|
OPPO Việt Nam một lần nữa cho thấy họ nghiêm túc trong việc cam kết đầu tư lâu dài ở thị trường Việt Nam. Hồi giữa tháng 8 vừa qua, OPPO Việt Nam đã khai trương brand shop cao cấp tại trung tâm thương mại Crescent Mall với tổng diện tích khoảng 150 m2. Đây là địa điểm OPPO bắt đầu hành trình giới thiệu một định nghĩa mới về “cao cấp”, bắt nguồn từ những dịch vụ và trải nghiệm cho người dùng smartphone tại Việt Nam.
Khi thị trường có quá nhiều sự cao cấp
Thị trường smartphone Việt Nam sôi động từng đem đến vinh quang cho nhiều hãng điện thoại đồng thời cũng là chiến trường chứng kiến nhiều “tượng đài” gục ngã. Gần đây, sự trở lại của BPhone khiến phân khúc cận cao cấp dậy sóng. Ở phân khúc trung bình thấp, sự xuất hiện của thương hiệu Việt Nam khác là Asanzo cũng gây ồn ào. Đặc biệt, khoảng 1 năm nay chứng kiến Samsung đẩy mạnh tiếp thị ở tất cả các phân khúc từ tầm trung đến cao cấp.
Với việc mở chuỗi brand shop, OPPO Việt Nam cho thấy họ có một hướng đi hoàn toàn khác với các đối thủ trên thị trường.
|
Không gian brand shop cao cấp của OPPO |
Định nghĩa mới về sự cao cấp
“OPPO đã chuẩn bị cho việc kiến tạo một định nghĩa cao cấp hoàn toàn khác cho người dùng smartphone Việt Nam. Định nghĩa sự cao cấp hiện nay không chỉ đến từ các thiết bị đắt tiền mà nó còn bao hàm các hệ sinh thái cao cấp từ không gian hiện đại đến dịch vụ chăm sóc khách hàng thân thiện” là chia sẻ của ông Đặng Quốc Cường, Giám đốc Marketing OPPO Việt Nam.
Theo dự kiến, OPPO sẽ mở khoảng 108 brand shop trên toàn quốc trước khi năm 2017 kết thúc. OPPO brand shop sẽ có nhiều mô hình và mô hình nào cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng sẽ được giữ lại và tiếp tục nhân rộng. Ông Cường cũng chia sẻ, brand shop tại các trung tâm thương mại sẽ là mô hình tiêu chuẩn và đem đến trải nghiệm cao cấp cho người dùng. Đồng thời, OPPO cũng nhận được sự ủng hộ đến từ đối tác là các hệ thống bán lẻ hàng đầu hiện nay trong việc hoàn thành chuỗi brand shop cao cấp.
Tại brand shop ở Crescent Mall, OPPO cung cấp các dịch vụ tiện ích miễn phí như in ảnh từ điện thoại thông minh, sạc pin, truy cập wifi, nghỉ ngơi, tư vấn sản phẩm, mua phụ kiện … Hằng tháng, công ty còn có những hoạt động đặc biệt như vệ sinh máy, dán màn hình, cài đặt cho tất cả người dùng smartphone dù là sử dụng thiết bị nào. Đặc biệt là khách có thể tận tay trải nghiệm những sản phẩm của OPPO từ những dòng đang kinh doanh đến những phiên bản đặc biệt, số lượng giới hạn.
|
Trải nghiệm các smartphone phiên bản Barcelona tại OPPO brand shop |
Trên thực tế, trong 4 năm hoạt động tại Việt nam, đơn vị này luôn đi theo hướng của riêng mình. Bên cạnh việc kinh doanh, OPPO cũng đã phát triển hệ thống chăm sóc khách hàng lên đến 46 trung tâm trên toàn quốc.
Nước cờ độc nhưng sâu sắc
OPPO hiện nay đang muốn mở rộng phân khúc cao cấp, với các sản phẩm trên 10 triệu đồng trong thời gian tới. Vì thế, việc mở hàng loạt các brand shop là mở đường cho sự đổ bộ của các sản phẩm cao cấp sắp tới. Vẫn biết vậy nhưng brand shop của OPPO Việt Nam có phần mạo hiểm.
Thứ nhất, mô hình brand shop rất khó tồn tại ở Việt Nam. Trước OPPO nhiều hãng điện thoại khác cũng áp dụng chiến dịch này như Sony, HTC, Huawei… nhưng phần lớn đều “bỏ cuộc” hoặc thu nhỏ phạm vi hoạt động vì không cân đối được bài toán thu chi. Thứ hai, việc mở các chi nhánh như vậy có thể làm “phật lòng” các đối tác bán lẻ.
Thực tế không chỉ ở Việt Nam, hình thức brand shop tại các nước khác ở Đông Nam Á hay Ấn Độ (ước tính có thể lên đến vài ngàn cửa hàng ở các quốc gia này) cũng gặp khác nhiều khó khăn để duy trì.
“Thị trường Trung Quốc đã chậm lại, cách duy nhất để tăng trưởng là xây dựng ở Đông Nam Á và Ấn Độ. Các cửa hàng như vậy giúp nâng cao nhận thức của khách hàng về thương hiệu OPPO”, ông Ryan Reith, nhà phân tích của IDC nói.
Vì thế, brand shop của OPPO chủ yếu là phục vụ mục đích tiếp thị chứ không chú trọng bán hàng. Ông Reith của IDC cho rằng đây không phải là nơi bán hàng số lượng lớn mà OPPO kỳ vọng. Điều này hoàn toàn hợp lý: với hơn 100 cửa hàng ở Việt Nam, thậm chí nếu có tăng gấp đôi thì OPPO Brand chỉ chiếm hơn 10% tổng số cửa hàng Thế Giới Di Động và FPT cộng lại, rất khó để kỳ vọng vào doanh số từ nhóm này.
|
Khách hàng chọn mua smartphone OPPO tại cửa hàng TGDĐ |
Tuy nhiên, đây vẫn là một nước cờ độc của OPPO. Ở thị trường Việt Nam, việc đầu tư vào hệ thống OPPO brand shop như vậy tác động rất lớn vào nhận thức của người tiêu dùng rằng: muốn kinh doanh các thiết bị cao cấp ở Việt Nam, các hãng phải cho họ cảm nhận được sự cao cấp từ cả dịch vụ chứ không đơn thuần là các mẫu điện thoại có cấu hình khủng. Hay nói cách khác, các đối thủ khác muốn tấn công vào phân khúc cao cấp phải biết chiều lòng người tiêu dùng như OPPO đang làm.
Tuy nhiên, theo ông Cường khẳng định, mục đích chính của OPPO là tạo sự tăng trưởng bền vững cho toàn thị trường. “Khi người sử dụng được hưởng nhiều tiện ích cao cấp hơn sẽ là tiền đề dẫn đến nhiều sản phẩm cao cấp được tiêu thụ hơn.”, ông Cường nói.
|
Ông Đặng Quốc Cường tại buổi khai trương OPPO brand shop |
Còn quá sớm để xác định tính khả thi của chuỗi brand shop này nhưng có thể chắc chắn một điều rằng OPPO là số ít các doanh nghiệp kinh doanh smartphone trên thị trường thực hiện lời hứa cam kết phát triển lâu dài và đầu tư bài bản vào thị trường Việt Nam.
Theo NCĐT