Ngày 20.11, nhiều người gửi tiền đã tập trung trước cửa Quỹ TDND Thái Bình để đòi lại số tiền gửi |
Xung quanh thông tin Giám đốc quỹ tín dụng nhân dân (TDND) Thái Bình, Đồng Nai bỏ trốn, tạo sự lo lắng cho người gửi tiền và vay tiền tại Quỹ này, trong một thông báo phát đi ngày 22.11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, vụ việc vi phạm tại quỹ TDND Thái Bình đã được NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai phát hiện từ cuối tháng 4.2017.
Trước vi phạm nghiêm trọng của Giám đốc quỹ TDND Thái Bình, NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an tỉnh Đồng Nai điều tra xác minh và cơ quan điều tra của tỉnh đã khởi tố vụ án và xử lý vụ việc đúng quy định của pháp luật.
Ngay khi phát hiện yếu kém, NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã thực hiện việc Kiểm soát đặc biệt đối với QTD này. Đồng thời, phối hợp cấp Ủy, chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp tích cực để thu giữ và xử lý tài sản của QTDND này, thu nợ người vay quá hạn để có các nguồn tiền trả cho người gửi tiền với tinh thần tích cực nhất, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền theo quy định của pháp luật.
Với nguyên tắc quan trọng nhất là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. NHNN Việt Nam đã và đang chỉ đạo quyết liệt NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động của QTDND này; phối hợp với cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm của những cá nhân liên quan để có các biện pháp thu hồi nợ để trả tiền gửi cho người dân.
Trong trường hợp cần thiết, thì NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai sẽ có những biện pháp xử lý thông qua nguồn vốn cho vay hỗ trợ thanh khoản trong hệ thống quỹ TDND, và các biện pháp cần thiết khác để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân gửi tiền.
TS.LS.Bùi Quang Tín cho rằng giám đốc quỹ TDND có thể bị thu giữ, xử lý tài sản để đền bù thiệt hại cho những người đã gửi tiền vào Quỹ TDND |
Trao đổi với PV xung quanh sự việc ông Vũ Công Liêm - Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình ôm 50 tỷ bỏ trốn, TS.LS. Bùi Quang Tín – CEO Trường Doanh nhân BizLight cho biết, quỹ tín dụng nhân dân hoạt động giống như một tổ chức tín dụng. Song khác với các ngân hàng thương mại, quỹ TDND không bị giới hạn trần lãi suất huy động. Tuy nhiên, các khoản chi lãi ngoài 4% như trường hợp quỹ TDND Thái Bình áp dụng để huy động thêm nguồn tiền gửi tiết kiệm không được NHNN đồng ý bởi khoản chi lãi ngoài không được hạch toán trong sổ sách kế toán của quỹ.
Đối với các quỹ TDND yếu kém như Quỹ Thái Bình, Luật sư Bùi Quang Tín cho biết, theo quy định trong Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi có hiệu lực từ ngày 15.1.2018, có 5 giải pháp để giải quyết. Trong đó, có giải pháp là cho phá sản TCTD.
Nếu pháp nhân là một quỹ TDND, khi quỹ phá sản, các công ty bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ trả cho người gửi tiền, tính trên mỗi sổ tiết kiệm tối đa 75 triệu đồng. Ngoài ra, người gửi tiền sẽ được hưởng phần tài sản còn lại sau khi quỹ TDND tuyên bố phá sản và trả xong nghĩa vụ nợ của quỹ với Nhà nước theo trình tự ưu tiên trả nợ theo Luật phá sản 2014.
LS. Bùi Quang Tín phân tích: “Với các cá nhân, nếu giám đốc quỹ TDND lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì người gửi tiền hoàn toàn có quyền khởi kiện giám đốc quỹ ra tòa để đòi lại số tiền gửi của mình nếu họ gửi tiền cho ông ta.
Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 cũng đã đề cập một cá nhân khi bị khởi kiện và có trách nhiệm liên đới trong trách nhiệm dân sự với người khác thì cá nhân đó phải dùng số tiền cá nhân, tài sản của mình để bồi thường cho người khởi kiện. Đó là trách nhiệm bồi thường trong hợp đồng.
Ngoài ra, là trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng. Trong thời gian ông Vũ Công Liêm – Giám đốc Quỹ Tín dụng Thái Bình bỏ trốn, người gửi tiền phải bỏ công việc, giành thời gian, công sức đi đòi nợ thì bản thân ông Liêm phải bồi thường số tiền ngoài hợp đồng mà người dân đã chịu thiệt hại.
Thêm vào đó, ông giám đốc quỹ TDND còn phải chịu trách nhiệm hình sự với Nhà nước nữa”.
Theo Dân Việt