Chiếm lại Kirkuk, Iraq tiếp tục quyết đòi cửa khẩu Faysh Khabur
Ngày 25 tháng 9 năm 2017, một cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập đã được chính quyền Khu tự trị người Kurd Iraq (Kurdistan Regional Government - KRG) tổ chức ở Kurdistan. Theo Ủy ban Bầu cử Độc lập Kurdistan, 92,7% người dân đã bỏ phiếu ủng hộ độc lập.
Chính quyền Baghdad tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý không hợp pháp và đã phong tỏa khu vực tự trị sau cuộc trưng cầu dân ý. Lực lượng Vũ trang Iraq bắt đầu hoạt động quân sự và giành lại quyền kiểm soát các khu vực tranh chấp, mà trọng tâm là tỉnh Kirkuk và các vùng lân cận.
Các bên cố gắng tham gia đối thoại, nhưng một số xung đột nghiêm trọng vẫn chưa được giải quyết, mà đặc biệt là cửa khẩu Faysh Khabur ở vùng Dohuk, trong khu tự trị của người Kurd Iraq (Kurdistan); nằm trên biên giới Iraq và Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, hiện đang do lực lượng vũ trang người Kurd Iraq (Peshmerga) kiểm soát.
Hiện nay, Quân đội, Cảnh sát Liên bang, Cơ quan chống Khủng bố Iraq, cùng với lực lượng chủ công là các nhóm Badr và Asa'ib Ahl al Haq thuộc Đơn vị Bảo vệ Nhân dân Iraq (PMU) - được coi là lực lượng thân Iran - đã được triển khai vây chặt khu vực cửa khẩu này.
Nguyên nhân chính khiến chính quyền Iraq quyết giành lại quyền kiểm soát cửa khẩu Faysh Khabur được cho là vì Baghdad muốn xây dựng một vùng đệm giữa khu vực do lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn tại Syria và khu vực do Chính phủ Kurdistan kiểm soát ở Iraq,
Mục đích chính của Baghdad là cách ly Kurdistan Iraq khỏi các khu vực biên giới với các nước láng giềng, cắt đứt sự chi viện của Đơn vị bảo vệ Nhân dân người Kurd Syria (YPG) và các tay súng của Đảng Công nhân người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ, cho lực lượng vũ trang Kurdistan là Peshmerga.
Giới phân tích cho rằng, theo chiều ngược lại, người Kurd Iraq bắt buộc phải giữ vững được cửa khẩu duy nhất liên kết 3 khu vực kiểm soát của người Kurd ở Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm phục vụ cho âm mưu lập quốc của họ trong tương lai.
Thế nhưng đây có phải là tất cả các lý do để Peshmerga cố sống cố chết phải giữ vững cửa khẩu này hay không?
Lập quốc là vấn đề của tương lai rất xa, thậm chí là vài chục năm nữa; việc giữ Faysh Khabur có thể có hoặc không liên quan gì đến mục đích này, mất nó cũng chưa chắc đã ảnh hưởng đến mục đích này. Thế nhưng, nếu không giữ được Faysh Khabur trong thời điểm hiện nay, rất có thể người Kurd sẽ suy sụp, Kurdistan sẽ “chết”.
Vậy, cửa khẩu Faysh Khabur có liên quan gì đến trận chiến ở tỉnh rốn dầu Kirkuk giữa Quân đội Iraq với Peshmerga?, có liên quan gì đến vai trò của Nga ở Iraq nói chung và Kurdistan nói riêng?
Sau Kirkuk, Quân đội Iraq đang quyết tâm chiếm nốt cửa khẩu Faysh Khabur ở biên giới Syria-Iraq-Thổ Nhĩ Kỳ |
Trong kỳ trước với tiêu đề: “Kurdistan Iraq suy sụp sau ‘cuộc chiến vàng đen’ Kirkuk” chúng ta đã tìm hiểu về việc tại sao giới phân tích lại gọi cuộc chiến ở Kirkuk là “Đại chiến dầu mỏ”, giữa chính quyền trung ương Baghdad và chính quyền khu tự trị người Kurd.
Điều này xuất phát chủ yếu từ việc để mất Kirkuk đã khiến thu nhập từ xuất khẩu dầu của Kurdistan giảm đi hơn 1 nửa (từ 800 triệu USD còn 300 triệu), khiến chính quyền KRG đang không có tiền trả lương công chức, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn.
Giới phân tích cho rằng, KRG có thể giải quyết vấn đề này bằng việc thúc đẩy kinh doanh của các công ty quốc tế trong khu vực (khoảng 50 công ty từ 15 quốc gia trên thế giới) để làm tăng thu nhập và lượng tiền đầu tư chủ động vào khu tự trị, khiến tình hình được cải thiện.
