|
Sài Gòn lạnh sẽ còn kéo dài |
Nhiệt độ trung bình của TP.HCM trong 2 ngày qua quanh mốc 20oC. Trong khi đó, nhiều địa phương ở Nam Bộ xuống chỉ còn 17 - 18oC. Không khí lạnh sẽ còn kéo dài trong tháng 1.2018.
Những ngày qua, người dân TP.HCM nói riêng và Nam Bộ nói chung bất ngờ đón không khí lạnh với nền nhiệt khá thấp. Ở khu vực Nam Bộ, những nơi lạnh nhất là Phước Long (Bình Phước) 17,7oC, Long Khánh (Đồng Nai) 17,5oC. Tại các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ nhiệt độ phổ biến trong khoảng 19 - 20oC; thấp nhất là 18,9oC ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) trong ngày 19.12. Thời tiết lạnh ở Nam Bộ là do ảnh hưởng của không khí lạnh cường độ mạnh tăng cường từ phương Bắc. Bên cạnh nhiệt độ thấp, sương mù cũng xảy ra dày đặc.
Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan cho biết nhiệt độ này chưa phải là thấp nhất và nếu so với cùng kỳ nhiều năm vẫn còn khá cao. Cụ thể, cùng thời điểm này năm 2004, nhiệt độ ở TP.HCM là 18oC và nhiệt độ thấp nhất ở Nam Bộ thường xảy ra vào tháng Giêng. Nhiệt độ thấp lịch sử của Nam Bộ là 13,6oC vào năm 1975 hay gần hơn là là 15oC năm 1999. Đây là 2 năm khí hậu chịu ảnh hưởng của hiện tượng La Nina. Nền nhiệt thấp hiện nay được dự báo sẽ kéo dài 1 - 2 ngày tới, sau đó nhích dần lên. Trong dịp Noel và Tết Dương lịch là thời điểm không khí khá ấm áp ở Nam Bộ vì không khí lạnh tăng cường từ phương Bắc bị gián đoạn.
Vào đầu năm 2018, dự báo không khí lạnh sẽ tiếp tục tăng cường xuống nước ta và có khả năng ở miền Nam sẽ còn lạnh hơn thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đang chìm trong giá rét. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, nhiệt độ thấp nhất trong đêm 18 rạng sáng 19.12 ở khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ phổ biến từ 8 - 11oC; các tỉnh vùng núi 4 - 7oC.
Bão số 15 và khả năng có thêm bão số 16
Bão Kai-Tak đã tiến vào Biển Đông trở thành cơn bão số 15, ảnh hưởng đến vùng biển phía Nam trong những ngày tới. Trong ngày 19.12, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai đã họp bàn và triển khai các giải pháp ứng phó với cơn bão số 15. Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), yêu cầu các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang theo dõi chặt chẽ, kiểm đếm tàu, thuyền ra khơi; thông báo, hướng dẫn các phương tiện thoát ra ngoài vùng biển nguy hiểm trong cơn bão số 15.
Đáng lưu ý, theo dự báo của các cơ quan khí tượng quốc tế, trong tuần tới, nhiều khả năng Biển Đông sẽ đón cơn bão số 16 và ít nhiều ảnh hưởng đến Nam Bộ.
Băng tuyết dày đặc trên đỉnh Fansipan
Chiều 19.12, ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, cho biết do ảnh hưởng của không khí lạnh, đêm 17 rạng sáng 18.12, khu vực đỉnh núi Fansipan hình thành băng tuyết dày đặc (ảnh).
Băng tuyết xuất hiện từ khu vực có độ cao 2.800m trở lên so với mực nước biển cho đến đỉnh núi Fansipan. Theo ông Hải, đêm 18.12 trời quang mây, nhiệt độ giảm xuống 0oC nên hình thành băng giá, trong khi đó hơi nước trên cao tạo thành hạt tuyết nhỏ rơi xuống nên hiện tượng xảy ra ở đỉnh núi Fansipan có thể gọi băng tuyết.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, rét đậm, rét hại ở các tỉnh Bắc Bộ còn kéo dài đến hết ngày 20.12.
|
Theo Thanh Niên