Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, năm 2018, thành phố chọn chủ đề năm Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Theo ông Hải, đây là nội dung thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hà Nội cũng đang thực hiện quyết liệt Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản bộ máy.
“Nhiều người nói Hà Nội thực hiện thành công Nghị quyết 39 nhưng đó mới chỉ sắp xếp tổ chức, còn vấn đề hoạt động hiệu quả ra sao? Ví dụ 5 ban quản lý dự án, sắp xếp như thế đã đúng chưa, còn bao nhiêu người? Phải thực sự đưa các tổ chức sau sắp xếp hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Như sắp xếp các tổ chức cấp huyện cũng nhiều vấn đề, phải đánh giá xem làm đã ổn chưa? Hay lực lượng thanh tra xây dựng cũng phải đánh giá lại...” – Bí thư Thành uỷ Hà Nội đặt hàng loạt câu hỏi.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải . |
Trước đó, báo cáo khảo sát về tổng biên chế quá trình sắp xếp 26 Ban Quản lý dự án của TP thành 5 “siêu ban”, đã giảm được 73 phòng, 177 lãnh đạo. Tuy nhiên, 5 “siêu ban” này vẫn cồng kềnh với lượng cán bộ, người lao động khoảng 1000 người, nhiều hơn đầu việc được giao.
Cụ thể, từ năm 2016 Hà Nội đã triển khai sắp xếp, sát nhập 26 BQLDA thuộc UBND TP và các sở, ngành thành 5 Ban quản lý dự án mới gồm: BQLDA Dân dụng và công nghiệp, BQLDA Giao thông, BQLDA NN&PTNT, BQLDA Văn hóa - xã hội, BQLDA Cấp nước - thoát nước và môi trường.
Việc sát nhập thành 5 “siêu ban” này đã khiến bộ máy các BQLDA tinh gọn hơn: giảm được 73/108 phòng (67,6%), giảm được 177/308 lãnh đạo trưởng phó đơn vị, trưởng phó phòng (57,5%); giảm được 7/23 trụ sở làm việc (30,4%).
Tuy nhiên, các BQLDA còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động. Đặc biệt, một số BQLDA chưa đủ kinh phí để trả lương cho cán bộ, người lao động năm 2017.
Một số BQLDA còn phải ứng trước ngân sách như BQLDA NN&PTNT được TP hỗ trợ 1,4 tỷ đồng và tạm ứng ngân sách thành phố 6,2 tỷ đồng; BQLDA Giao thông chỉ đủ chi phí hoạt động đến hết quý III/2017…
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do số lượng cán bộ, người lao động của các BQLDA nhiều hơn so với khối lượng công việc tương ứng, số lượng dự án, kế hoạch vốn được giao triển khai.
Ngoài ra, thành phố chưa kịp hướng dẫn, quy định về phân công, phân cấp, ủy quyền trong quyết định phê duyệt dự toán chi phí quản lý của BQLDA; tiến độ xây dựng đề án vị trí việc tại 5 BQLDA mới được thành lập còn chậm so với yêu cầu…
Theo Pháp Luật TP.HCM