Tuy nhiên, vấn đề này vô cùng phức tạp bởi những khúc mắc trong vấn đề quản lý tuyến đường ống dẫn dầu sang Thổ Nhĩ Kỳ và những hợp đồng mà chính quyền Kurdistan đã ký với các công ty nước ngoài ở Kirkuk, nhưng hiện giờ nó không còn nằm trong tay KRG.
Những khúc mắc về dầu mỏ giữa Baghdad/Anh và Kurdistan/Nga
Bên cạnh các công ty dầu lửa lớn nhất châu Âu và Bắc Mỹ, chính Gazprom và Rosneft của Nga đang làm việc một cách tích cực tại Kurdistan Iraq, với việc ký kết hàng loạt hợp đồng mới nhất trong ngành dầu mỏ và khí đốt với chính quyền KRG.
Cụ thể, hợp đồng này quy định các điều khoản về thương mại dầu mỏ từ năm 2017 đến năm 2019. Ngoài ra, từ tháng 9 năm nay, cả hai bên cũng bắt đầu đàm phán về việc các công ty Nga tham gia tài trợ cho dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt độc lập của Kurdistan.
Một tuần trước khi cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của Kurdistan diễn ra (ngày 25/9), Rosneft tuyên bố rằng, họ đã ký kết thành công các văn bản cần thiết cho thỏa thuận chia sẻ sản phẩm (PSA) với chính quyền KRG tại năm khu vực trong lãnh thổ tự trị.
Baghdad đã chỉ trích gay gắt sự hợp tác của Erbil với các công ty dầu mỏ nước ngoài. Iraq cáo buộc tất cả các giao dịch mà không có sự tham gia của chính quyền trung ương đều là những hợp đồng bất hợp pháp.
Ngày 30 tháng 10, đại diện của Bộ Dầu lửa Iraq là ông Asem Jihad nói với hãng thông tấn RIA rằng, Bộ này đã yêu cầu công ty khí đốt Rosneft của Nga đưa ra lời giải thích về vị trí của họ đối với các giao dịch về năng lượng với KRG, tại các khu vực không thuộc Kurdistan Iraq.
Tuy nhiên, theo quan chức của chính quyền khu tự trị người Kurd Iraq là ông Dilshad Shaaban, “tất cả các giao dịch do chính quyền Kurdistan Iraq ký kết, bao gồm tất cả các hợp đồng của Rosneft, đều tuân thủ Hiến pháp Iraq và luật của Kurdistan Iraq”.
“Sự nhầm lẫn phát sinh từ thực tế là Iraq không có bất kỳ ‘luật dầu khí’ nào sau khi phê duyệt Hiến pháp năm 2005. Trong năm 2007, quốc hội Kurdistan đã ban hành luật số 22 về lĩnh vực dầu khí dựa trên Hiến pháp Iraq và soạn thảo các điều khoản cần thiết để ký kết các thỏa thuận hợp pháp” - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Kurdistan nói.
Ông Dilshad Shaaban - thành viên của phe nghị viện đảng của Đảng Dân chủ Kurdistan (PDK) nhấn mạnh rằng: “Những cáo buộc về tính hợp pháp của thỏa thuận dầu mỏ của KRG với các công ty quốc tế mang động cơ chính trị và không có cơ sở pháp lý”.
Izzat Sabir, người đứng đầu Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Kurdistan và là thành viên của PDK, ước tính rằng, các giao dịch giữa Rosneft và Chính quyền khu vực Kurdistan trị giá 3 tỷ USD. Tuy nhiên, vấn đề này giờ đã trở nên rất phức tạp.
"Các công ty khổng lồ có thể vượt qua những rủi ro này và xâm nhập vào thị trường mà không có sự cạnh tranh. Một số dự án của Rosneft đã được các công ty Hoa Kỳ trình bày trước đây nhưng họ đã do dự và phần này được trao cho công ty Nga. Sự xuất hiện của các công ty Nga đã được chính phủ khu vực chấp nhận. Các công ty Nga có danh tiếng tốt, và có nhiều kinh nghiệm trong ngành dầu khí” - vị chuyên gia này nói.
Sherwani cũng lưu ý rằng, lợi ích của các công ty Nga và các khoản đầu tư đáng kể ở Khu tự trị Iraq có thể là một bảo đảm to lớn về sự hỗ trợ chính trị của chính quyền của ông Putin đối với Erbil, nhằm đảm bảo sự hiện diện chiến lược của Nga trong khu vực.
Với tầm quan trọng về cả chính trị lẫn kinh tế như vậy, dĩ nhiên là Kurdistan sẽ không để mất các hợp đồng dầu khí với Nga. Tuy nhiên, họ sẽ phải làm như thế nào khi Kirkuk hiện nằm trong tay Baghdad?
