Tại họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã dành thời gian để giải trình về các đề án tăng thuế Bộ này mới đề xuất. Bà Mai cho hay bà hoàn toàn ủng hộ một số ý kiến của báo chí có nêu rằng vấn đề điều chỉnh thuế phải đi kèm với chi tiêu tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí.
Theo đó, để thực hiện tái cơ cấu ngân sách, xây dựng nền tài chính an toàn, Chính phủ đã chỉ đạo cơ cấu lại các khoản chi một cách quyết liệt. Ngoài ra cần tái cơ cấu các khoản đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Mục tiêu cơ cấu lại ngân sách theo hướng đảm bảo tài chính quốc gia, ổn định kinh tế vĩ môn. Giải pháp là cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng thu nội địa. Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chuẩn bị dự án luật để trình Quốc hội.
“Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng đề án cải cách quản lý về cơ chế tài chính, quản lý bộ máy để trình Hội nghị Trung ương 6 sắp tới. Đề án có vai trò quan trọng trong việc tinh giảm bộ máy, cắt giảm ngân sách. Ngoài ra công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được tăng cường để nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách”, bà Mai nhấn mạnh.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai. Ảnh: Hiếu Công. |
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, Chính phủ cũng sẽ xây dựng Luật Quản lý nợ công sửa đổi, ngoài ra là đẩy mạnh thoái vốn DNNN….
Về việc dư luận cho rằng tăng thuế VAT sẽ làm người nghèo chịu ảnh hưởng nhiều hơn là người giàu, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định không nhiều. Theo đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính thông tin có 25 nhóm hàng không chịu thuế VAT vào thời điểm hiện tại, ngoài ra còn có 15 nhóm hàng hóa ưu đã mức thuế VAT 5%.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, kết quả khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê cho hay người thu nhập thấp, trung bình chi 59% thu nhập để mua lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục. Trong khi đó, người giàu chi 39%. Hiện nay, y tế, giáo dục và lương thực, thực phẩm trực tiếp sản xuất bán ra không chịu thuế.
“Chỉ có người kinh doanh thương mại lương thực thực phẩm trong khâu bán ra mới có thuế suất thấp 5%. Các lĩnh vực đầu vào cho nông nghiệp cũng thấp, chỉ khoảng 5%”, bà Mai thông tin.
Thuế VAT của một số nước trên thế giới. Ảnh: Hiếu Công. |
Cũng theo bà Mai, hiện nay, thuế suất phổ thông đang ở mức 10%, đề xuất tăng lên 12% chỉ áp dụng cho nhóm còn lại ngoài lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục. Do đó bà Mai khẳng định tăng thuế VAT tác động đến người nghèo không nhiều.
“Đối với người nghèo và người thu nhập thấp, Nhà nước sẽ có chính sách như hỗ trợ an sinh xã hội, y tế, xây dựng nhà cửa, hỗ trợ hộ người sống đơn thân… Bên cạnh đó nhiều chính sách an sinh hỗ trợ”, bà Mai nói về việc hỗ trợ người có thu nhập thấp.
Về việc đề xuất VAT có tác động đến lạm phát hay không, bà Mai cho biết đã tham vấn Ngân hàng Thế giới (WB), theo đó, kinh nghiệm quốc tế là không ảnh hưởng nhiều.
Trước đó, theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế giá trị gia tăng, thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Thu nhập cá nhân và thuế Tài nguyên, Bộ Tài chính đề nghị nâng mức thuế suất thuế VAT theo hai phương án.
Phương án 1 là tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019. Phương án 2 là tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021. Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1.
Theo Zing