi mong muốn xuất khẩu các mặt hàng như rau quả chất lượng cao sang Việt Nam, và ngược lại các bạn cũng có thể xuất khẩu các loại trái cây đặc trưng sang Peru. Chúng tôi không chỉ chú trọng hợp tác ở mức độ song phương với Việt Nam, mà còn ở cấp độ ASEAN và Thái Bình Dương.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Dân Trí