Điều gì phía sau quan hệ liên Triều đang nồng ấm?

Thứ sáu, 05/01/2018, 10:29
Chỉ sau 3 ngày đầu năm 2018, quan hệ liên Triều đã ấm lên một cách tích cực nằm trong sự chờ đợi của cả Triều Tiên và Hàn Quốc. Sau vài ngày đó, hai bên nhiều lần đánh giá tích cực về nhau với giọng điệu thân thiện từng bị lãng quân từ lâu.


Một giai đoạn mới của quan hệ liên Triều đã bắt đầu khi ông Kim Jong-un, trong thông điệp đầu năm, đã đồng ý gửi phái đoàn Triều Tiên sang tham dự Olympic ở Pyeongchang Hàn Quốc.

Ngày 3/1, lãnh đạo của Ủy ban thống nhất Triều Tiên cũng ra tuyên bố, trong đó khẳng định “một chỉ thị của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã được đưa ra” về việc bắt đầu đàm phán gửi các vận động viên tham dự Olympic 2018.

Tuyên bố ngày hôm 3/1 của Bình Nhưỡng đã gây sự bất ngờ không nhỏ đối với chính quyền Seoul.

Thứ nhất, ông Kim Jong-un đã tự đưa ra chỉ thị nối lại kênh liên lạc điện thoại trên biên giới Panmunjom giữa hai nước.

Thứ hai, trong tuyên bố chỉ ra rằng, Triều Tiên “cũng mong muốn Olympic tại Pyeongchang sẽ được tổ chức thành công”. Điều này đã được Kim Jong-un đề cập tới trong tuyên bố ngày 1/1, nay đã được nhắc lại bằng từ ngữ khiến Seoul hài lòng.

Thứ ba, ông Moon Jae-in đã được gọi tên theo đúng nghĩa là “Tổng thống Moon Jae-in”, trong khi trước đó ông Kim cũng thể hiện “ủng hộ tích cực” sáng kiến của Hàn Quốc tại một cuộc họp của Hội đồng nhà nước vào ngày 2/1.

Thứ tư, ông Kim Jong-un “đánh giá tích cực quyết định của Tổng thống Moon Jae-in”, đồng thời, Triều Tiên cũng cam kết “sẽ tích cực phối hợp với miền Nam”. Trong quan hệ với Tổng thống Moon Jae-in, các tuyên bố của chính quyền Bình Nhưỡng được sử dụng bằng những hậu tố mang tính kính trọng theo văn bản tiếng Hàn.

Tất cả các điều này khác rất xa so với những gì mà hai miền Triều Tiên giao thiệp với nhau lâu nay. Truyền thông Triều Tiên thường gọi chính quyền miền Nam là “con rối của Mỹ”, hoặc là “những kẻ phản bội”, và chỉ trích Tổng thống Moon Jae-in. Trong khi đó, Seoul cũng nhiều lần đe dọa sẽ biến Triều Tiên thành “đống tro tàn hạt nhân”.

Cũng cần chú ý rằng, tuyên bố này trở thành sự kết nối cho hai bên theo nghĩa trực tiếp. Chính vì vậy, từ ngày 1/1 truyền thông Triều Tiên khi nói về Hàn Quốc thường giảm mạnh những chỉ trích nhằm vào chính quyền Seoul.

Gian nan còn ở phía trước

Đó có thể chỉ là sự bắt đầu “bằng lời nói”, thậm chí cả những “đánh giá tích cực” của Tổng thống Moon Jae-in vẫn là chưa đủ. Tuy nhiên tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang tiến triển tốt, và cũng không có những rào cản tiềm năng nào.

Không loại trừ Bình Nhưỡng sẽ quyết định đưa ra những lời lẽ rất tích cực để ông Moon Jae-in tự gỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên thời gian tới.

Tuy nhiên, Triều Tiên cũng sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi hiểu rằng, Tổng thống Hàn Quốc sẽ không thể nhanh chóng làm tất cả như ông mong muốn, mà xung quanh ông còn chịu tác động của những lực lượng khác nhau, bao gồm cả phe đối lập, Quốc hội, dư luận xã hội, thậm chí cả những người ủng hộ liên minh với Mỹ.

Bất kỳ cuộc thử nghiệm tên lửa mới nào, chứ chưa nói tới thử hạt nhân, cũng sẽ buộc Hàn Quốc phải kìm hãm từng bước phát triển hợp tác với Triều Tiên.

Những ngày đầu năm 2018 đã mang đến hy vọng tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ được bình thường hóa. Khi xét tới cách tiếp cận của Triều Tiên, Olympic 2018 sẽ không chỉ diễn ra bình yên, mà còn có tất cả các cơ hội để trở thành một “Olympic hòa giải”, như mong muốn của phía Tổng thống Moon Jae-in và Ban tổ chức Olympic 2018.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn