Thỏa thuận xây đập thủy điện trị giá 14 tỷ USD của Pakistan và Trung Quốc đã bị hủy bỏ bởi Pakistan không thể chấp nhận những điều kiện khắc nghiệt của Bắc Kinh.
Express Tribune (Pakistan) dẫn lời Chủ tịch Cơ quan Phát triển Điện Nước Pakistan Muzammil Hussain ngày 16/11 cho biết lý do khiến Pakistan loại bỏ dự án đập Diamer-Bhasha khỏi Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) là bởi những điều kiện khắc nghiệt của Trung Quốc trong quá trình rót vốn vào dự án.
Dự án đập Diamer-Bhasha giữa Trung Quốc và Pakistan bị hủy bỏ |
Ông Hussain cho rằng, những điều kiện này “không khả thi và đi ngược lại với lợi ích của Pakistan”.
Các điều kiện chặt chẽ do Trung Quốc đưa ra bao gồm việc Bắc Kinh đòi quyền sở hữu dự án đập, kiêm luôn cả chi phí vận hành và bảo trì, cùng với đó là yêu cầu cho Trung Quốc xây tiếp một đập khác ở Pakistan.
Dù hủy thỏa thuận này, Pakistan vẫn khẳng định sẽ suy trì dự án bằng cách tự rót vốn.
Sau khi hoàn thiện, dự án thủy điện Diamer-Bhasha sẽ cung cấp 4.500 MW điện cho Pakistan.
Đây là một bước lùi nữa cho tham vọng của Trung Quốc ở nước ngoài.
Bởi Nepal cũng mới hủy dự án xây dựng thủy điện với Tập đoàn Trung Quốc trị giá 2,5 tỷ USD của Tập đoàn China Gezhouba.
Phó Thủ tướng Nepal Kamal Thapa nói: “Trong cuộc họp của ủy ban các bộ trưởng hôm nay (13/11), giới chức xác định thỏa thuận với Tập đoàn Gezhouba về dự án thủy điện Budhi Gandaki được lập ra không đúng quy định và thiếu thận trọng. Thỏa thuận bị bác bỏ theo chỉ đạo của quốc hội”.
Hồi tháng 6, hai bên ký biên bản ghi nhớ về việc xây dựng nhà máy thủy điện 1.200 MW, cách Thủ đô Kathmandu của Nepal khoảng 80 km. Thỏa thuận được ký chưa đầy một tháng sau khi Nepal chính thức đồng ý tham gia “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.
Hành lang kinh tế CPEC, một mắt xích quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.
Việc lần lượt các dự án thủy điện nước láng giềng với Trung Quốc bị hủy bỏ đặt ra một dấu hỏi về tính hiệu quả trong việc hợp tác sử dụng nguồn nước với quốc gia này.
Hợp tác nguồn nước với Trung Quốc gây lo ngại cho nước láng giềng. |
Mặc dù các nước Nam Á như Pakistan và Nepal vẫn cần và hoan nghênh các khoản đầu tư từ Trung Quốc để cải thiện cơ sở hạ tầng của các nước này, song giới phân tích cảnh báo những vụ hủy thỏa thuận gần đây là lời cảnh tỉnh với Trung Quốc về việc nước này nên cẩn trọng hơn khi thực hiện các dự án nhạy cảm như thủy điện ở nước ngoài.
Theo giới chuyên gia, các yếu tố như tác động môi trường, việc tái định cư cho người dân, hay các mâu thuẫn về lợi ích giữa khu vực thượng lưu và hạ lưu, đặc biệt ở những dòng sông chảy qua lãnh thổ nhiều nước, có thể ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của một dự án thủy điện.
Theo Đất việt