Mối liên hệ giữa Kirkuk và Faysh Khabur
Ông Sherwani thừa nhận rằng, một số hợp đồng dầu khí của Nga có thể phải được sự chấp thuận của chính phủ trung ương Iraq, bởi ba trong năm kho dầu mà Erbil và Rosneft chuẩn bị cho việc chia sẻ sản phẩm là ở Kirkuk và giờ đây "nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ liên bang".
Sau khi giành lại chủ quyền của tỉnh Kirkuk, Bộ Dầu lửa Iraq cho biết, họ dự định phát triển ngành công nghiệp năng lượng ở Kirkuk cùng với Hãng dầu mỏ và khí đốt British Petroleum của Anh và gạt bỏ vai trò của công ty Nga trong hợp đồng “không hợp pháp”.
Sau khi tuyến ống Kirkuk-Mosul-Syria bị cắt đứt do cuộc nội chiến Syria, chỉ còn tuyến đường ống duy nhất từ Iraq sang Thổ Nhĩ Kỳ ở cửa khẩu Faysh Khabur |
Mặc dù Baghdad đang nắm lợi thế trước KRG, tuy nhiên, Kurdistan cũng nắm giữ những con bài có thể mặc cả với chính quyền trung ương Baghdad. Theo ông Dilshad Shaaban, cả Baghdad và tập đoàn dầu khí Anh sẽ buộc phải hợp tác với Rosneft và chính quyền khu tự trị người Kurd.
Theo Shaaban, "việc sử dụng đường ống cũ của chính quyền Iraq (xây dựng vào những năm 1980) từ Kirkuk qua khu vực tỉnh biên giới Mosul, tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là không thể", vì đường ống này đã bị các phần tử khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) phá hủy.
"Chính phủ Iraq và BP sẽ không thể bắt đầu làm việc và chuyển dầu Kirkuk sang Thổ Nhĩ Kỳ mà không hợp tác với Rosneft và Chính quyền Kurdistan, bởi Rosneft sở hữu 60% cổ phần đường ống dẫn khí đốt của Iraq ở Kurdistan. Do đó, BP phải hợp tác sản xuất với Rosneft để chuyển dầu sang Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ" - Shaaban nói.
Do chỉ còn một tuyến đường ống độc đạo để sang Thổ Nhĩ Kỳ nên chính quyền Kurdistan đã quyết không giao khu vực cửa khẩu biên giới Faysh Khabur thuộc thành phố Zakho, tỉnh Dohuk; còn chính phủ Iraq thì cương quyết không để cho người Kurd bóp nghẹt yết hầu xuất khẩu dầu của mình.
Đây mới là nguyên nhân chính khiến cả 2 bên đều tập trung binh lực lớn để một bên quyết chiếm lại, còn phía bên kia thì sống chết cố thủ ở khu vực cửa khẩu Faysh Khabur, chứ không phải là vấn đề “mối liên hệ giữa người Kurd Syria-Iraq-Thổ Nhĩ Kỳ” và vấn đề lập quốc của họ.
Tuy nhiên, chắc chắn là hai bên sẽ không xảy ra chiến tranh ở khu vực này vì có bàn tay can thiệp của Mỹ, buộc 2 đồng minh phải kiềm chế những cái đầu nóng và ngồi vào bàn đàm phán.
Trong thế yếu, KRG sẽ phải xuống thang chấp nhận rời khỏi khu vực cửa khẩu, giao quyền kiểm soát tuyến đường ống dẫn dầu cho chính quyền trung ương, nhưng có lẽ sẽ vẫn được bảo lưu quyền xuất khẩu dầu, khai thác trong khu tự trị của mình như trước đây.
Có thể nói rằng, cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập ngày 25/9 vừa qua là một sai lầm của chính quyền Kurdistan, tạo cơ hội trời cho để chính quyền Iraq giành lại các mỏ dầu lớn nhất ở tỉnh Kirkuk và nắm trọn quyền kiểm soát việc xuất khẩu dầu của cả đất nước.
Với việc nắm được cả mỏ dầu lẫn tuyến đường xuất khẩu, Baghdad sẽ buộc người Kurd và các công ty năng lượng nước ngoài nằm trong vòng kiểm soát của mình và tiếp tục chính sách trước đây là “lại quả” một phần ngân sách cho Kurdistan.
Và dĩ nhiên là tất cả mọi việc lại diễn ra giống như tình cảnh trước khi cuộc chiến chống khủng bố IS nổ ra ở Iraq, người Kurd sẽ trở về đúng với địa vị vốn có của họ - một tộc người sống tập trung trong khu vực giành riêng cho họ, có quyền điều hành nhưng đừng mơ đến quyền tự quyết.
Theo Đất Việt