Đội cận vệ bí ẩn nhất nước Nga bảo vệ Tổng thống Putin

Thứ sáu, 10/11/2017, 08:35
Với sứ mệnh bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Tổng thống, Cơ quan Bảo vệ Liên bang Nga (FSO) được đánh giá là đơn vị hùng mạnh, đa năng và cực kỳ bí mật. Gần như không có lực lượng an ninh nào của Nga “kín tiếng” đến thế.

Đội đặc vụ bảo vệ Tổng thống Putin trong một sự kiện tại Vienna, Áo (Ảnh: TASS)

Theo RBTH, vì gần như không có lực lượng an ninh nào của Nga được giữ bí mật cao như Cơ quan Bảo vệ Liên bang Nga (FSO), do vậy các thông tin liên quan tới hoạt động của FSO đều chỉ dựa trên sự phỏng đoán. Thực tế cho thấy không có bất kỳ dữ liệu công khai hay báo cáo chính thức nào về hoạt động của FSO.

Trong suốt 16 năm, FSO do Tướng Yevgeny Murov, một đồng minh lâu năm của Tổng thống Vladimir Putin, dẫn dắt. Tuy nhiên, vào ngày 26/5/2016, Tổng thống Putin đã chấp thuận đơn từ chức của ông Murov và bổ nhiệm cấp phó là ông Muscovite Dmitry Kochnev vào vị trí lãnh đạo FSO.

Lý do khiến Tướng Murov từ chức được cho là vì vấn đề tuổi tác. Ông Murov đã bước sang tuổi 70 từ tháng 11/2015, tức là đã đến tuổi nghỉ hưu theo quy định đối với các công chức nhà nước. Trước đó, Tướng Murov, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại Nga, đã đảm nhận ví trí lãnh đạo FSO chỉ 11 ngày sau khi ông Putin lên làm Tổng thống và giữ vị trí này kể từ thời điểm đó.

Thông tin về người kế nhiệm Tướng Murov tại FSO hiện không có nhiều. Ông Dmitry Kochnev được xem là người “không tiểu sử” vì gần như không tìm thấy bất kỳ dòng chữ nào nói về ông trên các trang web của FSO cũng như của Điện Kremlin. Một trong số những thông tin hiếm hoi mà mọi người biết được là ông Kochnev đã lãnh đạo Cơ quan An ninh Tổng thống, một đơn vị của FSO, từ cuối năm 2015.

Bảo vệ yếu nhân

Tổng thống Putin tại thành phố Tambov, Nga năm 2012 (Ảnh: TASS)

Gốc rễ của FSO bắt nguồn từ một nhánh của Ủy ban An ninh Quốc gia Nga (KGB) - cơ quan ninh với quyền lực rất mạnh thời Liên Xô. Khi đó, nhánh này chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho các quan chức cấp cao của Nga, tương tự FSO bây giờ.

Có nhiều giai thoại xung quanh sứ mệnh bảo vệ yếu nhân của FSO. Trong vòng 15 năm, cơ quan này được đồn đoán đã sử dụng một nhân vật đóng thế có ngoại hình giống Tổng thống Putin để giúp “làm thay” nhà lãnh đạo Nga trong các hoạt động nguy hiểm nhất như lặn dưới đáy hồ Baikal hay lái máy bay chiến đấu.

FSO hiện có khoảng 20.000-30.000 đặc vụ mặc đồng phục và vài nghìn nhân sự mặc thường phục. Lực lượng này được giao nhiệm vụ kiểm soát “hộp đen” - vali hạt nhân của Nga để sử dụng trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân. Để trở thành một thành viên của FSO, các ứng viên phải đạt đủ tiêu chuẩn về ngoại hình và phải trải qua quá trình huấn luyện khắt khe trước khi đủ khả năng ứng phó với các tình huống nguy cấp trong quá trình bảo vệ Tổng thống.

Đôi lúc các đặc vụ FSO mặc áo vest đen và đeo tai nghe, song cũng có lúc họ mặc trang phục bình thường và trà trộn vào đám đông. Một điều chắc chắn đó là, chỉ những người đáng tin cậy nhất mới được chọn làm đặc vụ FSO.

Tuy vậy, một số đặc vụ FSO vẫn không tránh khỏi những cám dỗ đời thường và đăng một vài bức ảnh “tự sướng” chụp lúc đang làm việc lên mạng xã hội. Sau đó, các phóng viên đã liên tục khai thác những bức ảnh này cũng như các thông tin đời tư về đặc vụ FSO.

Quyền lực mạnh

Tổng thống Putin cầm chân dung của cha, ông Vladimir Spiridonovich Putin - một cựu binh Thế chiến 2, trong cuộc tuần hành ở Moscow năm 2016 (Ảnh: TASS)

Các đặc vụ FSO không chỉ bảo vệ cho Tổng thống Nga mà còn bảo đảm an ninh cho các thẩm phán, nhân chứng, quan chức và các địa điểm quan trọng ở Nga như Điện Kremlin hay tòa nhà Quốc hội. Ngoài ra, các đặc vụ FSO cũng có quyền tiến hành các hoạt động điều tra, tác chiến, nghe lén, khám xét thư từ, bắt giữ công dân, lục soát nơi ở và trưng dụng xe ôtô.

Ngoài bảo vệ các tòa nhà chính phủ và các công trình quan trọng tại Nga, FSO cũng kiểm soát các tuyến đường dẫn tới các địa điểm này. Cơ quan này kiểm soát nhiều tuyến đường ở thủ đô Moscow và để mắt luôn tới những người dân sống ở các khu vực đó.

FSO cũng chịu trách nhiệm theo dõi và cung cấp các thông tin về tình hình kinh tế xã hội tại các vùng miền của Nga cho các quan chức cấp cao của chính phủ. Do vậy, nếu một trong số các tỉnh trưởng tại Nga bất ngờ nộp đơn xin từ chức với lý do không còn tự tin vào năng lực lãnh đạo, thì rất có thể chính FSO là đơn vị đứng sau tác động tới quyết định của vị tỉnh trưởng này.

Một trong số các hoạt động cho thấy sự mở rộng quyền lực của FSO gần đây là việc cơ quan này thiết lập và phát triển mạng lưới internet dành riêng cho các công chức nhà nước. FSO cũng chịu trách nhiệm quản lý các kênh liên lạc được mã hóa tại Nga.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn