|
Tàu vỏ thép hoen gỉ. |
Thời gian qua, hàng loạt tàu vỏ thép vừa đóng mới đã hư hỏng phải nằm bờ sửa chữa, ngư dân thiệt hại nặng nề đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan chính sách đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ. Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch T.Ư hội Nông dân Việt Nam cho biết, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định 67 có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 con tàu, trong đó đã đóng mới 1.510 con tàu. Tổng số tiền cam kết cho vay đóng mới tàu cá là 9.931 tỷ đồng và đã giải ngân cho vay được 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng.
Theo ông Môn, hơn 40 con tàu vỏ thép bị hỏng máy, gỉ sét, nằm bờ đã ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đời sống của ngư dân. Qua khảo sát, ngư dân cho biết vẫn muốn đóng tàu vỏ gỗ thay vì tàu vỏ thép. Bởi tàu vỏ gỗ hư hỏng khắc phục dễ, trong khi tàu vỏ thép bảo dưỡng, sửa chữa hết sức tốn kém. Ngoài ra, hiện nay quá trình đóng tàu vỏ thép hầu hết ngư dân đang là ‘‘chủ hờ” vì từ khi thiết kế, thi công đến nghiệm thu ngư dân không được tham gia hoặc tham gia chỉ ở mức độ do nhiều hạn chế, trong đó có trình độ chuyên môn chưa cao. Nếu ngư dân tham gia các khâu, sẽ không xảy ra những sự cố như thời gian qua.
Ngư dân Đinh Công Khánh, chủ tàu BĐ 99086 (trú tại Bình Định) bức xúc, ông được vay 18,7 tỷ đồng và đóng tàu tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu. Ông ra Hải Phòng tới 8 lần, nhưng tới lần thứ 8 (8/2016) mới biết Cty này làm ăn gian dối. Sau khi tàu được khắc phục những hư hỏng ở hầm chứa đá, ngày 16/3 vừa qua, ông tiếp tục đưa tàu ra khơi. Tuy nhiên, khi mới chạy 10 hải lý thì máy bị hỏng buộc phải chạy vào bờ. Tàu nằm bờ từ đó đến nay, riêng số nợ quá hạn đã hơn 1 tỷ đồng, gia đình lâm cảnh khốn khó.
“Các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, xử lý mạnh tay hành vi gian dối với ngư dân. Chúng tôi kiến nghị xử lý thật nghiêm những hành vi gian dối này”, ông Khánh bức xúc.
Cùng cảnh ngộ, ngư dân Lê Văn Thải (Bình Định) cho biết, bản vẽ thiết kế, ngư dân thống nhất chọn 21 mẫu của Bộ NN&PTNT nhưng thực tế Công ty Nam Triệu lại nói bản thiết kế của Cty Bình Minh để lấy hơn 320 triệu đồng. Việc bồi thường Công ty yêu cầu ngư dân phải có hóa đơn chứng từ, tuy nhiên ngư dân làm gì có hóa đơn.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho rằng, Nghị định 67 cần đưa một số quy định luật ứng dụng khoa học công nghệ cao và luật biển vào để đảm bảo tăng cường tính pháp lý. Ông Thế cũng đề nghị đưa thêm việc hỗ trợ chi phí giám sát đóng tàu để chủ tàu thuê tư vấn; quy định cơ chế xử lý đối với các trường hợp bất khả kháng.
Ông Nguyễn Công Bình, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT Bình Định) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần gia hạn thời gian trả nợ gốc và lãi vay cho chủ tàu vỏ thép hư hỏng, vì ngư dân đang gặp khó khăn.
Chủ tịch Ban chấp hành T.Ư hội Nông dân cho biết, sẽ có báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ để nghị định sửa đổi sắp tới đi vào cuộc sống, giúp ngư dân không chỉ đánh bắt, phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo nước ta. Trung ương hội đã chỉ đạo Hội nông dân các tỉnh nắm lại toàn bộ số tàu đóng theo Nghị định 67, kịp thời cập nhật tình hình. Hội cũng đang đề xuất với các ngân hàng giãn, hoãn nợ cho các ngư dân có tàu gặp sự cố.
Trao đổi với [V về trách nhiệm của các cơ quan liên quan các tàu vỏ thép hư hỏng nằm bờ, ông Môn cho biết, cơ quan chức năng đang làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, doanh nghiệp và cả các chủ thể người dân đến đâu. “Các hư hỏng tàu vỏ thép thời gian qua đương nhiên phải quy trách nhiệm đến cùng”, ông Môn cho biết.
Trao đổi với PV về trách nhiệm của các cơ quan liên quan các tàu vỏ thép hư hỏng nằm bờ, ông Môn cho biết, cơ quan chức năng đang làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, doanh nghiệp và cả các chủ thể người dân đến đâu. |
Theo Tiền Phong