PV có cuộc trao đổi ngắn với PGS. TS Trần Hoàng Ngân về những kỳ vọng của cử tri, người dân xung quanh cơ chế mà Chính phủ, Quốc hội đang bàn cho TP.HCM.
Hơn lúc nào hết, vì yêu cầu khách quan và kỳ vọng của người dân, TP.HCM rất cần những cơ chế đặc biệt để phát triển xứng đáng là đầu tàu kinh tế đất nước (Ảnh minh hoạ) |
Thưa ông, người dân TP.HCM đón chờ gì vào cơ chế đặc biệt mà Chính phủ, Quốc hội đang bàn cho mình? Giới quan sát nhận định, với hàng loạt cơ chế mở, đây sẽ là sự tháo gỡ cực kỳ quan trọng để thành phố phát triển thời gian tới?
Trong điện thoại của tôi hiện nay rất nhiều câu hỏi của cử tri, người ta nghe nói Quốc hội đang bàn cơ chế đặc biệt cho TP.HCM, nhưng người ta không cần biết nội dung là gì mà người ta chỉ quan tâm đến khi có cơ chế rồi thì vấn đề quá tải kẹt xe, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, nước bẩn của TP.HCM có được giải quyết hay không?
Nhiều năm qua, TP.HCM đã nỗ lực tăng trưởng đóng góp ngân sách lớn nhất nhưng chất lượng của tăng trưởng, chất lượng sống của người dân không tương xứng, họ đang phải chịu áp lực lớn do mật độ dân số gia tăng, chiếc áo quá chật không phù hợp khi tăng trưởng nhanh.
Một trong những cơ chế vượt trội, đặc biệt cho TP.HCM là được hưởng 50% thuế đất, hay hưởng số thu từ cổ phần hoá, được chuyển đổi trong quy hoạch đất nông nghiệp sang xây dựng cơ sở hạ tầng... ông nghĩ sao về cơ chế này?
Cơ chế tháo gỡ cơ chế cho TP.HCM về quản lý đất đai, chuyển đổi đất nông nghiệp sang lĩnh vực khác là để chúng tôi tự quyết sử dụng nguồn lực của mình. Hiện 55% là đất của TP.HCM là đất nông nghiệp trong khi đóng góp cơ cấu kinh tế Thành phố, nông nghiệp chỉ được 0,8% cho GDP.
Việc cho phép thành phố tự quyết trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, có thể hình thành nên cho TP.HCM các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị, khu giãn dân và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Cho phép giao đất cho tư nhân để họ xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, đó là cần thiết để giảm đầu tư công, giảm thủ tục hành chính.
Về quản lý tài chính, việc bán lại tài sản nhà nước Trung ương để lại cho thành phố 50% hay cổ phần hóa DNNN để lại hoàn toàn cho TP.HCM... đây là cơ chế giao tiền giao quyền nhưng giao trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng chứ không phải để tiêu dùng.
Việc chuyển đổi đất nông nghiệp để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội cần được hiểu như thế nào? Việc áp dụng hình thức đổi đất lấy hạ tầng (BT) đang có nhiều hệ lụy không tốt, TP.HCM cần làm gì để đảm bảo phát triển không gian xanh, cân đối và bền vững, trở thành thành phố đáng sống, năng động và bền vững?
Đất nông nghiệp hiện nay là 110.000/200.000 ha, việc chuyển đổi đất, lĩnh vực cần phải đảm bảo quy hoạch, đảm bảo không xanh. Ngay tại TP.HCM nhìn vào các dự án treo trong đó rất nhiều dự án ở các khu vực nông nghiệp rất lãng phí, tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật.
Tôi thấy cả nước có bệnh tật gì thì TP.HCM có đầu tiên và có nhiều nhất, điều này là do chúng ta chưa có cơ sở vật chất đủ tốt, an sinh không đảm bảo.
Hiện xếp hạng của các thành phố trên thế giới thì Hà Nội và TP.HCM được chọn vào đơn vị xếp hạng, cho nên nếu đưa vào bảng xếp hạng mà TP.HCM cứ phát triển lèo tèo mãi thì không ra gì. Ngay cả chỉ số về môi trường, trong 180 nước thì TP.HCM đứng vị trí 130, nhiều con số xếp hạng rất thấp.
TP.HCM vừa phải đảm đương nhiệm vụ đầu tàu cho đất nước, vừa phải san sẻ trách nhiệm đóng góp ngân sách với cả nước và các địa phương? Theo ông khi cơ chế này áp dụng, liệu TP.HCM có nắm được cơ hội và thực sự bứt phá để phát triển, lan tỏa phát triển đến các địa phương khác?
Phải khẳng định nguồn lực phát triển của chúng ta hạn chế, nên cần tập trung cho những nơi sử dụng hiệu quả nhất. TP.HCM không đi xin chính sách, mà là Chính phủ nhìn thấy quá trình phát triển ngày càng rộng mở trong khi cơ sở vật chất không được đầu tư xứng tầm, "trên tắc, dưới úng" và thu ngân sách ngày càng bị bào mòn.
Tôi nhấn mạnh là TP.HCM luôn đi đầu trong thực hiện thí điểm và các cải cách và thành công trước khi áp dụng cho cả nước.
Suốt 30 năm qua, nơi đây là cơ sở thí điểm nhiều chính sách nhất của cả nước. Luật DN, Luật công ty cổ phần.... thì cũng được áp dụng ở TP.HCM trước khi thực hiện triển khai đại trà cả nước. Hay việc thí điểm lập ngân hàng thương mại cổ phần thì cũng lập ở TP.HCM (đó là Ngân hàng Nhà đồng bằng Sông Cửu Long), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)... sau đó mới thực hiện ra cả nước.
Hay mới đây là cổ phần hoá, thì TP.HCM thí điểm trước ở Công ty cổ phần cơ điện lạnh, khi thành công thì triển khai ra cả nước. Chính sách đổi đất lấy hạ tầng thuộc hình thức hợp tác công tư (PPP) là xây dựng - chuyển giao (BT) cũng được áp dụng đầu tiên ở TP.HCM.
TP.HCM đã đưa khu vực đất nông nghiệp trở thành kiểu mẫu của Phú Mỹ Hưng, sau này mô hình được nhân rộng ra cả nước, dù hiện nay có nhiều biến tướng và cảnh báo về BT song chúng ta đã có những thành công nhất định.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Về chính sách đặc biệt đối với TP.HCM, Chính phủ đã thống nhất cao, sáng 14/11, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt Chính phủ trình Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TPHCM với hàng loạt cơ chế đặc thù liên quan đến ngân sách, đầu tư, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức... Cũng tại buổi thảo luận ở tổ của Quốc hội bàn về các cơ chế đặc biệt cho TP.HCM, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích, hiện TP.HCM là đơn vị thu ngân sách lớn nhất cả nước, tỷ lệ điều tiết về ngân sách TƯ cũng lớn nhất, thu 100 đồng thì chỉ được để lại 18 đồng, còn 72% là điều tiết về ngân sách Trung ương. Vừa qua, TP.HCM phải chịu áp lực rất lớn với việc bị cắt giảm tỷ lệ ngân sách để lại, từ 23% xuống còn 18%, giảm liền 5%. “Tôi theo dõi quá trình phát triển thành phố, nhất là về ngân sách thì tôi cho rằng với TP.HCM mà tỷ lệ điều tiết, để lại dưới 20% thì không thể nào phát triển được. Vừa qua, dù tình hình nhìn chung vẫn đi lên, thành phố vẫn phát triển nhưng tốc độ đã chậm hơn. Mà vùng động lực, đầu tàu lại chậm thì tất cả những toa kéo theo cũng sẽ chậm đi, rất đáng lo ngại” – Chủ tịch Quốc hội nói. |
Theo Dân Trí