Sau vụ Khaisilk: Cần làm rõ trách nhiệm Quản lý thị trường

Thứ sáu, 15/12/2017, 10:55
Ngày 13/12, trao đổi với với PV, ông Nguyễn Đắc Lộc, Chi cục phó Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho biết, đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Công Thương vừa qua đã kiểm tra toàn bộ hoạt động của Cty TNHH Khải Đức do ông Hoàng Khải lãnh đạo. Theo ông Lộc, công ty này chủ yếu hoạt động tại TP.HCM và kết quả kiểm tra cụ thể ông Lộc chưa nắm được.


Liên quan đến trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường Hà Nội, đặc biệt là cán bộ phụ trách địa bàn phường Hàng Gai (nơi có cửa hàng Khaisilk ở 113 Hàng Gai), ông Lộc cho biết đã hạ bậc thi đua cán bộ phụ trách địa bàn này. Đồng thời, người này vẫn tiếp tục phụ trách địa bàn để... làm tốt hơn. “Cửa hàng người ta treo biển Hàng Việt Nam chất lượng cao. Phải có quá trình thực tiễn, trinh sát, điều tra mới phát hiện ra được. Tuyệt đối không có sự phân biệt thương hiệu lớn, bé, trinh sát phát hiện thì điều tra”, ông Lộc cho hay.

“Đã đến lúc Bộ Công Thương phải tổng kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam; đồng thời sớm lập lại trật tự quản lý nhà nước về các nguyên liệu đầu vào, tránh tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó”. Trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường cũng phải được làm rõ, xử lý nghiêm nếu có sai phạm”, một lãnh đạo Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) nêu ý kiến.

Cũng liên quan đến việc quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu của Cty TNHH Khải Đức, Tổng cục Hải quan cho rằng: Theo Nghị định số 43 của Chính phủ, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.

Đối với các lô hàng nhập khẩu của Khaisilk, Tổng cục Hải quan đã cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, giai đoạn 2006 - 2009, công ty này có nhập khẩu các sản phẩm thời trang từ Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, giai đoạn từ 2009 đến ngày 15/10/2017, công ty không còn thực hiện các hoạt động nhập khẩu các mặt hàng thời trang.

Từ năm 2012 đến nay, công ty cũng không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước. Công ty chủ yếu mua các thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng hóa “Khaisilk®”, “Khaisilk cách điệu” và “Khaisilk Made in Vietnam” để bán ra thị trường.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, năm 2015, Việt Nam nhập 3.763 chiếc khăn lụa từ Trung Quốc, năm 2016 là 577 chiếc, 9 tháng đầu năm 2017 số khăn lụa nhập khẩu tăng vọt, với 4.460 chiếc, giá trị khoảng 5.787 USD.

Trung bình giá một chiếc khăn nhập khẩu về Việt Nam trong 9 tháng qua là 1,3 USD/chiếc (khoảng 28.000 đồng). Những chiếc khăn Khaisilk bóc mác, dán nhãn “Made in Vietnam” đều bán với giá không dưới nửa triệu đồng.

Trả lời câu hỏi vì sao bao nhiêu năm cửa hàng Khaisilk hoạt động giữa thanh thiên bạch nhật mà QLTT không phát hiện ra sai phạm nào? Lãnh đạo Chi cục QLTT Hà Nội từng lý giải: Thực tế chỉ có đội QLTT cơ động của thành phố trong quá trình trinh sát phát hiện chỗ nào có dấu hiệu vi phạm mới được kiểm tra. Riêng địa bàn phường Hàng Gai có tới 1.000 cơ sở kinh doanh vải vóc, nhưng Chi cục QLTT Hà Nội chỉ có 1 cán bộ phụ trách phường này. Chúng tôi vừa phải chống hàng giả, hàng lậu, không hề đơn giản.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn