Lực lượng tìm kiếm đang chạy đua với thời gian bởi lượng oxy trên tàu ngầm có thể đã cạn kiệt. Ảnh: AFP |
Đã tám ngày kể từ khi mất tích hôm 15/11, tàu ngầm ARA San Juan của Hải quân Argentina đến nay vẫn “bặt vô âm tín”, khiến hy vọng về việc cứu sống các thủy thủ trên tàu tắt dần.
Sáng 22/11, máy bay cứu hộ của Mỹ cho biết đã phát hiện một vật thể tỏa nhiệt nằm sâu 70m dưới mặt nước biển, gần nơi ARA San Juan xuất hiện lần cuối tại Nam Đại Tây Dương. Tuy nhiên, đội tìm kiếm sau đó xác nhận nguồn nhiệt này không phải phát ra từ tàu ngầm mất tích.
|
Tìm kiếm dấu vết tàu ngầm ARA San Juan từ máy bay. Ảnh: AFP |
Theo News.com.au, tàu ngầm vốn được thiết kế để khó bị phát hiện. Và nếu ARA San Juan đang nằm dưới đáy biển, nó sẽ không thể được tìm thấy bằng máy sonar.
Enrique Blabi – người phát ngôn của Hải quân Argentina cho biết cơ quan chức năng đang xem xét ba kịch bản: tàu ngầm vẫn đang nổi trên mặt nước và động cơ đang hoạt động, tàu ngầm trôi dạt trên biển mà không có động cơ đẩy, hoặc tàu ngầm đã chìm dưới đáy đại dương.
Lượng oxy còn lại trên tàu phụ thuộc vào lần cuối tàu còn đủ năng lượng để gửi tin nhắn. Không giống với tàu ngầm hạt nhân hiện đại, ARA San Juan – tàu ngầm 34 tuổi chạy bằng dầu diesel buộc phải nổi lên 7 ngày/lần để bổ sung oxy cho cabin và sạc pin cho bốn động cơ.
Trên tàu có các thùng chứa khẩn cấp, có thể cung cấp thêm oxy trong vài ngày và loại bỏ khí carbon dioxide. Nhưng các thùng chứa này có thể sẽ không hoạt động vì tàu đã cạn kiệt nhiên liệu.
Các quan chức cho rằng ARA San Juan sẽ chỉ cung cấp đủ oxy cho 44 thủy thủ trong 7 ngày chìm dưới nước, với điều kiện thân tàu không gặp bất cứ hư hại gì. Nếu tàu không nổi lên kể từ ngày mất tích, có thể lượng oxy trên tàu đã cạn kiệt.
|
Lượng oxy trên tàu ngầm ARA San Juan (ảnh) có thể đã cạn kiệt. Ảnh: EPA |
Các phương tiện đến từ chín quốc gia hiện đang tích cực rà soát trên khu vực bán kính hàng trăm km, trong đó có cả tàu ngầm mini của Mỹ có thể lặn sâu 1524m và có khả năng cứu người từ những tàu ngầm gặp sự cố như ARA San Juan.
“Có một đội thủy thủ Mỹ lành nghề đang ở đó. Họ là những người có thể tìm và giải cứu các thủy thủ của ARA San Juan”, cựu thủy thủ Hải quân Mỹ từng làm việc trên tàu ngầm – ông William Reed cho biết. “Tuy nhiên, có thể mọi thứ đã quá muộn.”
Lần gần nhất Hải quân Mỹ giải cứu tàu ngầm là vào năm 1968, khi tàu USS Scorpion gặp nạn. Quá trình giải cứu kéo dài tới sáu tháng. Và 99 thủy thủ trên tàu khi ấy đều đã thiệt mạng.
Hồi năm 2000, tàu ngầm hạt nhân Kursk của Nga đã gặp sự cố và phát nổ dưới đáy biển, khiến tất cả 118 thủy thủ trên tàu thiệt mạng.
Năm 2003, 70 thủy thủ của tàu ngầm Trung Quốc đã thiệt mạng vì ngạt thở trong một sự cố mà Bắc Kinh gọi là “vấn đề cơ học”.
Gabriel Galeazzi – phát ngôn viên căn cứ hải quân Mar del Plata hôm 20/11 cho biết tàu ARA San Juan đã nổi lên vào thứ Tư, 15/11 để thông báo về một sự cố điện, và được chỉ huy mặt đất yêu cầu quay trở lại căn cứ hải quân ở Mar Del Plata.
Thông tin tàu ARA San Juan mất tích được tung ra vào thứ Sáu, 17/11 sau khi cơ quan mặt đất thừa nhận không thể liên lạc với các thủy thủ đoàn trên tàu suốt 48h, kể từ ngày 15/11. Vào thời điểm mất tích, tàu ARA San Juan đang trên đường trở về từ Ushuaia, gần cực Nam của Nam Mỹ.
Theo Tiền Phong