Sáng nay 18-11, Quốc hội tiến hành chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Nhiều thông tin quan trọng liên quan đến các vụ án lớn đã được Chánh án thông tin tới các ĐBQH.
Mở đầu phiên chất vấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, có 54 đại biểu Quốc hội đã đăng ký chất vấn Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Sau 1-1-2018, các hành vi nợ BHXH sẽ bị coi như tội phạm
Là người chất vấn đầu tiên, ĐB Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) nêu thực trạng thời gian qua tổ chức công đoàn khởi kiện doanh nghiệp (DN) nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), nhưng tòa án đều trả lại.
Về vấn đề này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện có hơn 100.000 đơn vị đang nợ của 2,6 triệu lao động số tiền 14.700 tỷ đồng. BHXH đã khởi kiện 8.880 vụ, yêu cầu trả 6.000 tỷ đồng. Toà án các cấp xử 3.986 vụ; còn 1.400 đơn trả lại cho các cấp.
Theo quy định, cơ quan BHXH có quyền kiểm tra và xử phạt, sau đó mới đến tòa giải quyết. Chính vì vậy tòa mới có công văn yêu cầu không xử lý nữa, theo đúng tinh thần của Bộ luật Tố tụng hình sự. Công đoàn có quyền khởi kiện, và thực tế thời gian qua công đoàn đã khởi kiện 138 vụ.
“Nhưng có vướng là đại diện công đoàn không được người lao động ủy quyền, nên ra tòa không nắm được tình tiết để bảo vệ. Thứ hai, đây là vụ kiện dân sự, các bên bình đẳng với nhau mà việc dân sự cốt ở đôi bên, nghĩa là thỏa thuận. Nhưng công đoàn không có quyền đại diện để thỏa thuận, dẫn tới vụ án bế tắc. Chính vì vậy kể cả quy định của luật kể cả thực tiễn đều khó” - Chánh án Nguyễn Hoà Bình giải thích.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng đây là thực tế rất nóng, để nợ đọng kéo dài sẽ không đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi nghỉ hưu. Sau 1-1-2018, các hành vi nợ BHXH sẽ bị coi như tội phạm, và khi vụ án xảy ra thì tòa án phải thụ lý.
ĐBQH theo dõi phần trả lời chất vấn của Chánh án Nguyễn Hòa Bình sáng 18-11 |
Luật sư Nguyễn Văn Chiến, ĐBQH TP.Hà Nội chất vấn về việc trả hồ sơ trong hình sự và hủy án trong dân sự, cử tri phản ánh có vụ án bị án đang thụ án nhưng lại bị đưa ra xử, trái nguyên tắc một người không bị xử hai lần trong cùng vụ việc... Thứ hai là đang có bất nhất về nghiệp vụ trong xử lý việc kháng nghị án.
“Có khi người dân một tay cầm bản án của tòa nói xử đúng, tay kia cầm văn bản của VKS nói xử sai” – ĐB Nguyễn Văn Chiến nêu thực tế và đề nghị Chánh án cho biết tại sao tình trạng này kéo dài?
Về việc các vụ án điều tra bổ sung, trả tới trả lui nhiều lần như ĐB Nguyễn Văn Chiến nêu, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thừa nhận là có, thậm chí có vụ trả 7 lần. Trong năm 2017 đã trả điều tra bổ sung hơn 2.000 vụ, đây là điều cần thiết khi thấy có dấu hiệu oan, bỏ lọt tội phạm... đây là chế định luật cho phép. Trong đó có hơn 140 vụ trả điều tra nhiều lần, trong đó có 9 vụ trả 5 lần và 1 vụ trả 7 lần. Nguyên nhân tại sao vụ án kéo dài?
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, là do chất lượng điều tra và truy tố, hồ sơ điều tra nằm ở tòa luôn theo quy định của luật, còn việc kéo dài thì nằm ở giai đoạn trước xét cử. Riêng việc trả lại nhiều lần có nguyên nhân từ điều tra có vấn đề, còn thẩm phán cũng có người thiếu bản lĩnh, nể nang khi tuyên án...
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, trước khi xét xử tòa án chỉ được trả một lần và trong quá trình xử được trả lần nữa. Giải pháp là các cơ quan điều tra truy tố phải nâng cao chất lượng, đối với tòa án thì các thẩm phán tuân thủ quy định, không được trả quá nhiều lần.
Về phát triển án lệ, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết đến nay mới công bố 13 án lệ, còn khoảng chục bản án nữa đang được xin ý kiến Hội đồng thẩm phán quốc gia. 13 bản án đầu tiên chưa được nhiều người áp dụng ngay, nhưng có những bản án đã được áp dụng.
Theo quy định của luật, khi bán bất động sản phải có chữ ký của cả vợ và chồng. Nhưng khi xử 1 vụ, chỉ có chồng ký nhưng vợ cũng biết, ngồi đếm tiền và mang tiền về, nghĩa là có sự thỏa thuận. Thực tế, nhiều địa phương đã áp dụng án lệ này.
"Trong tương lai, án lệ sẽ có tác dụng tháo gỡ khó khăn của thực tiễn. Chúng ta không phải chỉ áp dụng án lệ của Việt Nam mà còn áp dụng án lệ của thế giới", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói và cho hay, từ lâu phiên toà ở Đức tuyên axit là vũ khí, sau này các toà trên thế giới đều mặc định như vậy.
Theo ĐB Lê Ngọc Hải (Quảng Nam), vừa qua dư luận rất bức xúc về vụ án ở Tuần Giáo (Điện Biên) khiến 3 mẹ con chịu oan ức 28 năm với bản án giết chồng, giết cha (kỳ án dưới chân đèo Pha Đin). Hậu quả của vụ án là rất lớn, vậy trách nhiệm của cơ quan cá nhân nào, xử lý ra sao?
Trả lời câu hỏi này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết khi có đại biểu Quốc hội chuyển hồ sơ này ông đã thấy có dấu hiệu bị oan. Thực tế từ 2003 TAND Tối cao đã hủy án nhưng cứ để từ đó đến giờ không có kết luận cuối cùng. Khi có hồ sơ, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã kiểm tra và thấy có sự khác nhau trong biên bản khám nghiệm tử thi.
TAND Tối cao đã cùng tỉnh Điện Biên trong thời gian ngắn khẳng định đây là vụ án oan, đình chỉ vụ án và tiến hành xin lỗi.
“Việc tiếp theo là phải bồi thường cho người bị oan, việc này trước hết là các cơ quan tiến hành tố tụng ở Điện Biên phải xem lại hồ sơ, kiểm điểm xử lý cả ba giai đoạn. Việc thương lượng bồi thường đang diễn ra” – Chánh án cho biết.
Trả lời ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) về việc tòa đã khởi tố bao nhiêu vụ án tại tòa, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói đây quyền luật cho phép, nhưng luật cũng yêu cầu đủ điều kiện mới được khởi tố.
"Kiến nghị khởi tố thì chúng tôi làm thường xuyên, nhưng khởi tố tại tòa mới có 12 vụ. Nếu khởi tố tại tòa thì trách nhiệm của cấp xét xử là phải theo dõi kết quả của quyết định khởi tố này. Chúng tôi cũng nhận được sự hợp tác của Viện kiểm sát, cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, truy tố những vụ án khởi tố tại tòa” – người đứng đầu ngành tòa án cho biết.
Đề cập tới vụ Trịnh Xuân Thanh, Chánh án Nguyễn Hoà Bình nói đầu năm nay tòa đã khởi tố bổ sung bị cáo này trong phiên tòa xét xử phúc thẩm về hành vi tham ô. Cách đây 2 ngày, các cơ quan chức năng đã họp và đang điều tra theo hướng đó; ngoài Trịnh Xuân Thanh thì khởi tố bổ sung 3 bị can khác.
Thực hư chuyện bị cáo Châu Thị Thu Nga khai “chạy tiền” vào Quốc hội
Theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), năm 2017 ngành tòa án đã xét xử nhiều đại án tham nhũng. Bài học kinh nghiệm được rút ra từ các đại án này là gì, nhất là từ vụ Hà Văn Thắm? Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết, tuy chưa tổng kết nhưng dư luận đánh giá đây là vụ án (vụ Hà Văn Thắm – PV) minh bạch, tranh tụng đến cùng, rất nghiêm khắc và có bản án phân hóa tội phạm.
Theo Chánh án, có 4 bài học từ vụ án này. Thứ nhất là xác định chính xác tội danh, tại lần xét xử sơ thẩm thứ nhất đã trả hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra, Viện kiểm sát truy tố tội tham nhũng. Thứ 2 là tranh tụng trong vụ án công khai, không hạn chế. Thứ 3 là có sự phân hóa, nghiêm khắc với người cầm đầu nhưng cũng mở đường cho người làm công ăn lương.
Từ sau 2013, các thẩm phán rất ngại cho án treo đối vụ án kinh tế, tham nhũng, nhưng vụ kinh tế lớn này Hội đồng thẩm phán đã tuyên 34 người được hưởng án treo, đây là những người còn trẻ, làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì và đã khai báo thành khẩn, tự nguyện khắc phục hậu quả. Bản án rất nghiêm khắc với người cầm đầu, nhưng rất nhân văn với những người làm công ăn lương.
Đây là bản án cần thiết để phòng ngừa tội phạm nhưng cũng mở đường cho họ trong thời gian tới. Thứ 4 là Hội đồng xét xử làm trọn chức năng của mình, bản án cũng có nhiều kiến nghị khởi tố vụ án, xử lý cán bộ...
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) chất vấn Chánh án Nguyễn Hòa Bình |
"Chủ tịch Quốc hội đề nghị nói rõ về việc trong vụ án Châu Thị Thu Nga, tòa không cho khai về việc bị cáo chạy tiền vào Quốc hội, còn có thông tin nói lúc đó bị cắt điện 30 giây. Tôi đã cho kiểm tra, báo cáo với Quốc hội là phòng xét xử vẫn diễn ra bình thường, không có sự cố gì", - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Theo Chánh án TAND Tối cao, hồ sơ vụ án có đầy đủ lời khai của Châu Thị Thu Nga, việc chủ tọa phiên tòa không cho khai tiếp vì vụ án đã được tách ra thì theo quy định của luật là được phép. “Trên thực tế chúng ta đã tách án rất nhiều. Nếu trong tình tiết mới xuất hiện mà không có quyết định tách án thì hội đồng xét xử phải làm rõ, nhưng khi đã được tách án thì không cần làm rõ nữa. Đây là thông lệ bình thường, không có gì khác biệt" – Chánh án lý giải.
Về lời khai chạy tiền để vào Quốc hội, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết: "Việc chi tiết như bị cáo Nga khai là chi cho hội đồng bầu cử địa phương để có tên trong danh sách, thứ hai là chi cho báo chí để không đề cập đến chuyện bằng cấp của bà Nga. Cách chi theo lời khai là bà Nga gặp một doanh nhân buôn bán vàng – người cho biết có nhiều quan hệ, đưa tiền cho người này nhiều lần, có lần 100.00 USD, có lần 200.000 USD... sau đó anh này làm gì, gặp ai thì bà Nga không biết, không có bằng chứng. Tuy nhiên khi đối chất thì anh này không thừa nhận. Với tình tiết như vậy thì cơ quan điều tra tách án là cần thiết. Chúng ta sẽ có phiên tòa công khai khác, không có gì là mờ ám".
Theo SGGP