|
Cư dân cụm chung cư 165 Thái Hà hiện vẫn đang "tố khổ" do cung cách quản lý của Sông Hồng Land |
Dựng "sân sau" đón chính sách
Theo các giấy tờ, hồ sơ lưu lại mà Dân trí tiếp cận được, xuất phát điểm của Trịnh Xuân Thanh (nghi phạm hiện đang bị cơ quan chức năng tạm giam đề điều tra trong vụ án liên quan đến những sai phạm tại PVC) là chức vụ Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Tổng công ty Sông Hồng rồi sau đó làm Tổng giám đốc Tổng công ty (Tcty) này.
Ngay từ tháng 5/2007, sau khi đã làm Tổng giám đốc Tcty Sông Hồng, Trịnh Xuân Thanh đã đổi tên Chi nhánh trên thành Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Sông Hồng (Sông Hồng Land) và bổ nhiệm ông Trần Huyền Linh làm Tổng giám đốc công ty này.
Một trong những dấu hiệu bất minh nhất về lý do Trịnh Xuân Thanh lập Công ty này là tháng 1/2008, UBND Thành phố Hà Nội ra quyết định 108/QĐ-UBND về việc giao cho Tcty Sông Hồng làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở cao tầng I1, I2, I3 và Văn phòng cho thuê Thành Công 2 (sau này gọi là dự án Cụm chung cư 165 A, 165 B Thái Hà). Nhưng trước đó 3 tháng, Trịnh Xuân Thanh đã ký sẵn một hợp đồng hợp tác kinh doanh (số 1399/2007/HĐKT) với Công ty CP Đầu tư địa ốc Sông Hồng để thực hiện dự án.
Như vậy, hoàn toàn có cơ sở đặt vấn đề, Trịnh Xuân Thanh đã lập ra một doanh nghiệp để nhằm "đón" làm dự án nói trên dù quyết định của UBND Hà Nội chưa ban hành.
Và kết quả đã cho thấy sự tính toán có chủ đích trên: Các tài liệu, báo cáo của Tcty Sông Hồng sau đó cho thấy: Cuối năm 2012, dự án trên đã hoàn thành, các căn hộ được bán hết thì trong tổng số lợi nhuận thu được, Tcty Sông Hồng chỉ được hưởng 103 tỷ đồng. Trong khi đó, Sông Hồng Land lại được chia tới trên 380 tỷ đồng. Như vậy, một phần lớn của lợi nhuận thu được, lẽ ra thuộc về Tcty Sông Hồng, đã được nhóm của Trịnh Xuân Thanh chuyển qua cho doanh nghiệp "sân sau".
Tiếp tục "tác quái"
Ai am hiểu về đầu tư, xây dựng đô thị Hà Nội đều biết rằng, ở thời điểm năm 2007, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương cho cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp bằng Nghị quyết 34/2007/NQ-CP (ban hành ngày 3/7/2007). Sau đó, tháng 1/2008, UBND thành phố Hà Nội đã ký quyết định 108/QĐ-UBND duy nhất giao cho Tcty Sông Hồng làm chủ đầu tư dự án Cụm chung cư 165A, 165 B Thái Hà.
Tuy nhiên, trái với các quy định tại các văn bản trên, Trịnh Xuân Thanh lại vận động, lấy được một số văn bản tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng), Sở Xây dựng Hà Nội cho Sông Hồng Land làm "đồng chủ đầu tư" dự án với Tcty Sông Hồng.
Việc này trái với Nghị quyết 34 của Chính phủ ở chỗ Nghị quyết này chỉ rõ UBND Thành phố Hà Nội là cơ quan chọn chủ đầu tư và nếu có 2 nhà đầu tư trở lên thì phải đấu thầu để chọn ra một chủ đầu tư. Nhưng cho đến thời điểm tháng 1/2008, Sông Hồng Land mới thành lập thì không thể có "Báo cáo tài chính được kiểm toán 2 năm gần nhất" để được xem xét, chỉ định nhà đầu tư theo quy định của UBND Thành phố Hà Nội được.
Chính bằng các việc làm trái như trên, nhóm Trịnh Xuân Thanh ở thời điểm đó đã đẩy mạnh vai trò của Sông Hồng Land- một doanh nghiệp mà Tcty Sông Hồng chỉ góp rất ít cổ phần, còn lại là của tư nhân để lũng đoạn, thực hiện dự án và từ đó chiếm quyền điều hành, sở hữu nhiều công trình, tiện ích, tài sản của Cụm chung cư 165 A, 165 B Thái Hà như 3 tầng hầm (rộng trên 10 ngàn m2), 1700m 2 đất sân vườn của dự án này...
Dân trí sẽ tiếp tục làm rõ hơn những dấu hiệu thao túng, lũng đoạn của Công ty Cổ phần địa ốc Sông Hồng (Sông Hồng Land) tại dự án này; tình trạng thua lỗ trầm trọng của Tcty Sông Hồng trong bài báo tiếp theo.
Theo Dân Trí