Đức tái chế 90% xà bần thay thế cát xây dựng

Thứ hai, 04/09/2017, 14:32
Sau khi đăng tải thông tin về những nỗ lực tìm kiếm nguồn vật liệu thay thế cát xây dựng, nghiên cứu sinh Võ Xuân Tiến hiện đang làm việc tại Đức đã chia sẻ một kinh nghiệm tại quốc gia này.

Quy trình tái chế xà bần thay thế cát tự nhiên dùng trong xây dựng tại Đức

Tình trạng khan hiếm vật liệu tự nhiên như cát được dùng trong xây dựng không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà xảy ra ở hầu hết các nước trên thế giới.

Tái chết gần 90% lượng xà bần

Ở Đức, người ta đã tái chế gần như 90% lượng xà bần từ các công trình xây dựng cũ. Và từ năm 2010, Đức cũng đã công bố bộ tiêu chuẩn dùng để áp dụng cho việc sản xuất, kiểm tra chất lượng đối với bê tông có sử dụng vật liệu tái chế từ xà bần.

Theo trang rc-beton.de, bê tông là hỗn hợp của cát tự nhiên, xi măng với vai trò là chất kết dính và nước.

Đối với bê tông tái chế thì thành phần vẫn như vậy nhưng cát tự nhiên sẽ được dùng ít hơn và thay vào đó là vụn bê tông được nghiền ra từ bê tông và xà bần từ các công trình xây dựng cũ.

Ở Đức, người ta đã tái chế tới gần 90% lượng xà bần từ các công trình xây dựng và cũng đã công bố hệ thống tiêu chuẩn dành riêng cho 2 loại: bê tông với 100% cát tự nhiên là DIN EN 206-1 và bê tông sử dụng vật liệu tái chế là DIN EN 1045-2.

Đối với bê tông và xà bần từ các công trình xây dựng cũ, trước hết sẽ được nghiền vụn ra và được sàng lọc, phân loại dựa vào kích thước của chúng. Vụn bê tông sẽ được tái sử dụng vào việc sản xuất bê tông tươi.

Tuy nhiên, thành phần của vụn bê tông, ngoài cát tự nhiên, còn có xi măng nên cơ tính của chúng như độ bền… đều có khác biệt so với cát tự nhiên. Do vậy, việc tính toán thành phần phối trộn cũng như kiểm định đều phải tuân thủ quy định.

Vụn bê tông là vật liệu thay thế có giá trị cho cát xây dựng

Chất lượng của vụn bê tông ảnh hưởng lớn đến chất lượng bê tông có sử dụng cát tái chế từ bê tông cũ. Điều quan trọng nhất chính là độ sạch của vụn bê tông (không lẫn gỗ, tạp chất cũng như độ to, nhỏ của các vụn bê tông này.

Nhà sản xuất bê tông ở Đức phải tuân theo tiêu chuẩn DIN EN 12620 khi sản xuất bê tông có sử dụng vật liệu tái chế cũng như chịu sự giám sát của các cơ quan đảm bảo chất lượng độc lập, cũng có tiêu chuẩn được đặt ra (DIN 4226-100).

Đối với bê tông sử dụng trong xây dựng, thành phần vật liệu tái chế được phép sử dụng từ 35% lên đến 45%.

Ngoài ra, vụn bê tông còn được sử dụng thay vật liệu tự nhiên trong xây dụng đường sá.

VÕ XUÂN TIẾN (nghiên cứu sinh, CHLB Đức)

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích