Khoảng 1 tháng nay, khi con nước từ thượng nguồn sông Mê Kông bắt đầu đổ về, người dân vùng giáp ranh Campuchia thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An... lại sắm ghe, lưới để vào mùa đánh bắt cá linh.
Mới 4 giờ nhưng các chợ cá vùng biên ở An Giang như chợ Tha La và đập Tha La, chợ Cây Mít (xã Nhơn Hưng, H.Tịnh Biên) đã nhộn nhịp. Ngư dân Nguyễn Văn No (66 tuổi, ngụ xã Nhơn Hưng, H.Tịnh Biên) vừa bán mẻ cá khoảng 30kg các loại hơn 400.000 đồng. Ông No sống với nghề cá đã hơn 50 năm.
Sau mấy mùa tôm cá thất bát do mực nước thấp, năm nay nước dâng cao, tràn vào cánh đồng ở Bảy Núi nên cá đồng vào sinh sôi khá nhiều, nhờ vậy dân câu lưới như ông có thêm tiền. Để bắt được nhiều cá, ngư dân phải ra đồng kéo cá từ 12 giờ đêm, tới 3 giờ sáng hôm sau cuốn lưới, chở cá ra chợ bán.
Hiện giá cá tại các chợ vùng biên cũng khá cao: rô phi 10.000 đồng/kg, rô đồng non 25.000 đồng/kg, cá lóc đồng từ 50.000 - 80.000 đồng/kg...
Mặc dù mùa này có rất nhiều loài cá kéo về theo con nước, nhưng nhiều ngư dân trong vùng vẫn thích đánh bắt cá linh hơn. Ở chợ cá Cây Mít nằm bên bờ kinh Vĩnh Tế, một trong những chợ mua bán cá linh lớn nhất nhì An Giang, hoạt động từ 3 giờ đến 13 giờ, mỗi ngày có hàng chục xuồng vào bến cân cá. Tại bến, có 4 vựa cá lớn và hàng chục lái cá từ các nơi đến cân cá chở đi bán.
Ngư dân tên Hải cho biết khoảng 1 giờ đêm, anh và các ngư dân thả lưới trên các cánh đồng ở kinh Vĩnh Tế, đến 8 giờ thì cuốn lưới về. Mấy ngày nay cá về nhiều nên một đêm thả lưới bắt được từ 15 - 40kg cá linh, đêm nào trúng luồng cá kiếm gần 1 triệu đồng.
Một ngư dân đưa cá đến chợ Tha La bán
Ngâm mình kéo lưới cá linh
Mùa này, lượng nước lớn ồ ạt từ biên giới Campuchia qua sông Vàm Cỏ Tây rồi phân nhánh về vùng Đồng Tháp Mười (thuộc H.Tân Hưng, Long An) ngày càng nhiều, những cánh đồng ở đây nước ngập trắng xóa, tôm cá cũng theo dòng phù sa kéo về đây sinh sôi, trú ngụ.
Sau khi gặt xong vụ lúa hè thu, nhiều hộ dân sinh sống dọc kênh cũng đang tất bật chuẩn bị ghe lưới để vào mùa đánh bắt cá mùa nước nổi.
Anh Dương Văn Hậu, một thành viên trong nhóm đi đánh bắt cá linh trong lúc nông nhàn, cho biết việc kéo lưới bắt đầu từ sáng sớm và kéo dài đến tận buổi chiều. Dụng cụ hành nghề này chỉ là tấm lưới dài cùng chiếc ghe nhỏ. Người kéo lưới phải ngâm mình, lội trong làn nước suốt buổi. Để kéo có cá, hai người kéo chính đảm trách cầm đầu lưới, di chuyển cùng chiều cách xa nhau. Lưới kéo được trải rộng khắp mặt ruộng thành hình vòng cung dài hàng chục mét.
Ít phút sau, hai người cầm đầu lưới gặp nhau tạo thành vòng tròn khép kín và để tránh cá lọt ra bên ngoài. Kế đến ba người bước lên ghe từ từ kéo lưới. Khi lưới đã thu gọn, cá dần hiện ra trên lưới, nhiều đến nỗi không còn chỗ bơi nên thi nhau búng vèo vèo lên mặt nước. Một lần kéo cá linh, rô phi... khoảng 10kg.
Tuy cực khổ, nhưng nguồn thu nhập đem lại chính là động lực để những người nông dân chịu khó đánh bắt cá linh. Như vợ chồng bà Ngọc chia sẻ nghề đánh bắt cá linh rất cực nhọc và nguy hiểm vì xuồng nhỏ ra đồng gặp sóng gió dễ bị lật lắm. Bù lại, mỗi đêm tệ lắm cũng kiếm được mấy trăm ngàn đồng. “Mùa lũ này nhiều ngư dân có thể kiếm vài chục triệu đồng từ cá linh, nhờ đó có tiền trang trải cuộc sống. Vì thế, với nhiều người dân nghèo, mùa cá linh đã trở thành nguồn sống của cả gia đình”, bà Ngọc nói.