Ủy viên Ban Kiểm tra Trung ương "từng bị mua chuộc, doạ dẫm"

Thứ sáu, 05/01/2018, 09:10
Cán bộ kiểm tra khi đi làm việc đã bị đe dọa "thế khóa tới ông muốn làm hay không?".

Trong hai năm từ sau Đại hội XII của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có nhiều kết luận được dư luận quan tâm, xử lý kỷ luật hàng loạt cán bộ cấp cao, đương chức cũng như về hưu. PV có cuộc phỏng vấn ông Hà Quốc Trị - Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, xung quanh nội dung này.


Ông Hà Quốc Trị, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

"Khó nhất là làm rõ đúng sai"

Một khối lượng công việc lớn đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện trong thời gian qua. Ông có thể chia sẻ điều gì về kết quả đó?

Trong hai năm qua, công tác kiểm tra của Đảng có sự đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc với việc chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hằng năm và cả nhiệm kỳ; xác định rõ mục tiêu, yêu cầu và đề ra giải pháp thực hiện, trọng tâm là tập trung kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm.

Nội dung và diện kiểm tra trước hết là những đảng viên, cán bộ thuộc Trung ương quản lý; những địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm như tập đoàn kinh tế, tài chính, ngân hàng... Ủy ban cũng giao mỗi Vụ chức năng trong năm phải kiểm tra 1-3 đảng viên diện Trung ương quản lý, 1-3 tổ chức đảng trực thuộc Trung ương.

Diện kiểm tra, giám sát thì nhiều mà lực lượng đi kiểm tra ít nên Ủy ban phải phân công hợp lý mới có hiệu quả. Hiện cơ quan chúng tôi chỉ có 165 biên chế, hơn 100 người làm chuyên môn, còn lại làm văn phòng, nghiên cứu, tổ chức, tạp chí... nên phải lựa chọn diện kiểm tra rất kỹ. Nếu làm tràn lan thì chất lượng thấp và cũng không thể làm hết được.

Thời gian vừa qua, Ủy ban đã lựa chọn đúng địa bàn và diện kiểm tra nên đạt kết quả rất tốt. Cả kiểm tra dấu hiệu vi phạm và xử lý kỷ luật năm qua là 33 trường hợp, trong đó riêng kiểm tra dấu hiệu vi phạm là 24 trường hợp và 3 tổ chức đảng.

Trước đây Nghị quyết Trung ương 4 chỉ ra "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất", nhưng người dân cứ hỏi "một bộ phận không nhỏ đang nằm ở đâu?". Kết quả vừa qua đã chỉ ra "một bộ phận không nhỏ" nằm ở một số cơ quan, kể cả những cơ quan cao nhất.

Khi vào cuộc liên quan đến cán bộ cấp cao và các vấn đề phức tạp, cơ quan kiểm tra gặp khó khăn nào, thưa ông?

Đó là khó khăn về lựa chọn diện kiểm tra, vì nhiều nên phải cân nhắc. Lựa chọn ai, kiểm tra ai cũng là một câu chuyện. Vì những tổ chức, cá nhân được kiểm tra là người có chức vụ, quyền hạn, việc kiểm tra họ gặp nhiều khó khăn.

Đầu tiên là họ không đồng tình, hoặc phản ứng. Quá trình kiểm tra khó nhất là làm rõ đúng sai. Bởi vì những người được kiểm tra ít khi nhận khuyết điểm, sai phạm của mình ngay. Chúng tôi phải đấu tranh với chính đảng viên đó, bằng căn cứ, kết quả thẩm tra xác minh, tài liệu, chứng cứ để họ nhận khuyết điểm.

Đây là sự kết hợp giữa phê bình và tự phê bình, tự giác và bắt buộc. Bản chất là tự giác, nhưng khi không tự giác thì đưa bằng chứng buộc phải nhận.

Ngoài đấu tranh với khuyết điểm, vi phạm của người khác thì chúng tôi cũng phải đấu tranh với chính cám dỗ đặt ra với mình.

"Kỷ luật không phải để trừng trị nhau"

Bản thân ông trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã bị cám dỗ như thế nào?

Khi phát hiện vi phạm của tổ chức, cá nhân đảng viên, họ cũng xin, nhờ giúp. Có những người đầu tiên xin gặp riêng để trình bày nguyện vọng, tôi phải trả lời thẳng thắn là không gặp riêng vì nguyên tắc hoạt động của đoàn kiểm tra là khi làm việc phải có từ hai người trở lên; tránh phiền phức cho đoàn và cho tổ chức.

Khi bày tỏ gặp gỡ không được, họ quay sang thái độ, dùng người nọ người kia có chức vụ, quyền hạn để gây sức ép.

Họ nói "gì mà khó khăn thế, anh em có làm có sai, ông châm chước cho anh em"; thậm chí đe doạ "thế khoá tới ông muốn làm hay không". Tôi nói là đã ghi nhận tình cảm của ông, nhưng tôi được tập thể tổ chức phân công, nếu thấy tôi sai thì các ông cứ nói.

Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ cao nhất trong 6 nhiệm vụ của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Trước hết là vì yêu cầu cao, sức ép về thời gian, về mặt quan hệ, chi phối cả về xã hội. Vì vậy đòi hỏi cán bộ kiểm tra phải có bản lĩnh để vượt qua sức ép, trong đó đáng nói là sức ép về mặt chính trị.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng luôn căn dặn chúng tôi phải làm việc công tâm, khách quan, giữ gìn phẩm chất của người cán bộ kiểm tra, nhất là bản lĩnh để vượt qua sức ép. Đồng thời, phía trên và bên cạnh chúng tôi còn có tập thể Ủy ban đoàn kết, chia sẻ khó khăn; anh em, đồng nghiệp luôn ở bên cạnh mình, sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ mình nếu mình đúng. Đó là chỗ dựa khiến chúng tôi vượt qua được cám dỗ, đe doạ.

Bên cạnh các kết quả đạt được của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thời gian qua, có ý kiến cho là một vài vụ việc mức kỷ luật chưa nghiêm. Ông nghĩ sao?

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương làm việc công tâm, khách quan, minh bạch và không bị chi phối bởi lực lượng nào. Kết quả xử lý được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cán bộ, đảng viên và nhân dân kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, trong xã hội còn những ý kiến khác nhau là chuyện bình thường. Chúng tôi thấy rằng, thời gian qua, dư luận ủng hộ cách xử lý mà Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đưa ra; xử lý nhưng phải có cả tình, cả lý. Hơn nữa, quyết định kỷ luật là của tập thể chứ không phải của riêng ai.

Chỉ riêng ở Uỷ ban, khi thảo luận, các ý kiến phát biểu phải đầy đủ về mặt nội dung, chứng cứ, tài liệu, quan điểm hình thức xử lý. Như vụ tập đoàn Dầu khí (PVN) mất 7,5 tháng kiểm tra và 2,5 ngày thảo luận mới đưa ra được kết luận. Liên quan đến sinh mạng chính trị của con người phải thận trọng. Uỷ ban là cơ quan tham mưu, phải tham mưu đúng, nói không có tình có lý thì làm sao các thành viên ở các tổ chức đảng có thẩm quyền đồng thuận.

Quan điểm xử lý kỷ luật không phải là "dìm cho người ta chết" mà mở cho người ta con đường sống, còn dồn người ta đến bước đường cùng sẽ sinh ra tiêu cực.

Kỷ luật là để răn đe, giáo dục, nhưng vi phạm đến mức khai trừ, cách chức thì vẫn phải làm mặc dù mất cán bộ là rất tiếc. Sai thì phải xử, không thể vì tiếc cán bộ mà cho qua được, bởi vì từ cái sai này sẽ tiếp tục cái sai khác. Xử để răn đe, giáo dục, kỷ luật không phải để trừng trị nhau, mà để những người khác lấy đó làm gương để tránh vết xe đổ của người đi trước.

"Nâng đỡ không trong sáng" được hiểu như thế nào?

Trong một số kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương gần đây có một số từ ngữ như "nâng đỡ không trong sáng", "vun vén gia đình", những từ ngữ này được hiểu thế nào, thưa ông?

Từ "nâng đỡ không trong sáng" dùng để nói về hành vi bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh vào chức phó, trưởng phòng Sở Xây dựng.

Ông Ngô Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để ưu ái, nâng đỡ, điều động, quy hoạch, bổ nhiệm cho bà Trần Vũ Quỳnh Anh (phó phòng, trưởng phòng và quy hoạch Phó giám đốc Sở), cố ý bỏ qua các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

Quá trình bổ nhiệm cũng thiếu điều kiện, tiêu chuẩn cơ bản, bà Quỳnh Anh chỉ là nhân viên tạp vụ nhưng được đưa lên làm thủ quỹ, không có bằng chuyên môn về xây dựng lại đi bổ nhiệm phó, trưởng phòng khi chưa có quy hoạch. Yêu cầu của tỉnh là để bổ nhiệm vào những vị trí này phải có bằng chính quy, thì bà Quỳnh Anh chỉ có bằng tin học tại chức, là đảng viên dự bị. Như vậy là trái quy định.

Những việc làm trên cho thấy ông Tuấn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để ưu ái, nâng đỡ cho bà Trần Vũ Quỳnh Anh.

Nâng đỡ trong sáng là bình thường. Quá trình mọi người làm việc, thấy người tài, người giỏi thì nâng đỡ để họ tiến bộ. Việc nâng đỡ này đúng quy định, vì mục đích để không bỏ lọt người tài. Còn bà Quỳnh Anh không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn nhưng vẫn được nâng đỡ, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo của Sở Xây dựng, đó là nâng đỡ không trong sáng.

Còn từ "vun vén gia đình" để nói về những vi phạm của ông Lê Phước Thanh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, vì ông Thanh khi làm lãnh đạo tỉnh đã để cho UBND tỉnh quyết định cử ông Lê Phước Hoài Bảo là con trai ông Thanh đi đào tạo ở Mỹ bằng nguồn ngân sách nhà nước không đúng đối tượng.

Ông Thanh cũng ký tờ trình của ban cán sự đảng UBND tỉnh đề nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về công tác cán bộ, trong đó có việc đề nghị xem xét quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo giữ chức phó trưởng Ban quản lý khu kinh tế mở Chu Lai khi chưa được phê duyệt quy hoạch.

Thông thường cán bộ phải quy hoạch xong mới được bổ nhiệm, quy hoạch có thể thời gian rất dài, thậm chí có người quy hoạch rồi không được bổ nhiệm. Con trai ông Thanh chưa được quy hoạch đã được đề nghị bổ nhiệm.

Như vậy là ông đã ưu ái cho con mình không qua thi tuyển. Người ta sẽ đặt câu hỏi, nếu con người khác thì sao, ông có ký quyết định hay không, nhưng trước đó ông chưa ký trường hợp nào như vậy.

Rồi lúc làm Bí thư Tỉnh ủy, ông Thanh cùng tập thể thống nhất cho bổ nhiệm giám đốc và hai phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư không đúng thẩm quyền, vượt số lượng theo quy định của Chính phủ, trong đó có ông Lê Phước Hoài Bảo.

Tất cả những biểu hiện trên chính là sự "vun vén gia đình" của ông Thanh.

Trong năm 2018, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương có kế hoạch như thế nào để việc kiểm tra, giám sát cán bộ được thực hiện tốt hơn?

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu là hiện có tình trạng "trên nóng dưới lạnh". Tức là trên làm, phía dưới nhiều nơi không làm, nhất là không kiểm tra dấu hiệu đối với những cán bộ do tỉnh quản lý. Tới đây, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương sẽ chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ kiểm tra giám sát đối với các tỉnh, thành, tập trung kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm.

Năm nay, Uỷ ban sẽ kiểm tra cách cấp, tức là sẽ bỏ qua cấp tỉnh mà xuống thẳng cấp dưới, từ đó rút kinh nghiệm để chỉ đạo chung trong toàn quốc, nhân ra diện rộng. Đây là điểm mới nhất.

Còn nội dung thì Uỷ ban vẫn tập trung kiểm tra đảng viên, tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiện vi phạm,trước hết là những cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Lĩnh vực kiểm tra là tài chính ngân hàng, đầu tư xây dựng, đất đai, công tác cán bộ... như vừa qua đã làm và đạt được kết quả.

Theo VNE

Các tin cũ hơn