Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 19/12, công tác quản lý thị trường trên địa bàn của Sở Công Thương TP.Hà Nội và Chi cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội nhận được sự quan tâm. Câu hỏi về trách nhiệm của quản lý thị trường ở đâu khi để xảy ra vụ việc Khaisilk kéo dài mà không phát hiện được đặt ra với cơ quan quản lý.
Trả lời câu hỏi của báo chí, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội, cho biết sau khi để xảy ra vụ việc, 2 cán bộ quản lý thị trường tại quận Hoàn Kiếm đã bị hạ một bậc khen thưởng trong năm 2017. “Một đồng chí đội phó và một đồng chí cán bộ đã bị hạ một bậc khen thưởng”, ông Lộc cho biết.
Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội . |
Ông Lộc cũng cho rằng việc Khaisilk treo biển hiệu quảng cáo là hàng Việt Nam nhưng lại bán hàng “made in China” dẫn tới khó kiểm tra, kiểm soát. Theo đó, các cán bộ của quản lý thị trường đã tích cực đóng góp vào quá trình điều tra và khởi tố Khaisilk sau khi có chỉ đạo của Bộ Công Thương.
Ông Lộc cũng bày tỏ sự khó khăn của cán bộ quản lý thị trường tại Hà Nội. Theo đó, tại quận Hoàn Kiếm chỉ có một số ít cán bộ quản lý thị trường nhưng phải quản lý địa bàn rộng lớn với 20.000 cửa hàng kinh doanh. “Lực lượng mỏng, các cán bộ đã làm hết sức nhưng để xảy ra vụ việc vào cuối năm và bị hạ bậc khen thưởng là rất đáng tiếc”, ông Lộc nhấn mạnh.
Liên quan đến các vụ việc kinh doanh trên mạng với hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là hàng mỹ phẩm online, ông Lộc cho rằng việc kinh doanh online đã bộc lộ nhiều hạn chế như việc lừa đảo, khó kiểm soát. Người tiêu dùng được quảng cáo hàng hóa với mẫu mã bắt mắt nhưng khó kiểm chứng được chất lượng sản phẩm.
Bên trong một cửa hàng của Khaisilk. |
“Chúng tôi đã xử phạt 600 triệu một vụ việc bán thuốc kháng sinh online. Ngoài ra còn xử lý nhiều vụ mua bán mỹ phẩm. Online xuất hiện văn minh nhưng đâu đó cần quản lý. Chúng tôi còn phối hợp với thông tin truyền thông, cũng đang phối hợp với doanh nghiệp tham gia lĩnh vực kinh doanh. Nhiều khi nhìn qua hình ảnh rất đẹp, nhưng khó kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, chúng tôi cũng đang tập trung chỉ đạo trong thời gian tới”, ông Lộc cho biết.
Trước đó, giữa tháng 10, một doanh nghiệp tại Hà Nội tố thương hiệu Khaisilk bán hàng "made in China". Doanh nghiệp này cho biết đã mua sản phẩm của Khaisilk tại cửa hàng trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) để làm quà tặng cho đối tác.
Nhưng sau khi nhận hàng thì khách phát hiện một chiếc khăn trong lô hàng 60 chiếc này có gắn 2 nhãn mác khác nhau: một nhãn với nội dung “Khaisilk made in Vietnam” còn một nhãn nữa với nội dung “made in China”. Khách hàng cũng cho biết khi kiểm tra 59 chiếc khăn còn lại, phát hiện dấu hiệu của việc cắt mác cùng màu với dòng chữ “made in China”.
Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ. Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương xác định Công ty TNHH Khải Đức của doanh nhân Hoàng Khải có 5 sai phạm. Phát hiệu dấu hiệu vi phạm hình sự, Bộ Công Thương chuyển hồ sơ, vật chứng cho cơ quan cảnh sát điều tra xử lý.
Một dấu hiệu vi phạm đáng chú ý là việc Công ty Khải Đức đã có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự đối với tội buôn bán hàng giả về chất lượng. Kết quả giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm cho thấy không có thành phần lụa (silk) so với các thông tin công bố trên nhãn hàng hóa về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm (“100% silk”).
Theo Zing