Hà Tĩnh chính thức xin dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê

Thứ sáu, 15/12/2017, 14:02
Nhiều vấn đề về mỏ sắt Thạch Khê chưa có lời giải đáp và có thể có những hệ lụy khó lường trước...

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cho rằng, nếu để dự án này dây dưa, kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế- xã hội chung của đất nước, tỉnh và nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh vừa cho biết, Hà Tĩnh đã có văn bản gửi Chính phủ đề nghị xin được dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê trên địa bàn vì quá nhiều câu hỏi về dự án này chưa có lời giải đáp.

Theo Chủ tịch Hà Tĩnh, vừa qua Ban thường vụ Tỉnh ủy giao cho UBND tỉnh xem xét nghiên cứu lại dự án này. UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Hiệp hội các nhà khoa học Việt Nam, nhóm tư vấn của những giáo sư tiến sĩ, nhà kinh tế, con em Hà Tĩnh tham gia đánh giá lại dự án mỏ sắt Thạch Khê.

Sau khi đánh giá xong, UBND tỉnh đã đề nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng cho phép dừng mỏ sắt Thạch Khê. Và Ban thường vụ Tỉnh ủy đã đồng ý và đề nghị với Chính phủ dừng dự án này.

Gần đây nhất, lãnh đạo Hà Tĩnh cũng đã làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo rõ nội dung. Lãnh đạo 2 Bộ sau đó cũng đã đồng ý xem xét, đánh giá lại dự án mỏ sắt Thạch Khê.

Cụ thể, ngày 28/11/2017, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với các bộ, ban ngành cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, cho thấy dự án này còn nhiều bất cập, thời gian kéo dài nảy sinh nhiều hệ lụy. Theo kết luận của Thủ tướng thì yêu cầu xem xét, đánh giá kỹ lại dự án và báo Chính phủ sớm nhất.

Theo phân tích của ông Khánh, dự án mỏ sắt Thạch Khê không có tính phát triển bền vững, lâu dài, hiệu quả kinh tế - xã hội chưa rõ ràng.

Cụ thể, hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng được như: Hệ thống cảng biển khó xây dựng do đây là biển bãi ngang, hệ thống giao thông đường bộ kém, năng lực của chủ đầu tư chưa đảm bảo mặt tài chính, dự án nhiều rủi ro về mặt môi trường… Năm 2009, khi tiến hành bốc đất tầng phủ, lộ rõ nhiều rủi ro nên đã dừng lại đến nay đã hơn 8 năm.

Theo ông Khánh, dự án chưa đánh giá đầy đủ hiệu quả các hạng mục liên quan đến đầu tư dự án, đánh giá tác động môi trường vào trong dự án, cho nên giá thành của quặng theo tính toán với đầu tư dự án là chênh lệch rất lớn.

Đặc biệt, chưa tập trung xử lý nhiều việc phát sinh, bao gồm vấn đề môi trường chưa nghiên cứu kỹ và có giải pháp hang catster thông qua biển. Bởi mỏ sắt Thạch Khê gắn với các vỉa đá vôi có nhiều trầm tích nhưng dễ có các hang cacxtơ thông ra biển sẽ khó khăn khi dùng máy đào xuống.

Khi đổ thải ra biển ảnh hưởng rất lớn đến môi trường xung quanh. Đồng thời tính sa mạc hóa sẽ hiện hữu khi mỗi ngày phải bơm ra khoảng 800 nghìn m3 nước, việc này sẽ làm mạch nước ngầm tụt nghiêm trọng, gây ra sa mạc hóa trên diện rộng.

"Nhiều hạng mục của dự án chưa hề đánh giá. Chưa tính toán đến ĐTM, tuyển quặng, trong quặng có những hợp chất gì, tuyển quặng ra như thế nào, ô nhiễm ra sao cũng chưa đánh giá. Rồi biến đổi khí hậu, gặp siêu bão sẽ thế nào? Tất cả cái này, trong năm 2013 cũng chưa hề đánh giá" – ống Khánh nhấn mạnh.

Chủ tịch Hà Tĩnh cũng nhấn mạnh: "Cái quan trọng nữa là chưa tính đến hướng tiêu thụ sản phẩm trên nội địa dù trước đó đã thành lập dự án nhà máy thép 2 triệu tấn/năm nhưng rồi chủ đầu tư đề nghị không làm nữa vì không đủ năng lực. Vừa rồi lại tính toán chở quặng đi cho các nhà máy thép. Thử hỏi xem trên đất nước Việt Nam có bao nhiêu nhà máy thép, với công suất 5 triệu tấn/năm thì tiêu thụ thế nào?".

"Nếu để dự án này dây dưa, kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế- xã hội chung của đất nước, tỉnh và nhân dân. Đây quả đúng một tồn đọng lớn. Chúng ta phải tập trung cao trong việc này, báo cáo chính thức gửi Thủ tướng để Bộ chính trị có ý kiến, quyết định cuối cùng là nên dừng ngay mỏ sắt Thạch Khê", ông Khánh nói tiếp.

Lãnh đạo Hà Tĩnh cũng cho biết, vừa qua Thủ tướng đã giao các bộ ngành liên quan và UBND tỉnh Hà Tĩnh thẩm định, nghiên cứu đánh giá lại dự án và phải làm xong trong quý 1/2018.

Mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, giá trị xấp xỉ 35 tỷ USD - hiện là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Trước đây đã có một số nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài có ý định đầu tư khai thác, lập tổ hợp luyện thép tại dự án này, nhưng đến nay dự án vẫn gần như bất động sau một vài hoạt động thăm dò, bóc tách tầng đất phủ.

Gần đây nhất, hai Bộ Công Thương và Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra những quan điểm trái chiều về số phận của dự án này. Trong khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nên dừng dự án lại vì 4 lý do: Năng lực nhà đầu tư; tác động môi trường; thị trường tiêu thụ quặng sắt và giao thông vận tải; thì Bộ Công Thương và Tập đoàn Than Khoáng sản (TKV) lại cho rằng, nên tiếp tục dự án này vì vẫn có triển vọng và số tiền đã bỏ ra cho dự án này là khá lớn.

Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích